Bà Hứa Thị Phấn
Xử vắng mặt bà Phấn là đúng luật
Về quyết định hành vi tố tụng, hội đồng xét xử (HĐXX) cho rằng ý kiến trong quá trình điều tra, điều tra viên và kiểm sát viên không khách quan của luật sư mang tính chất chủ quan vì không có quy chuẩn xác định 1 giờ điều tra viên đánh máy được bao nhiêu trang, cũng không quy định khi lập biên bản phải viết tay.
Về một số biên bản ghi lời khai, hỏi cung trùng thời gian, tại tòa, các bị cáo giữ nguyên lời khai như ở cơ quan điều tra, các bị cáo khai không bị ép cung, ngoài các bản khai trên còn các bản khai khác. Từ đó, HĐXX cho rằng sai sót này không ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan của vụ án.
Về việc xét xử vắng mặt bị cáo Hứa Thị Phấn, HĐXX nhận định Tòa đã tống đạt đúng quy định pháp luật, có xác nhận của bệnh viện nơi bị cáo điều trị, lúc này bị cáo Phấn hoàn toàn tỉnh táo.
Mặc dù vắng mặt không có lý do nhưng HĐXX cho rằng bà Phấn đã 71 tuổi, mắc một số bệnh và đang điều trị nên HĐXX không áp giải bị cáo đến tòa là phù hợp.
Bên cạnh đó, HĐXX cho rằng việc vắng mặt bà Phấn không gây trở ngại vì bà Phấn đã có lời khai có sự tham gia của luật sư, đồng thời bị cáo có 5 luật sư bào chữa, ngoài ra trong vụ án còn có lời khai của các bị cáo, đương sự khác nên việc xét xử vắng mặt bà Phấn là đúng quy định.
Về việc các luật sư cho rằng 3/5 thành viên HĐXX đã khởi tố một số bị cáo trong vụ án này khi xét xử vụ án Phạm Công Danh giai đoạn 1 lại tham gia xét xử vụ án là vi phạm tố tụng, HĐXX cho rằng bộ luật tố tụng hình sự không có quy định này, các luật sư cũng không chứng minh được HĐXX không vô tư khách quan.
Bên cạnh đó, trong vụ án Phạm Công Danh giai đoạn 1 đã khởi tố vụ án liên quan đến hành vi của Hứa Thị Phấn và những người có liên quan nhưng không xác định hành vi khách quan của từng bị cáo.
Về USB và 48 trang tài liệu do luật sư Trương Thị Minh Thơ nộp, HĐXX cho rằng mặc dù luật sư trình bày do bà Phấn cung cấp nhưng xét về thời gian như trình bày của luật sư, thời gian cơ quan điều tra lấy lời khai nhưng khôno tiếp xúc được với bị cáo thì không có căn cứ xác định do bị cáo đưa cho luật sư. HĐXX chấp nhận ý kiến của Viện KSND TP.HCM.
Các bị cáo tại tòa chiều 31-5 - Ảnh: TUYẾT MAI
Về nội dung vụ án, HĐXX nhận định: Với tham vọng thao túng ngân hàng Đại Tín, bà Phấn cùng nhóm Phú Mỹ mua 254 triệu cổ phần Ngân hàng Đại Tín, chiếm 84,92% vốn điều lệ ngân hàng này.
Hứa Thi Phấn giữ chức vụ cố vấn cao cấp Hội đồng quản trị Ngân hàng Đại Tín, làm chủ ngân hàng, đưa nhiều người thân vào các vị trí quan trọng trong ngân hàng, chỉ đạo cho vay, góp vốn đầu tư.
Mặc dù kinh doanh ngày càng thua lỗ nhưng Hứa Thị Phấn đã sử dụng pháp nhân, cá nhân trong nhóm Phú Mỹ, lợi dụng sự tin tưởng của HĐQT ngân hàng Đại Tín, thông qua bị cáo Bùi Thị Kim Loan, Lâm Kim Dũng mua bán lòng vòng, nâng khống căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch, bán lại cho ngân hàng Đại Tín với giá 1.260 tỉ đồng (gấp 8 lần giá thị trưởng).
Các bị cáo Hoàng Văn Toàn, Trần Sơn Nam, Nguyễn Vĩnh Mậu là cán bộ ngân hàng Đại Tín đã ký tên vào biên bản họp HĐQT quyết định mua căn nhà này, gây thiệt hại cho ngân hàng 1.105 tỉ đồng. Tuy nhiên xét thấy các bị cáo là người làm công, chịu sự chỉ đạo của bị cáo Phấn, thành khẩn khai báo, gia đình có công với cách mạng... nên cần cân nhắc khi lượng hình.
Công ty Phương Trang còn phải trả 6.406 tỉ
Theo HĐXX giai đoạn 2010-2012, công ty Phương Trang đã ký kết 82 hợp đồng tín dụng, 1 khoản đầu tư trái phiếu với ngân hàng Đại Tín thông qua Hứa Thị Phấn.
Do lúc này bà Phấn sở hữu 84,92% cổ phần của ngân hàng Đại Tín và biết công ty Phương Trang rất cần vốn kinh doanh nên bị cáo Phấn yêu cầu công ty Phương Trang ký trước các hồ sơ chứng từ, bàn giao các giấy tờ, tài sản trước để bị cáo Phấn chỉ đạo ngân hàng cho vay.
Thông qua Bùi Thị Kim Loan, Hứa Thị Phấn chỉ đạo lãnh đạo và các cán bộ, nhân viên Ngân hàng Đại Tín chi nhánh Sài Gòn và chi nhánh Lam Giang thực hiện các hành vi trái pháp luật trong việc lập và hạch toán chứng từ thu, chi khống nhằm mục đích không giải ngân cho công ty Phương Trang như thỏa thuận mà chỉ giải ngân khoản tiền tương ứng với số tiền công ty Phương Trang thực nhận là 3.936 tỉ đồng.
Số tiền còn lại đáng lẽ công ty Phương Trang được nhận thì bị cáo Phấn sử dụng thủ đoạn thu chi khống rút ra sử dụng hết, đẩy dư nợ 82 khoản vay và phát hành trái phiếu cho phương trang.
Theo HĐXX mặc dù luật sư của bị cáo Phấn cho rằng không có việc thu chi khống mà thực chất là thu chi cấn trừ giữa các khoản công ty Phương Trang nợ bà Phấn nhưng luật sư không đưa ra được chứng cứ nên HĐXX không chấp nhận.
Do bị cáo Phấn chỉ đạo cán bộ, nhân viên ngân hàng Đại Tín hạch toán thu chi khống, sự việc xuất phát từ lỗi của ngân hàng Đại Tín nên không thể buộc công ty Phương Trang phải chịu toàn bộ dư nợ 82 khoản vay, 1 khoản phát hành trái phiếu mà chỉ có thể buộc phía Phương Trang chịu trách nhiệm số tiền thực nhận là 3.936 tỉ đồng.
Vì vậy, công ty Phương Trang phải trả số tiền này và lãi tương ứng là 6.406 tỉ đồng.
Bà Phấn nhận 30 năm tù
Từ các nhận định trên, HĐXX tuyên án đối với các bị cáo như sau:
- Bị cáo Hứa Thị Phấn: 20 năm tù về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, 20 năm tù về tội cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, tổng hợp hình phạt là 30 năm tù. Ngoài ra, mức án của bà Phấn còn phải tổng hợp với 17 năm tù từ bản án của TAND cấp cao tại TP.Hà Nội là 30 năm tù.
- Bùi Thị Kim Loan: 13 năm tù về tội lạm dụng tín nhiệm, 15 năm tù về tội cố ý làm trái, tổng hợp hình phạt 28 năm tù.
- Ngô Kim Huệ: 7 năm tù về tội lạm dụng tín nhiệm, 3 năm tù tội cố làm trái, tổng hợp là 10 năm tù, cấm làm công việc liên quan đến hoạt động tín dụng 5 năm
- Ngô Thị Ngân: 10 năm tù về tội cố ý làm trái
- Hoàng Văn Toàn: 7 năm tù về tội cố ý làm trái, cấm làm công việc liên quan đến hoạt động tín dụng 5 năm
Các bị cáo còn lại bị đề nghị từ 2 năm tù nhưng cho hưởng án treo đến 7 năm tù về các tội lạm dụng tín nhiệm, cố ý làm trái. Đồng thời nhiều bị cáo bị cấm làm công việc liên quan đến hoạt động tín dụng trong vòng 5 năm.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận