10/11/2020 14:12 GMT+7

'Gấu ú' mê làm điều tử tế

MINH PHƯỢNG
MINH PHƯỢNG

TTO - Khao khát làm, đã làm thì không nghĩ nhiều, đó là cách chị Nguyễn Anh Đào (họa sĩ 'Gấu ú', 36 tuổi, làm việc ở TP.HCM) góp sức vào các hoạt động cộng đồng và hoạt động thiện nguyện.

Gấu ú mê làm điều tử tế - Ảnh 1.

Chị Anh Đào (trái) vẽ tặng tranh chân dung cho các tình nguyện viên trong lần tham gia dự án trồng cây ở Đà Lạt - Ảnh: NVCC

Cách đây hơn một tháng, sau khi tụ họp ở Đà Lạt trồng 3.000 cây thông, hơn 50 tình nguyện viên đến từ nhiều tỉnh thành chia tay nhau ra về, mang theo những bức ký họa chân dung. 

Đó là tranh chị Nguyễn Anh Đào ngồi hàng giờ liền vẽ tặng từng bạn, sau một ngày mệt phờ lên núi trồng cây cùng mọi người. Đến hơn 19h, chị mới vội vàng rời đi để hôm sau có mặt ở TP.HCM và Đồng Nai trao quà trung thu cho các em nhỏ khó khăn.

Gieo mầm tử tế

Nhắc lại chuyến đi ấy, họa sĩ Gấu ú cho biết chị vội đi là vì đến thăm một người bạn là họa sĩ ở Finôm (Lâm Đồng) trước khi về lại TP.HCM. Người bạn ấy thông qua chị để nhờ gửi bức tranh tặng cho dự án. Cùng với một bức tranh quý của mình, chị Anh Đào đã gửi tặng dự án hai bức tranh để đấu giá gây quỹ. 

Điều đáng nói là chị và người bạn họa sĩ này chưa từng quen nhau trước đó nhưng chị vẫn đến tận nơi để cảm ơn. "Mình trân trọng bạn và công sức của bạn nên mình tới thăm bạn dù mình chưa gặp bạn bao giờ" - chị Anh Đào cười hiền.

Mỗi hành động nhỏ nhưng đặt tấm lòng vào đó, chị Anh Đào mong muốn góp sức mình để cùng làm cho xã hội tốt hơn. Mới đây, chị cũng đã khởi xướng dự án "đổi sách lấy cây" và đã tổ chức được 4 kỳ. Chị bỏ tiền túi ra mua những chậu cây xinh xắn, sau đó mượn không gian quán cà phê của người bạn ở Q.1

(TP.HCM) để tổ chức hoạt động. Mọi người mang sách tới để đổi lấy cây mang về. Sau đó, sách nhận được chị sẽ phân loại truyện tranh, truyện cổ tích, sách hạt giống tâm hồn, sống đẹp... đóng gói gửi cho các trường dạy trẻ tự kỷ và chùa nuôi dạy các em nhỏ mồ côi. Các loại sách khác đặt ở tiệm cà phê để mọi người đến đọc, trao đổi.

Hỏi vì sao lại chọn đổi sách lấy cây, họa sĩ Gấu ú nói chị muốn tặng sách cho các em vì mỗi trang sách mở ra một chân trời mới. Năm 2018, chị và bạn mình tự bỏ tiền túi mua sách truyện ủng hộ các cụ già ở tiệm sách cũ, sau đó thuê xe lam chở vô núi tặng cho các em nhỏ tại một xóm nghèo ở Phú Yên. 

Lúc mình phát sách, tụi nhỏ khoái lắm. Hình ảnh ấy khiến mình rất xúc động, thấy hình ảnh mình hồi nhỏ được cầm trên tay cuốn sách để đọc", chị cho biết. Thông qua dự án này, chị cũng lan tỏa ý thức sống xanh đến mọi người, bắt đầu từ việc đơn giản nhất là trồng, chăm sóc một cái cây.

Dành tiền làm thiện nguyện

Là một họa sĩ, thu nhập đến từ việc vẽ tranh nhưng chị Anh Đào có nguyên tắc là không nhận chép tranh, chỉ nhận vẽ tranh nếu khách hàng là người hiểu, đồng cảm và thích tay nghề của họa sĩ. Tranh của chị không bán giá rẻ vì bán rẻ là phá giá đồng nghiệp. Vì những lý do ấy, mọi thứ không dễ dàng nhưng chị vẫn cười giòn tan, nói may mắn vẫn "trụ" được qua mùa dịch COVID-19.

Hiện nay, mỗi hợp đồng bán tranh, chị dùng 1/3 số tiền nhận được để đóng góp vào các quỹ thiện nguyện, các dự án cộng đồng. Số còn lại để chi trả những nhu cầu cơ bản như tiền trọ, ăn uống, mua dụng cụ, vật liệu vẽ tranh... 

Trong những tình huống đặc biệt như bão lũ miền Trung vừa qua, chị dành toàn bộ số tiền kiếm được từ các bức vẽ để ủng hộ. Chị cũng thức rất khuya để vẽ các bức tranh gửi tặng cho ban tổ chức đấu giá gây quỹ ủng hộ miền Trung. Chị nói giúp được người dân chút nào thì bỏ của bỏ công ra như vậy không đáng là bao.

Là người độc thân, thay vì tích lũy cho bản thân thì chị dành tiền tham gia các hoạt động thiện nguyện, cộng đồng. Chị bộc bạch: "Nếu mình cứ suy tính cho đi rồi ngày mai mình không có tiền, rồi tiền nhà, các chi phí thì làm sao? Lỡ mắc nợ thì sao? Nợ không còn tiền phải về quê thì sao? Mình cũng lo lắng chút chút nhưng "liều mạng" làm đại, nghĩ nhiều quá thì không làm được". Chị nói cứ cho đi thì sẽ nhận về, vật chất với chị không phải thứ ở lại sau cùng, điều ở lại là lòng người. 

"Mình tin rằng khi mình làm được việc tốt, người khác sẽ tiếp sức cho mình, lòng tốt sẽ chuyền nhau lan tỏa. Hơn nữa, mỗi khi tham gia các hoạt động cộng đồng, tình nguyện, mình lại gặp những người tích cực và được lan tỏa niềm vui ấy, vậy là hạnh phúc rồi" - chị Anh Đào nói.

Noi theo ông ngoại

Từ nhỏ đã thích làm việc tử tế, chị Anh Đào ảnh hưởng từ ông ngoại của mình điều ấy. Ông ngoại trước kia là thầy giáo đã cưu mang học trò nghèo, nuôi cho ăn cho học rất đông trong nhà. Ông cũng sưu tầm rất nhiều sách và sẵn lòng cho lũ trẻ mượn sách về đọc. Ngày còn đi học, lớp chị có bạn sống trong trại trẻ mồ côi.

"Mình hay theo các bạn về mái ấm "ăn chực". Thấy thương mấy bạn, mình về lấy quần áo của mình còn mới đang để dành chở vô cho mấy bạn. Lúc rảnh mình lại chạy vô chơi, vẽ cho mỗi bạn một tấm cho mấy bạn vui", chị Anh Đào kể.

'Những trái tim tử tế' của cô bé hạt tiêu Hồng Nghi

TTO - Một cô học sinh nhút nhát đã đứng ra thành lập nhóm thiện nguyện từ khi mới học lớp 8, tổ chức được nhiều chuyến đi đến với những em nhỏ bất hạnh, rủ được nhiều bạn bè cùng mình làm những dự án nhỏ bé nhưng ý nghĩa.

MINH PHƯỢNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên