12/05/2011 07:23 GMT+7

Gas: 4 tháng, 7 lần tăng giá!

LÊ NGUYÊN MINH
LÊ NGUYÊN MINH

TT - Ngày 11-5, giá gas của thương hiệu Saigon Petro (SP) lại tăng thêm 4.000 đồng so với giá hồi đầu tháng, lên 382.000 đồng/bình 12kg. Động thái bất thường này xảy ra một ngày sau khi báo Tuổi Trẻ đưa tin có hiện tượng một số đại lý gas tự tăng giá thêm 6.000 đồng/bình 12kg.

S5fae3ix.jpgPhóng to
Trong khi giá gas thế giới có xu hướng giảm thì giá gas bán lẻ trong nước lại tăng đến hai lần trong mười ngày qua - Ảnh: Thanh Đạm

Điều đáng nói đây là lần tăng thứ bảy chỉ trong vòng bốn tháng qua, trong khi đó giá gas thế giới lại đang có xu hướng giảm. Nhiều chuyên gia cho rằng đang có dấu hiệu bất thường trong mối quan hệ giữa các đầu mối kinh doanh gas với hệ thống phân phối.

Sức mạnh đại lý

Trong những ngày cuối tháng 4 đến đầu tháng 5, nhiều đại lý trên địa bàn quận Phú Nhuận, Bình Thạnh, Gò Vấp (TP.HCM) đã tự tăng giá bán lẻ mỗi bình gas 12kg thêm 4.000-6.000 đồng. Lý do được các đại lý đưa ra là giữa tháng 4 nhiều công ty đầu mối đã tăng giá bán sỉ 4.000 đồng nhưng không tăng giá bán lẻ đến tay người tiêu dùng.

Ông Lê Phúc Đại, tổng giám đốc Công ty cổ phần năng lượng Đại Việt (Vinagas), xác nhận do chi phí tăng nên các công ty đầu mối có siết lại chiết khấu cho đại lý. Tương tự, SP cũng giảm chiết khấu cho đại lý và gặp phải sự phản ứng quyết liệt, đỉnh điểm là các đại lý tự tăng giá bất chấp quy định của Nhà nước là chỉ có doanh nghiệp (DN) đầu mối mới được quyết định việc tăng hay giảm giá.

Điều bất ngờ là thay vì chấn chỉnh các đại lý, SP lại công bố tăng giá bán lẻ, một động thái được xem như hợp thức hóa việc tăng giá không đúng của các đại lý.

Ông Hoàng Anh, phó chủ tịch Chi hội Gas miền Nam, thẳng thắn: “Xét các yếu tố đầu vào ở thời điểm này, tôi không thấy có lý do gì để tăng giá bán lẻ. Chưa kể giá gas nhập khẩu lại đang có khuynh hướng giảm trong mấy ngày gần đây”. Cụ thể, do giá dầu thô giảm nên giá gas hợp đồng (CP) trên thế giới thời gian gần đây giảm 75-100 USD/tấn, hiện chỉ còn 900 USD/tấn.

Dù SP tăng giá nhưng các công ty kinh doanh gas khác có bình gas mức giá tương đương với SP vẫn không tăng và đưa ra khuyến cáo các đại lý nếu tự ý tăng sẽ chịu trách nhiệm khi cơ quan chức năng kiểm tra. T

rước đây khi gọi gas, người tiêu dùng sẽ không bị đòi hỏi thêm tiền vận chuyển và dường như đương nhiên được tặng chai nước rửa chén hay gói đường. Nhưng nay để hợp thức hóa việc tăng giá, một số đại lý yêu cầu người tiêu dùng thêm tiền chi phí vận chuyển, hoặc cho người tiêu dùng lựa chọn giữa giá bán có khuyến mãi khác với giá không khuyến mãi...

2iKid9HS.jpgPhóng to
Diễn biến giá gas loại bình 12kg từ đầu tháng 2-2011 đến nay - Đồ họa: Vĩ Cường

Mất kiểm soát

Giám đốc một công ty đầu mối giải thích: “Sở dĩ các công ty muốn cắt bớt mức chiết khấu cho tổng đại lý và đại lý vì hiện nay khu vực trung gian này hưởng lợi tức quá cao, nhưng mong muốn này không thành vì các DN đầu mối chưa đủ mạnh”. Trong khi đó, ông Hoàng Anh thì cho rằng do cách thức phân phối hiện nay nặng về mua đứt bán đoạn nên các DN đầu mối gần như không kiểm soát nổi hệ thống tổng đại lý, đại lý. “Nhiều công ty chủ yếu bán sỉ xuống đến trạm chiết là coi như xong, trong khi từ đây xuống đến tay người tiêu dùng còn nhiều khâu trung gian nữa. Càng nhiều trung gian thì sự lệch lạc càng nhiều” - ông Hoàng Anh nói.

Theo giám đốc một công ty gas, dù chi phí hoạt động của các đại lý hiện đã tăng lên nhiều, nhưng lợi nhuận ròng của một bình gas cho một đại lý gần 40.000 đồng là quá cao.

Phân tích vì sao đại lý có thể gây sức ép ngược trở lại các công ty kinh doanh gas, một chuyên gia trong ngành cho rằng DN đầu mối không nắm chắc chi phí của các khâu bên dưới nên dù biết là khâu trung gian được hưởng lợi quá nhiều cũng khó lòng ép được họ. Vì thế, mặc dù luật quy định trách nhiệm của DN đầu mối là kiểm soát giá bán đến tay người tiêu dùng nhưng trên thực tế DN đầu mối đã trao quyền ấy cho các tổng đại lý và đại lý.

Không chỉ chuyện tăng giá bất hợp lý, người tiêu dùng còn thắc mắc không hiểu vì sao cũng cùng nguồn gas, vỏ bình gas và phụ kiện như nhau nhưng giá giữa các thương hiệu lại chênh lệch nhau rất xa. Chẳng hạn cũng là bình 12kg, nhưng giá của SP là 382.000 đồng, Saigon Gas là 388.000 đồng, bình màu vàng của Gia Đình Gas đến 398.000 đồng, Shell Gas có nơi bán 410.000 đồng, có nơi là 424.000 đồng...

Câu chuyện DN đầu mối không khiển nổi hệ thống phân phối đã xảy ra từ lâu, vì thế giới kinh doanh gas hi vọng nghị định 107 ra đời năm 2009 sẽ chấn chỉnh lại trật tự khi quy định mỗi tổng đại lý hay đại lý chỉ được ký hợp đồng với tối đa ba thương nhân đầu mối.

Tuy nhiên quy định này trên thực tế đã bị vô hiệu hóa. Hiện các đại lý có thể bán cho nhiều thương hiệu gas khác nhau, chẳng khác gì mấy so với trước khi có nghị định.

“Chừng nào hệ thống đại lý gas thật sự bán hàng và hưởng hoa hồng chứ không phải mua đứt bán đoạn như hiện nay thì tình hình mới có thể cải thiện” - giám đốc một công ty gas nhận định.

loại gas<?xml:namespace prefix = o ns = "urn:schemas-microsoft-com:office:office" />

giá

SP

382.000 đồng

Saigon gas

388.000 đồng

Gia Ðình gas (loại màu vàng)

398.000 đồng

Shell gas

410.000-424.000 đồng

LÊ NGUYÊN MINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên