25/04/2011 07:01 GMT+7

Gas lừa lại tung hoành

(Nguồn: Hiệp hội Gas VN)
(Nguồn: Hiệp hội Gas VN)

TT - Sau một thời gian im ắng do người tiêu dùng phát hiện, gần đây nạn gas lừa lại hoành hành với những “chiêu thức” tinh quái hơn. Nhiều người tiêu dùng phải chuốc lấy sự bực tức khi bình gas 12kg chỉ còn một nửa...

Read this on Tuoitrenews.vn

Bs6l1UmI.jpgPhóng to
Bà Nguyễn Thị Ngọc Lệ (ngụ đường Phạm Thế Hiển, P.2, Q.8, TP.HCM) đã mua phải gas giả thương hiệu gas Bình Minh qua điện thoại của tờ rơi quảng cáo- Ảnh: HOÀNG THẠCH VÂN
U0yOa18R.jpgPhóng to
Cân trọng lượng bình gas thật 25,5kg (trái), bình gas lừa chỉ còn 18,4kg - Ảnh: HOÀNG THẠCH VÂN

Trước, bọn lừa đảo giả làm nhân viên đưa gas lén thay số điện thoại dán trên bình gas, nay in luôn những tờ rơi quảng cáo nhái thương hiệu những công ty, đại lý gas uy tín để lừa người tiêu dùng.

Nhái thương hiệu

40%

Đó là tỉ lệ bình gas trôi nổi trên thị trường hiện nay được buôn bán sang tay mà không quay về công ty đầu mối để làm công tác kiểm định an toàn.

Thông thường phải một tháng rưỡi mới thay bình gas mới, chị Nguyễn Vũ Thy Phương, nhà ở đường Dương Bá Trạc, Q.8, TP.HCM, sinh nghi khi bình gas dùng vừa đến ngày thứ tám đã hết sạch.

Xem lại tờ rơi quảng cáo của đại lý Mai Bình Minh có số điện thoại, chị Phương gọi đến phản ảnh sự việc và yêu cầu đổi bình gas nhưng năm lần bảy lượt chỉ nhận được lời hứa.

Theo địa chỉ được cho qua điện thoại, chị Phương tìm đến đại lý để đòi sự công bằng thì hỡi ôi, số 37 Âu Dương Lân chẳng có đại lý gas nào. Chị Phương cố tìm lại số điện thoại của đại lý Bình Minh mà gia đình chị vẫn gọi để phản ảnh thì mới biết mình đã bị lừa.

Theo phản ảnh của một bạn đọc bị lừa tương tự câu chuyện của chị Phương, tìm đến địa chỉ 236/12 Lê Đức Thọ, P.16, Q.Gò Vấp của một đại lý nhái thương hiệu Bình Minh thì không thấy một địa chỉ nào như vậy. Các anh xe ôm góc đường Lê Đức Thọ - Thống Nhất, P.16, Q.Gò Vấp được hỏi đều lắc đầu “bó tay” với địa chỉ này.

Mai Bình Minh là một đại lý không ai biết địa chỉ cố định ở đâu, chỉ cung cấp số điện thoại để bàn không dây và số di động. Không chỉ có Mai Bình Minh, khắp các quận huyện 12, Gò Vấp, Bình Thạnh, Bình Tân, Bình Chánh... còn có Bình Minh II, Yến Bình Minh, Hòa Bình Minh, Bình Minh 3...

Trao đổi với Tuổi Trẻ, đại diện Công ty TNHH thương mại gas Bình Minh (trụ sở tại 10-12 đường số 2, P.4, Q.4, TP.HCM) cho biết không hề có chi nhánh nào của mình mang tên như vậy và đang “khóc dở mếu dở” trước những thương hiệu nhái này. Anh Hùng, nhân viên giám sát khu vực Q.8 của Công ty TNHH thương mại gas Bình Minh, cho biết từ đầu năm đến nay, riêng khu vực này đã phát hiện trên 10 vụ lừa đảo.

Cuối năm ngoái, lực lượng quản lý thị trường còn phát hiện một đơn vị lấy tên công ty cổ phần gas Saigon Petro nhái thương hiệu “Saigon Petro” của Công ty TNHH một thành viên Dầu khí TP.HCM.

ME6pVBfz.jpgPhóng to
Cân gas trước khi giao cho khách hàng - Ảnh: T.ĐẠM

Xử phạt quá nhẹ

Các vụ lừa bán gas thiếu ký đã xảy ra lâu nay và không hề có dấu hiệu suy giảm. Nhóm lừa đảo này không ở một vị trí cố định mà luôn di chuyển địa bàn hoạt động nhờ sử dụng điện thoại di động và điện thoại không dây.

Theo nhân viên một số công ty kinh doanh gas, nhóm lừa đảo này thuê nhà và sang chiết gas từ các bình 45kg vào bình 12kg. Có nhóm dùng luôn xe tải nhỏ chuyên chở gas từ địa bàn này sang địa bàn khác. Mỗi ký gas nhóm này có thể bỏ túi đến 30.000 đồng. Quản lý thị trường đã phát hiện và bắt vài vụ nhưng do siêu lợi nhuận và biện pháp chế tài không đủ sức răn đe nên gas lừa vẫn có đất sống.

Ngoài ra, lợi dụng người tiêu dùng thiếu cảnh giác bởi thói quen gọi gas theo số điện thoại mà không để ý địa chỉ của đại lý gas mình yêu cầu dịch vụ nên gas lừa dễ dàng qua mặt “thượng đế”. Mặt khác, để nạn gas lừa hoành hành, trách nhiệm của các công ty kinh doanh gas không hề nhỏ vì không quản lý nổi số bình gas tung ra lưu thông trên thị trường.

Theo bà Lê Thị Anh Mẫn - phó chủ tịch Hiệp hội Gas VN, tình trạng nhái nhãn hiệu, gas giả, gas lừa ngày càng nhiều và lan rộng, nhưng các biện pháp chế tài, xử phạt hiện không đủ răn đe, bởi những người này chỉ cần bán vài bình gas là đủ tiền nộp phạt rồi lại tiếp tục hoạt động.

“Theo tôi, khi xử lý cần xét đến hành vi của đối tượng vi phạm chứ không nên dừng lại ở giá trị thiệt hại của mỗi vụ việc. Bởi mỗi vụ việc xảy ra ở mỗi gia đình người tiêu dùng, thường chỉ là một bình gas hoặc thêm các phụ kiện khác, giá trị cao lắm là 1 triệu đồng. Trong khi đó, các vụ lừa đảo kéo dài và hoạt động có tính tổ chức” - bà Mẫn nhận định.

Thực tế các vụ gian lận gas được tổ chức khá bài bản để đối phó. Chẳng hạn, các tờ rơi được in đẹp, nhái tương tự tờ rơi của các công ty gas, dùng số điện thoại di động trả trước, điện thoại không dây và di chuyển từ quận này sang quận khác để tránh bị cơ quan chức năng để ý, cũng như không đóng “đô” cố định ở một địa bàn nào.

Hiệp hội Gas VN cho biết đang tập hợp chứng cứ, thống kê các vụ thiệt hại để đề nghị cơ quan công an vào cuộc, xử lý tận gốc các nhóm lừa đảo vì việc kiểm tra, xử lý của lực lượng quản lý thị trường chỉ là công việc “cắt ngọn” mà không “nhổ tận gốc”.

Làm sao tránh gas lừa?

Theo các công ty gas có thương hiệu, khi mua gas cần biết địa chỉ đại lý, cửa hàng gas, không nên chỉ gọi qua điện thoại; khi tiếp cận các tờ rơi quảng cáo, cần cảnh giác hỏi kỹ địa chỉ vì phần lớn chỉ in số điện thoại không dây hoặc di động; khi thấy khả nghi phải yêu cầu xem giấy tờ, thẻ của nhân viên đưa gas và kiểm chứng số điện thoại đường dây nóng của đại lý gas.

Trên tay xách của mỗi bình gas, tùy công ty, có ghi trọng lượng vỏ bình từ 12,5kg-13,5kg. Đối với loại bình gas phổ biến 12kg, tổng trọng lượng cả vỏ bình và gas bên trong sẽ là 24,5kg-25,5kg. Do vậy, khi mua gas người tiêu dùng yêu cầu nhân viên đưa gas cân bình gas, lấy tổng trọng lượng bình gas trừ đi trọng lượng vỏ ghi ở tay xách sẽ biết số gas có trong bình.

(Nguồn: Hiệp hội Gas VN)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên