GDP năm 2018 tăng cao nhất trong 11 năm - Ảnh: N.AN
Theo đó, GDP cả năm 2018 tăng 7,08%, là mức tăng cao nhất kể từ năm 2008 trở về đây. Mức tăng cao nhất trong quý IV là 7,31% so với cùng kỳ năm trước, dù thấp hơn tốc độ tăng trưởng quý IV năm 2017 nhưng cao hơn tăng trưởng quý IV các năm 2011 - 2016.
Trong mức tăng chung của nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,76%, đóng góp chung 8,7% vào mức tăng trưởng chung; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,85% và đóng góp 48,6%; khu vực dịch vụ tăng 7,03%, đóng góp 42,7%.
Đáng chú ý, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, cho biết chất lượng kinh tế được cải thiện.
Về tình hình doanh nghiệp, năm 2018 cả nước có 131.275 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 1.478,1 nghìn tỉ đồng. Tuy nhiên, doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động là 90.651 doanh nghiệp, tăng gần 50%.
Tổng vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện theo giá hiện hành năm 2018 ước đạt 1.856,6 nghìn tỉ đồng, tăng 11,2%. Đầu tư trực tiếp nước ngoài đến ngày 20-12 thu hút 3.046 dự án, với vốn đăng ký là 17.976,2 triệu USD.
Về tình hình năm 2019, ông Lâm cho rằng diễn biến kinh tế thế giới có nhiều phức tạp, với nhiều nền kinh tế lớn có mức tăng trưởng giảm, cạnh tranh ngày càng gia tăng.
"Thương mại toàn cầu suy giảm, xu hướng gia tăng chủ nghĩa bảo hộ, cũng là thách thức với kinh tế thế giới và ảnh hưởng tới kinh tế Việt Nam", ông Lâm nói.
Theo ông Lâm, động lực cho kinh tế năm 2019 là hội nhập kinh tế chuyển sang giai đoạn mới, với các cam kết thương mại thế hệ mới sâu rộng hơn, độ mở cao, sẽ giúp tăng cường thu hút FDI.
Kinh tế tư nhân phát triển mạnh mẽ là nền tảng quan trọng đóng góp cho nền kinh tế. Việc môi trường kinh doanh được cải thiện giúp làn sóng đầu tư, mở rộng kinh doanh được diễn ra.
Chuyển đổi cơ cấu kinh tế tích cực trong nội bộ ngành góp phần tích cực cho tăng trưởng. Như lĩnh vực cây trồng giá trị thấp sang cây giá trị cao, nuôi trồng từ đất lúa sang tôm nước lợ; công nghiệp chuyển sang chế biến chế tạo...
Nhiều năng lực sản xuất mới được bổ sung vào nền kinh tế, như các dự án bất động sản, các công trình dự án xe ô tô, điện, BOT, đường cao tốc, nhà máy chế biến thực phẩm...
Thị trường khách du lịch đang ngày càng tăng lên, Việt Nam là 1 trong 10 thị trường phát triển du lịch tăng cao. Đặc biệt là nhu cầu của khách du lịch nội địa.
Trong bối cảnh nguy cơ nền kinh tế bị bỏ xa hơn, các giải pháp tập trung được Tổng cục Thống kê đưa ra bao gồm: tập trung rà soát, hoàn thiện thể chế, cắt giảm điều kiện kinh doanh, đẩy mạnh cải cách hành chính, thực thi hiệu quả thủ tục 1 cửa, thủ tục giải thể pháp sản doanh nghiệp; chuyển đổi cơ sở kinh doanh cá thể sang doanh nghiệp.
Xây dựng sửa đổi bổ sung hệ thống pháp luật phù hợp với Hiệp định CPTPP; ký kết EVFTA, mở rộng thị trường; chủ động điều hành linh hoạt tiền tệ, lãi suất, nâng tín dụng nông nghiệp, nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, kiểm soát tín dụng ngành rủi ro;
Đẩy mạnh cơ sở hạ tầng; các tổ chức cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, tập trung nâng cao năng suất, năng lực cạnh tranh nền kinh tế, chú trọng phát triển thị trường trong nước; cần đổi mới phương thức đầu tư nước ngoài, thu hút FDI hàng đầu thế giới nắm giữ công nghệ nguồn, ngắn chuyển dịch dòng vốn gây ô nhiễm môi trường; đổi mới phương thức chương trình đạo tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; thực hiện tốt các chính sách xã hội...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận