Người xưa hoặc chịu mổ sống, hoặc phải xoay sở cái khó ló cái khôn bằng rượu, thuốc phiện, thôi miên; bí quá thì bằng... cú thôi sơn, làm bệnh nhân bất tỉnh nhân sự...
Căn bản, nhiệm vụ của gây tê, gây mê là làm mất cảm giác đau qua phong bế thần kinh. Gây mê, giống như cúp cầu dao tổng, tạm tắt cả ý thức lẫn đau đớn. Gây tê nhát tay hơn, phạm vi giảm đau hoặc quanh quẩn quanh mũi kim (tê tại chỗ), hoặc lan rộng ra một vùng như bụng, lưng, cánh tay (tê vùng)...
Mấy bà đẻ lợi to!
Gây tê hay gây mê được “triệu tập”, tùy tình hình bệnh và chỉ định của bác sĩ. Vô số “con bệnh” cậy đến mấy bác vô cảm, để ra khỏi phòng mổ “nguyên đai nguyên kiện”. Trong số đó, mấy bà bầu hưởng lợi kha khá, đa phần khi cần lên bàn mổ bắt con, hay có nhu cầu đẻ không đau qua hai hình thức- gây tê tủy sống và tê ngoài màng cứng.
Điểm dừng mũi tê
Gây tê ngoài màng cứng và gây tê tủy sống, trước tiên, có sự khác nhau xương tủy về điểm dừng của mũi kim tê. Với tê ngoài màng cứng, “đưa người, ta không đưa qua sông”, thuốc tê chỉ giậm chân ở khoang ngoài màng cứng; trong khi, gây tê tủy sống thì xuyên một lèo vào hẳn buồng dịch não tủy!
Người đánh nhanh, kẻ tấn sâu!
Không đi sâu chuyên môn, qua đường đi nước bước, có thể hình dung gây tê ngoài màng cứng lấy đánh nhanh rút gọn làm tôn chỉ, hợp với đẻ không đau (hoặc cả sinh mổ, nếu tiện!). Ngược lại, phía đồng nghiệp mạnh chân hơn, thuốc tê theo dịch não tủy lan xa, nên tính chất gây tê rộng và chất hơn, hợp cho đại cục của một cuộc mổ bắt con.
Dù nông hay sâu thì cả hai đều thuộc “biên chế” gây tê vùng, ở đây là thân dưới kể từ điểm ngắt mạch tủy sống trở xuống, tập trung vùng bụng dưới, địa đầu nóng bỏng của cuộc vượt cạn.
Đừng tuyệt đối hóa “công lực” giảm đau!
Nói thêm, giảm đau là đất dụng võ của cả hai kiểu gây tê. Tuy nhiên, “mất lòng trước đặng lòng sau”, phải cần nhắc nhở các bà đẻ rằng, mức “công lực” giảm đau chỉ khoảng 80-90%. “Cảnh giới” đau không hơn kiến cắn, hài nhi “lọt” ra lúc nào không hay là bốc mà nói quá! Chưa kể, trường hợp lở dở, thậm chí “không đau vì…quá đau” do thuốc tê vô tác dụng với sản phụ có cơ địa đặc biệt. Với gây tê ngoài màng cứng, người vượt cạn vẫn cảm thấy cơn gò tử cung, và vẫn phải vận công rặn đẻ.
Thuốc tê thường được dùng gồm Lidocain, Novocain, Bupivacain, Ropivacain...
Mặt trái tê… tái!
Sưu tra lý lịch thuốc tê xong, không thể không nói đến tai bay vạ gió của phương pháp vô cảm, vốn chiếm tỉ trọng không nhỏ trong các sự cố ngoại khoa. Khi tham vấn trước mổ, các bác sĩ đều thòng câu :“Mọi cuộc mổ đều có nguy cơ”, trong đó có cả phần của “ai cũng biết là ai đó”!
Thu hẹp phạm vi, chỉ tập trung bàn về các biến chứng gây tê với tập thể các bà đi biển mồ côi. Với tê ngoài màng cứng có tụt huyết áp, mất cảm giác cao đến ngực (liệt hô hấp, tuần hoàn...), thủng màng cứng chảy dịch não tủy (đau đầu), ngộ độc thuốc tê (co giật, ngưng thở, sốc phản vệ, tử vong...), tụ máu ngoài màng cứng (chèn ép tủy sống gây liệt), và nhiễm trùng. Phía bạn đồng khoa, cùng giuộc tương tự, nhưng có phần nặng hơn, bởi việc đâm chọt dịch não tủy. Nổi bật là đau đầu, sốc thuốc tê, hơn cả là liệt tứ chi hay toàn thân (tạm thời, hoặc cả phần đời còn lại ) do đâm trúng rễ thần kinh, chóp tủy, tủy sống, liệt thần kinh sọ (mờ mắt...), và sau cùng không thể không kể cú chót đau lưng!
Cái lưng đau định mệnh
Nhiều tranh cãi về phần dây vào của cú “hồi mã thương”, có chữ ký của thuốc tê này! Nhiều người bào chữa: nặng nhẹ của cái “hụi chết” này tùy trọng lượng của sản phụ, cộng với sức nặng bụng dạ lúc bầu bí, làm vẹo cột sống thế nào, chứ thuốc tê chẳng biết mô tê gì...
“Vaccin” chống trầm cảm sau sinh!
Toàn bộ cảnh báo trên đều mang tính liệt kê, không nên hiểu lầm các phương pháp vô cảm- trong đó có gây tê, đều “một mất một còn” với người vượt cạn. Vô số sản phụ mẹ tròn con vuông, gánh nặng sinh nở trở nên nhẹ nhàng nhất nhờ tê, mê. Một cuộc vượt cạn lên bờ xuống ruộng, nghi ngờ là mầm mống của chứng trầm cảm sau sinh. Do đó, gây tê được vinh danh ngầm là liều “vaccin” chống trầm cảm, không nói ra không ai biết.
Tai biến từ gây tê, gây mê luôn hiện diện, dù đa phần hi hữu. Việc chuẩn bị kỹ lưỡng trước mổ, về phía cả thầy thuốc lẫn bệnh nhân, nếu được thực hiện tốt sẽ giúp giảm đáng kể những sự cố đáng tiếc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận