Gậy bản quyền trao tay kẻ nhận vơ

HOA KIM 24/12/2021 18:10 GMT+7

TTCT - Công cụ khiếu nại bản quyền của YouTube đang đẩy phần khó về phía các nhà sản xuất nội dung và tạo ra môi trường màu mỡ cho những hành vi trục lợi mà nền tảng này không thể hoặc không muốn kiểm soát.

 
 Ảnh: usustatesman.com

Ngày 6-12, YouTube lần đầu tiên công bố Báo cáo minh bạch bản quyền để cung cấp “một cái nhìn vào việc thực thi bản quyền” của nền tảng này, dựa trên dữ liệu thu thập từ nửa đầu năm 2021. Theo đó, hơn 99% trong số hơn 729 triệu khiếu nại và yêu cầu gỡ bỏ video với cáo buộc vi phạm bản quyền được ghi nhận trong thời gian này là thông qua hệ thống Content ID - công cụ cho phép chủ sở hữu bản quyền phát hiện những video có chứa nội dung thuộc quyền sở hữu của họ.

Nếu một khiếu nại từ người sở hữu bản quyền được YouTube xác nhận là hợp lệ và xác đáng, người đăng video bị cáo buộc sẽ nhận một “gậy” bản quyền (copyright strike); 3 gậy thì sẽ bị xử lý mạnh tay (khóa kênh, xóa hết video, cấm mở kênh mới). Theo báo cáo nói trên, chỉ chưa đến 1% (2,2 triệu) các trường hợp nhận “gậy” phản đối quyết định của YouTube, và trong số đó thì hơn 60% được giải quyết theo hướng có lợi cho người đăng video, nền tảng này cho biết.

Những con số thống kê mà YouTube đưa ra vẽ nên một bức tranh màu hồng, trong đó công cụ tự động có tỉ lệ phát hiện vi phạm chính xác gần như tuyệt đối, và ngay cả khi nó mắc lỗi thì quy trình tiếp nhận và xử lý phản ánh cũng bảo vệ quyền lợi của người làm nội dung. Nhưng sự thật không phải lúc nào cũng thế.

Ai cũng có thể trục lợi

Theo chính báo cáo của YouTube, hơn 8% trong số các yêu cầu gỡ bỏ video thông qua biểu mẫu web mà bất cứ ai cũng có thể điền được là những yêu cầu “mang tính lạm dụng”, nghĩa là bị YouTube đánh giá có khả năng khẳng định sai về quyền sở hữu bản quyền.

Anh Mike Fleischauer, chủ kênh Gamefromscratch với hơn 174.000 lượt đăng ký, từng bị khóa tài khoản YouTube sau khi dính hai “gậy” trong cùng một ngày đến từ nhiều khiếu nại khác nhau. Fleischauer không rõ chuyện gì đã xảy ra cho đến khi một người lạ liên lạc với anh, thừa nhận chính họ đã báo cáo vi phạm video đó và yêu cầu anh chuyển số lượng Bitcoin trị giá 50 USD coi như làm tiền chuộc.

Chính Fleischauer cũng không rõ lý do vì sao kênh của mình bị nhắm đến, vì nội dung anh đăng tải không hề gây tranh cãi hay làm phật ý một nhóm khán giả nào. Nhưng khi quy trình khiếu nại bản quyền một video là quá dễ dàng, không khó hiểu khi nó bị lợi dụng cho mục đích xấu.

Theo trang Insider, một người tay ngang thậm chí chỉ cần làm theo 1 tờ giấy hướng dẫn tuần tự từng bước trước mặt cũng có thể dễ dàng gửi khiếu nại bản quyền đến YouTube nhắm đến bất kỳ video nào mình muốn. “Kiểu làm tiền này đơn giản đến mức chỉ cần tống tiền một YouTuber bất kỳ với lời đe dọa sẽ gửi khiếu nại lên YouTube nếu họ không trả tiền, rồi rung đùi chờ YouTube gỡ bỏ video hoặc khóa tài khoản của nạn nhân” - trang blog Boing Boing viết.

Báo cáo tháng 12 của YouTube cũng thừa nhận tỉ lệ lạm dụng biểu mẫu khiếu nại công cộng cao gấp 30 lần so với các công cụ khác có quyền truy cập hạn chế hơn như Copyright Match (báo cáo video đăng lại không xin phép) và biểu mẫu dành cho doanh nghiệp. Nhưng ngay cả đối với những công cụ dành riêng cho chủ bản quyền - tức đã được YouTube kiểm tra các giấy tờ chứng minh sở hữu bản quyền trước đó - việc lạm dụng để trục lợi cũng không phải không có.

 
 Ảnh chụp màn hình

Ông lớn bắt nạt

Các nhà sáng tạo nội dung trên YouTube từ lâu đã truyền tai nhau bài học để đời rằng không được để lọt vào video của mình bất cứ đoạn nhạc hay clip nào do các công ty lớn nắm bản quyền, dù là vô tình, nếu không muốn mất trắng doanh thu quảng cáo, bị buộc gỡ video hoặc tệ hơn là bị khóa tài khoản vĩnh viễn.

Ngược lại, các công ty lớn đôi khi lạm dụng chiếc gậy quyền lực mà YouTube trao để chèn ép hoặc vét doanh thu quảng cáo từ các kênh nhỏ hơn thông qua việc khiếu nại bản quyền vô tội vạ bất kỳ video nào sử dụng các đoạn âm thanh hoặc hình ảnh mà họ sở hữu, dù việc sử dụng có được xem là hợp lý trong mắt pháp luật hay không, một YouTuber nổi tiếng giấu tên nói với Insider.

Theo người này, toàn bộ doanh thu quảng cáo từ một video dài 30 phút của họ từng rơi vào tay một công ty phát hành nhạc lớn ở Mỹ sau khi video đó bị đánh bản quyền vì có một đoạn ngâm nga không thành lời bài hát do công ty này sở hữu dù chỉ kéo dài khoảng 10 giây. “Tôi đã liên hệ với YouTube về vụ việc và họ nói sẽ xem xét, nhưng sau đó bặt vô âm tín… [YouTube] sẵn sàng làm tất cả để chiều lòng các nhà quảng cáo và các công ty lớn. Họ có lẽ không muốn mạo hiểm dính líu đến các vụ kiện bản quyền, nên đã cung cấp cho các chủ sở hữu bản quyền bộ công cụ mạnh mẽ dẫn đến việc lạm dụng tràn lan” - YouTuber này chia sẻ với Insider.

Mới đây nhất, Felix Kjellberg - chủ kênh PewDiePie, kênh do cá nhân sở hữu có lượt đăng ký cao nhất YouTube với hơn 110 triệu lượt - bức xúc trải lòng về vấn nạn bản quyền trên nền tảng này trong một video đăng tải ngày 10-12. Trong video, Kjellberg kể lại một trường hợp cười ra nước mắt khi video của anh bị đánh bản quyền vì sử dụng một bài hát… do chính anh sáng tác và thể hiện. Nực cười hơn khi công ty đứng tên khiếu nại bản quyền lại viết trong phần mô tả rằng họ “thay mặt PewDiePie” để làm việc này, dù YouTuber này khẳng định không có liên hệ gì với công ty trên và các bài hát của anh đều cho phép mọi người tái sử dụng thoải mái. Đỉnh điểm sự việc là khi PewDiePie gửi đơn phản đối quyết định của YouTube nhưng bị từ chối, dù về lý thuyết thì anh chính là người tự khiếu nại mình còn công ty kia chỉ “thay mặt” anh.

Chuyện khiếu nại bừa rồi “ăn được thì ăn, không ăn được thì nhả” cũng là một thủ thuật được nhiều cá mập sử dụng để kiếm tiền trên YouTube. S..71 là cái tên bị nhiều YouTuber quốc tế dè chừng vì thường xuyên báo cáo bản quyền các video dù chứa hay không chứa nội dung mà đơn vị này sở hữu. Phần lớn chủ video bị nhắm đến là các kênh nhỏ lẻ và chọn cách im lặng, nhưng nếu họ có động thái phản đối thì công ty này lập tức thu hồi khiếu nại là coi như xong chuyện. Theo quy định của YouTube, trong suốt thời gian giải quyết phản đối nếu có, toàn bộ doanh thu quảng cáo từ video vẫn sẽ chảy vào túi đơn vị khiếu nại bản quyền ban đầu.

Suy đoán có tội

Hệ thống Content ID của YouTube sử dụng thuật toán tự động quét các video đăng tải trên nền tảng này và báo cho chủ sở hữu bản quyền các nội dung nghi ngờ vi phạm. Việc xác định đoạn nội dung có bản quyền được sử dụng trong clip đó có phải “sử dụng hợp lý” (fair use) hay không là do bên nắm bản quyền quyết định. Theo nhiều nhà sáng tạo nội dung, YouTube áp dụng nguyên tắc “suy đoán có tội” đối với các video bị khiếu nại, tức là thà gỡ lầm còn hơn bỏ sót. Mà chuyện gỡ lầm thì ít nguy cơ hơn là chẳng may đắc tội với một công ty lớn đem lại cho nền tảng này nhiều doanh thu quảng cáo!

YouTube bó tay?

Dù tất cả các video của Fleischauer hiện đã được khôi phục, anh thừa nhận đã mất niềm tin vào hệ thống tự động phát hiện vi phạm bản quyền của nền tảng này. Ngay cả việc khôi phục các video đã xóa của anh cũng là nhờ sự tác động từ một “sếp” YouTube mà Fleischauer có mối quan hệ từ trước. “Thật điên rồ khi nghĩ rằng video của tôi chỉ được xuất hiện trở lại vì tôi có quen biết một người nào đó bên trong YouTube, nhưng đó là thực tế phũ phàng” - Fleischauer nói với Insider. Fleischauer cũng cho rằng trường hợp của anh được ưu tiên xử lý nhanh một phần vì sức ảnh hưởng trên mạng xã hội. “Nếu tôi ít nổi tiếng hơn, video của tôi có lẽ đã biến mất vĩnh viễn và có khả năng kênh của tôi đã phải ăn một “gậy” cảnh cáo” - Fleischauer thừa nhận.

John Swan, người từng bị một YouTuber khác khiếu nại bản quyền “vơ” một video có nội dung chỉ trích người đó, lại cho rằng các nền tảng như YouTube khó có thể làm gì khác khi phải đi trên dây giữa tuân thủ luật pháp và bảo vệ quyền lợi của cộng đồng sáng tạo nội dung. Một trong những điểm mấu chốt của Luật bản quyền tại Mỹ đã cho phép YouTube hay bất kỳ mạng xã hội nào tồn tại đó là quy định các nền tảng không phải chịu trách nhiệm về nội dung có bản quyền do người dùng của họ tải lên.

“Không có luật này thì sẽ không có các nền tảng lưu trữ nội dung người dùng” - Swan giải thích. Nhưng cũng chính vì luật này, YouTube không thể can thiệp cũng như đưa ra quyết định ai đúng ai sai trong các tranh chấp bản quyền - chức năng chỉ dành cho cơ quan tư pháp. Nhiệm vụ của YouTube là gỡ nội dung theo yêu cầu của bên nắm bản quyền, còn muốn phản đối thì chỉ có thể nhờ YouTube truyền đạt lại thông tin đến đơn vị khiếu nại và hy vọng họ đổi ý.

Điều này khiến nhiều người chùn bước mỗi khi video bị đánh bản quyền: để gửi yêu cầu xem xét, người dùng phải cung cấp nhiều thông tin cá nhân trong đó có địa chỉ nhà và tên thật theo mẫu của YouTube. Các thông tin này, kèm giải thích ngắn gọn lý do vì sao bạn nghĩ video mình không vi phạm bản quyền, đều được chuyển đến đơn vị khiếu nại và tùy họ xử lý. Nói cách khác, YouTube chỉ là người đưa thư còn quyền sinh sát nằm hoàn toàn trong tay đơn vị nắm bản quyền. Tất nhiên nếu khiếu nại ban đầu là sai sự thật thì YouTube sẽ xử lý, nhưng tiếc là trong mẫu đơn không có chỗ nào cho nạn nhân báo cáo hành vi đó!


Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận