Gareth Bale thất vọng sau trận thua - Ảnh: REUTERS |
Đâu là những điểm đáng chú ý về chất lượng chuyên môn của trận đấu này? 3 bàn thắng với 1 tuyệt phẩm đá phạt của Gareth Bale cùng hai pha làm bàn đúng chất “sát thủ” của Vardy và Sturridge. Chấm hết!
Trong một trận đấu mà một bên co toàn bộ đội hình về phòng ngự với cơ hội duy nhất (cũng là bàn thắng duy nhất) đến từ một quả đá phạt trên 30 mét, bên còn lại thì cắm đầu tạt, tạt và tạt vào vòng cấm địa theo phong cách truyền thống Anh, người hâm mộ khó có thể tìm ra điểm hấp dẫn nào ngoài những khoảnh khắc của các siêu sao.
Trước trận đấu, Bale khiến người hâm mộ Anh “tức điên” vì những lời khích bác có phần khinh thường đối thủ thái quá khi tuyên bố: “Không cầu thủ Anh nào đủ trình đá ở tuyển Xứ Wales”. Rồi đến sau tuyệt phẩm đá phạt thành bàn ở phút 42 của anh, ắt hẳn không ít người cũng phải thầm nghĩ lại: hóa ra Bale cũng… có tư cách nói chuyện. Ít nhất, tuyển Anh hiện tại không có ai đạt đến đẳng cấp của anh.
Nhưng đó chỉ là một chi tiết để chữa thẹn cho sự lắm lời của Bale. Tiền vệ người Xứ Wales hay thật nhưng một tuyệt phẩm bàn thắng của anh cuối cùng vẫn là số ít khi so với 2 “nhát dao” từ Sturridge và Vardy.
Hai bàn thắng của Anh chẳng có gì đẹp mắt, nhưng vẫn là những pha làm bàn khiến người ta phải thán phục kỹ năng săn bàn của các tiền đạo. Một cú xoay người ra chân cực nhanh của Vardy và một cú thọc bóng gọn gàng của Sturridge. Cả hai cộng lại vừa đủ giúp tuyển Anh đánh bại Xứ Wales.
Thật tiếc cho Bale, bóng đá không phải là bóng rổ - môn thể thao mà một cú bắn rổ từ xa giành được 3 điểm, trong khi một quả ném phạt chỉ có 1 điểm. Chẳng có một hệ số điểm nào khác cho những tuyệt phẩm như của Bale so với những bàn thắng thật tầm thường – nhưng vẫn là bàn thắng. Và cũng vì vậy, các siêu sao thường không thể một mình gánh nổi cả đội.
Đó có lẽ cũng là bài học cho Bale. Anh xuất sắc nhất không có nghĩa là anh có thể "lộng ngôn" xem thường cả một tập thể. Trong khi ở đây, tuyển Anh luôn ở vai “thầy” so với “trò” Xứ Wales. Tập thể đó cũng chẳng xuất sắc gì nhưng dồi dào nhân sự đến mức ông Hodgson có quyền giấu đến hai con bài độc trên băng ghế dự bị: Sturridge và Vardy.
Rất nhiều người đã và sẽ tiếp tục chỉ trích ông Hodgson vì việc ông để Vardy đá dự bị trong khi lại quá tin tưởng Sterling. Sterling có thể là một sai lầm nhưng Vardy thì không. Tiền đạo 29 tuổi này đã có một mùa giải tuyệt vời, nhưng nên nhớ tại Leicester, anh luôn ra sân trong tâm thế của kẻ yếu, và tung hoành trong thế trận phòng ngự phản công. Còn tối qua, tuyển Anh chắc chắn là những người chơi áp đảo trước Xứ Wales co mình phòng ngự kín kẽ. Để một Kane to khỏe xung trận tiên phong có lẽ sẽ tốt hơn, rồi sau đó Vardy vào sân khi hàng thủ đối phương đã thấm mệt và có dấu hiệu lơ là.
Sturridge cũng gần tương tự Vardy, không quá xuất sắc nhưng rõ ràng là một chân sút đủ nguy hiểm để đem đến tâm trạng nơm nớp lo sợ cho đối thủ khi vào sân từ ghế dự bị. Nếu đá chính, e rằng Sturridge sẽ lặp lại bi kịch chấn thương chỉ sau một trận đấu.
Với hai “lưỡi dao” Sturridge và Vardy đó, tuyển Anh có thể tự tin hướng về những trận đấu lớn hơn ở vòng trong, dù rằng người ta vẫn chưa nhìn thấy nhiều phẩm chất khác nơi “tam sư”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận