Lãnh đạo xã Bình Đông cố gắng vận động cụ Nguyễn Bá Loan rời khỏi nhà để đến nơi tránh trú bão, tuy nhiên phải mất nhiều giờ thuyết phục, cụ Loan mới đồng ý - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Chiều 27-9, bão Noru chỉ còn cách Quảng Ngãi khoảng 180km, công tác di dời dân vùng ven biển nguy hiểm đã cơ bản hoàn thành. Tuy nhiên vẫn còn một cụ già ngoài 90 tuổi, không chịu đi đến nơi trú bão, dù nhà cụ nằm ngay cửa biển Sa Cần, xã Bình Đông, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi.
Chính quyền xã Bình Đông cử lực lượng xuống nhà vận động lần 1 vào khoảng 15h nhưng cụ Nguyễn Bá Loan (thôn Tân Hy, xã Bình Đông) không đi vì cho rằng "tôi tuổi già, chết thì thôi". Cụ Loan không muốn rời khỏi ngôi nhà của mình.
Sau khi bàn phương án, khoảng 17h chính quyền tiếp tục xuống nhà vận động. Ông Đoàn Thế Oanh, phó chủ tịch UBND xã Bình Đông, dẫn đầu đến thuyết phục cụ Loan, nhưng ông cụ tiếp tục từ chối di dời vì sức khỏe yếu, chân tay đi lại khó khăn và việc vệ sinh cá nhân phải nhờ người khác.
Cụ Loan cho rằng "tôi già rồi, đi lại khó khăn, giờ mọi việc phải nhờ đến con cháu nên cho phép tôi ở lại nhà" - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
"Bác thương bọn cháu, bác đi đến nơi trú ẩn an toàn, chẳng lẽ bọn cháu đội mưa gió vầy mà bác không thương", ông Oanh nói. Đáp lại, cụ Loan nói: "Biết thương rồi, nhưng tôi không đi đâu, già rồi chết thì thôi chứ sợ gì".
Sau hơn 30 phút vận động gay cấn và căng thẳng, có lúc tưởng như phải dùng biện pháp cưỡng chế. Cuối cùng, cụ Loan đồng ý di dời - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Ông Oanh và mọi người tiếp tục động viên: "Bác không đi thì con với cháu cố cũng phải ở nhà, lỡ bão vào, các con có vấn đề gì bác đau lòng không. Phải nghĩ cho con cháu nữa bác ạ. Chứ tình hình này, bác không đi bọn cháu buộc lòng phải cưỡng chế để đảm bảo an toàn cho gia đình". Sau khi suy nghĩ hồi lâu, cụ Loan đồng ý di dời.
Lực lượng chức năng phải mặc áo mưa, dìu cụ ra khỏi nhà rồi chở bằng xe máy ra khỏi làng chài chật chội. Khi đến đường chính chuyển lên xe ô tô chở cụ đến ký túc xá Nhà máy thép Hòa Phát trú bão - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Bà Nguyễn Thị Kim Huệ (con cụ Loan) cho biết: "Tôi cảm thấy rất mừng khi ba chịu đi trú bão. Nếu ba cương quyết không đi thì vợ chồng tôi cũng phải ở nhà chăm sóc, làm sao mà bỏ ba ở nhà còn phần mình đi chạy bão được. Thật sự rất là mừng, cảm ơn các chú ở xã Bình Đông nhiều".
Sau khi đưa cụ đến nơi, xác định cụ sức khỏe yếu, chính quyền và Công ty thép Hòa Phát Dung Quất đã bố trí một phòng riêng, có nhà vệ sinh bên trong để thuận tiện trong sinh hoạt của cụ - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Ông Đoàn Thế Oanh nói: "Cụ Loan chịu đi đến nơi trú bão, anh em cũng thở phào và nở một nụ cười. May vận động cụ chịu đi, nếu cụ không chịu buộc lòng chúng tôi phải cưỡng chế đưa đi để đảm bảo an toàn tính mạng cho gia đình trước cơn bão dữ".
Bà Trần Thị Hoanh thuộc diện gia đình neo đơn được chính quyền địa phương đưa đến nơi trú bão an toàn - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Tại ký túc xá của Công ty cổ phần thép Hòa Phát Dung Quất (Quảng Ngãi), có một số căn phòng riêng được bố trí cho những cụ già và gia đình chính sách. Còn phần lớn ký túc xá được bố trí cho người dân - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Bé Nguyễn Thị Lảnh (2 tuổi) xã Bình Đông, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi cùng với gia đình tại nơi tránh bão - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Chị Phạm Thị Tình cùng chồng chăm sóc cho bé Trần Phạm Ánh Phượng 3 tháng tuổi tại nơi tránh trú bão. Cùng với nhiều người dân khác, gia đình chị Tình rời nhà vào sáng 27-9 - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Tại khu trú bão ký túc xá Nhà máy thép Hòa Phát Dung Quất hiện có khoảng 3.000 người dân ở hai xã Bình Đông và Bình Thuận (huyện Bình Sơn) trú bão - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Niềm vui của gia đình bà Nguyễn Thị Hiếu (82 tuổi, xã Bình Đông, huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) khi ăn bữa tối tại nơi trú bão ở ký túc xá của Công ty cổ phần thép Hòa Phát Dung Quất (Quảng Ngãi), toàn bộ chi phí ăn uống và lưu trú đều được công ty miễn phí cho người dân - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận