Dự kiến sau khi xuất bản sách sẽ hướng đến những người nghiên cứu văn hoá và các nhà làm phim cổ trang Việt - Ảnh: Comicola
Sách sẽ tập hợp những nghiên cứu, tìm tòi dựa trên tư liệu cổ của nhóm về trang phục của người dân Việt Nam thời Lê sơ. Ngoài những bài viết khảo cứu, sách sẽ cung cấp các hình vẽ mô tả chi tiết về cách thức tạo hình, cấu trúc, chất liệu các bộ trang phục.
Đồng thời sách cũng in những hình ảnh chụp các bộ trang phục mà đã phỏng dựng trong một năm qua. Dự kiến, cuốn sách song ngữ Anh - Việt này dày hơn 100 trang in màu trên chất liệu giấy cao cấp khổ lớn, xuất bản cuối năm 2018.
Tranh phác thảo được thực hiện bởi hoạ sĩ Nguyễn Hoàng Dương, tác giả truyện tranh cổ phong Về nam gió thổi, giải nhất cuộc thi sáng tác truyện tranh Thế giới ước mơ mùa thứ 8. Tranh minh hoạ được thực hiện bởi hoạ sĩ Đăng Thiên, sáng lập trang Nam văn hội quán giới thiệu về lịch sử, văn hoá Việt Nam.
Ảnh chụp trang phục phỏng dựng được thực hiện bởi nhóm nhiếp ảnh gia Steve Huỳnh, Nguyễn Vũ Kỳ Phong, stylist Boongbi, là những nghệ sĩ từng có cơ hội hợp tác với các tạp chí ảnh nổi tiếng Thế giới như Vogue, Promo, BeauNu…
Trang phục phỏng dựng do nghệ nhân áo dài cổ Trần Lê Trung Hiếu thực hiện theo bản vẽ kỹ thuật được cung cấp và nghiên cứu lỹ lưỡng bởi chủ nhiệm dự án là thạc sĩ Nguyễn Ngọc Phương Đông.
Chia sẻ về dự án, biên kịch Khánh Dương - đồng sáng lập Cộng đồng truyện tranh Việt Nam Comicola (đơn vị tham gia gây quỹ cộng đồng cuốn sách Dệt nên triều đại) - thẳng thắn phân tích sự thật đáng buồn:
"Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc… đã rất thành công khi giới thiệu văn hóa, trang phục truyền thống thông qua các sản phẩm giải trí như phim ảnh.
Điều này dẫn đến một sự thật đáng buồn, là trong suốt một năm vừa qua, khi Vietnam Centre phục dựng lại các trang phục cổ của thời Lê sơ, nhiều người đã rất ngạc nhiên và hỏi "sao giống Trung Quốc, sao giống Hàn Quốc vậy, làm gì còn nét Việt Nam?"
Theo biên kịch Khánh Dương, mục đích cuốn sách là để chia sẻ những kinh nghiệm của nhóm Vietnam Centre trong quá trình phục dựng, dựa trên những khảo cứu lịch sử, tư liệu lịch sử chính thống, từ đó giúp cho những người yêu văn hóa, lịch sử Việt Nam có được những hình ảnh tham chiếu rõ nhất, giúp họ không bị lúng túng, bị sợ hãi khi thực hiện các tác phẩm cổ trang cho Việt Nam.
"Chúng ta luôn đặt ra câu hỏi làm sao để phim Việt thắng được phim ngoại nhập khi các nhà làm phim Việt suy nghĩ về các dự án cổ trang, vốn là thế mạnh của các nước có nền lịch sử lâu đời như Nhật, Trung, Hàn, Việt.
Chúng ta không thể dựng được phim Avenger hay như siêu anh hùng Mỹ, nhưng nếu làm về cổ trang, lịch sử, chúng ta tư hào là lịch sử Việt Nam sẽ hào hùng hơn nhiều, nhiều câu chuyện để khai thác hơn nhiều so với các nước.
Các sản phẩm của dự án sẽ có tính ứng dụng, giúp cho các nhà làm phim có được sản phẩm tham chiếu, để từ đó không còn e sợ trong việc xây dựng các tác phẩm cổ trang Việt Nam", biên kịch Khánh Dương kỳ vọng.
Một số trang phục Việt cổ sẽ được giới thiệu trong cuốn sách - Ảnh: Comicola
Còn Lê Ngọc Linh (sinh năm 1987) - đồng sáng lập Vietnam Centre - mong muốn cuốn sách sẽ là ấn phẩm chính thức đưa ra giải thích bài bản, khoa học về các công trình nghiên cứu phỏng dựng trang phục mà nhóm đã làm thời gian qua.
"Cuốn sách sẽ đưa ra hơn 20 trang phục của hoàng thất, triều đình, quý tộc... nước ta thời gian Lê sơ. Chúng tôi mong muốn gây quỹ thành công cuốn trang phục triều Lê sẽ tạo ra động lực lớn cho nhóm nghiên cứu tiếp tục công việc của mình, đi hết lịch sử trang phục Việt Nam trải từ trước Bắc thuộc qua các triều đại Lý, Trần, Lê, Nguyễn…
Chúng tôi hi vọng cuốn sách sẽ giúp mọi người dễ hình dung về trang phục của người Việt cổ hơn, hỗ trợ cho các nhà làm phim, hoạ sĩ, nghệ sĩ và người làm nghệ thuật giảm được gánh nặng trong công việc", Lê Ngọc Linh nói về dự định xa hơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận