Bà Út đang tắm cho người con thứ năm Phan Công Nhật. 33 tuổi nhưng Nhật như một đứa trẻ, từ việc ăn uống, vệ sinh đều một tay bà Út chăm sóc. Phía sau là con gái và cháu nội chờ tới lượt được bà tắm cho - Ảnh: M.Trường |
Trong căn nhà nằm bên vườn dừa thuộc xã Vang Quới Tây, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre, bà Út lần lượt giới thiệu với khách: “Đây là con Kiều (Phan Thị Kiều, sinh năm 1976), đây là thằng Nhật (Phan Công Nhật, sinh năm 1982), đây là thằng Trường (Phan Văn Trường) - nó khó lắm, đánh tôi hoài à, còn đây là Linh (17 tuổi) cháu nội của tôi, ngồi ở góc kia là chồng tôi, ông bị tai biến không còn nói năng gì được”.
Ngoài những người có mặt là con, cháu mình, bà Út cho biết còn hai người con trai và một con gái đã lập gia đình xa và đều là những đứa “chậm chạp, không giống người ta”.
Chúng tôi hiểu từ “không giống người ta” của bà Út vì hầu hết họ không được học hành và số còn lại ít nhiều bị ảnh hưởng của chất độc da cam từ cha - ông Phạm Văn Châu (64 tuổi).
Cách đây hơn 40 năm, bà Út phải lòng ông Châu rồi dọn về ở với nhau. Từ đó lần lượt sáu người con ra đời. Trong số đó có ba người bị nhiễm chất độc da cam ngơ ngơ ngẩn ngẩn.
Những tưởng người con trai lành lặn và nhanh nhẹn nhất là Phan Thanh Phong (37 tuổi) sẽ là niềm an ủi và chỗ dựa cho cả gia đình sau này thì một trái dừa đã rơi trúng đầu khiến Phong mất trí nhớ.
Có những hôm Phong đi lấy thuốc cho cha, khi đến điểm phát thuốc thì không nhớ nổi mình ra đây làm gì nên quay về tay không.
Cách đây không lâu, người con gái thứ ba của bà Út là Phan Thị Kiều đi chơi trong xóm đã bị kẻ xấu hãm hiếp đến có bầu.
Sợ bị kẻ xấu tiếp tục lợi dụng con bà thêm lần nữa, bà quyết định triệt sản cho con. “Tôi nào đâu muốn làm cái chuyện đó với con mình. Nhưng nó không ý thức được việc làm của nó” - bà cho biết.
Con bệnh, chồng bị tai biến khiến bà gần như ngã quỵ trước hoàn cảnh éo le của mình. Nhưng vì tình máu mủ, trách nhiệm làm người, bà lại gượng dậy để làm chỗ dựa cho chồng con và đứa cháu nội kém may mắn.
Hằng ngày, bà dậy từ lúc 4g sáng để nấu nướng và lần lượt lo vệ sinh cá nhân cho từng người. Cả ngày quần quật giặt giũ, chiều lại lo tắm rửa cho chồng, cho con và cháu. Tối đến bà phải lo từng miếng ăn, giấc ngủ cho từng người đến 1 - 2g sáng. Tuổi già của bà Út cứ luẩn quẩn với những việc như thế.
Sợ chồng té, con lên cơn phá đồ đạc, bà không dám đi chợ mà phải nhờ hàng xóm mua thức ăn, mắm muối về trữ trong nhà ăn dần.
Số tiền trợ cấp ít ỏi của những người con và tiền lương thương binh của chồng không đủ đắp đổi qua ngày, bà phải tranh thủ thời gian giữa ngày để chuốt lá dừa làm chổi bán.
“Mỗi tháng tôi cũng kiếm thêm được vài trăm ngàn từ công việc này. Hàng xóm thương tình mỗi tháng cho được hơn 10kg gạo nhưng vẫn thiếu trước hụt sau. Chỉ mong trời cho tôi sức khỏe để nuôi sống chồng con được ngày nào hay ngày đó” - bà Út nói.
Hỏi tại sao không gửi các con bị bệnh vào trung tâm bảo trợ xã hội, bà Út cho biết trước lúc chồng bà ngã bệnh, nhiều người cũng đã khuyên gia đình cho con vào đó để được Nhà nước chăm sóc nhưng chồng bà nhất quyết không chịu.
“Hồi ổng còn khỏe có dặn thà ổng chết khuất mắt rồi thì muốn gửi con đi đâu cũng được” - bà Út nói về lý do giữ con ở nhà để tự tay mình chăm sóc.
Quyết tâm tự tay chăm sóc cho chồng, cho con đến khi chết nhưng với trái tim yếu đuối và nỗi đau của người mẹ khiến nhiều đêm nước mắt của bà tuôn rơi.
“Nhiều khi tôi nghĩ quẫn muốn chết đi cho xong nhưng còn chồng, con và cháu không người chăm sóc, nuôi nấng nên tôi phải tiếp tục mà sống” - bà Út thở dài.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận