TTCT - Giữa đồng cỏ mênh mang vùng Hớn Quản (Bình Phước) có cả một gia sản trâu khổng lồ của ông Hai Hưng với khoảng 500 con trâu, trong đó có 42 trâu chọi. Lừng lững trên cỏ xanh bát ngát là Min - ông trâu “vua” nặng 1,3 tấn, vòng ngực lên tới 2,62 mét. Min 10 tuổi, được xem là chú trâu to nhất Việt Nam. -Ảnh: Ngô Trần Hải An“Ai là người nuôi trâu nhiều nhất Việt Nam?” - tôi mang câu hỏi ấy tới hỏi lãnh đạo Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) và nhận câu trả lời: “Ông Nguyễn Tấn Hưng ở Hớn Quản (Bình Phước)”. “Vậy một con trâu nặng khoảng 1,3 tấn có được gọi là con trâu to nhất Việt Nam không?” - tôi đặt câu hỏi ấy với một người thuộc giới nuôi trâu “nhà nghề”, ông Hùng - chủ trang Facebook “Mua bán trâu - bò - me (*) - nghé”, một thương lái nổi tiếng ở miền Bắc và Bắc Trung Bộ, nhận được lời xác nhận: “Chính xác”.Ông ủy viên trung ương nhiều đất và nhiều trâuMột năm trước, tôi nghe một ông anh công tác ở Viện hàn lâm Khoa học VN kể chuyện một đoàn cán bộ của viện (chủ yếu là người của Trung tâm Nông nghiệp công nghệ cao) vào làm việc với tỉnh Bình Phước về khoa học nông nghiệp, trong đó có chuyện Bình Phước muốn đặt hàng nhân giống trâu quý. Lâu nay, dân nuôi trâu chọi ở phía Bắc, đặc biệt ở Đồ Sơn (Hải Phòng), vẫn thường vào Bình Phước mua trâu về luyện. Hội chọi trâu Đồ Sơn 2018, một con trâu từ Bình Phước đưa ra đã đoạt giải nhất. Nhưng trong câu chuyện ấy, tôi để ý tới một cái tên quen: ông Hai Hưng.Ông Hai Hưng ở Bình Phước vốn đã nổi tiếng. Ông mồ côi từ nhỏ, ba mẹ ông đều chết do chiến tranh chống Mỹ. Ông theo cách mạng cũng từ nhỏ, rồi hành trình ấy đưa ông đi lên dần, từ cán bộ xã lên bí thư huyện Hớn Quản, cuối cùng là hai nhiệm kỳ làm bí thư tỉnh Bình Phước. Về tới Hớn Quản hỏi ông Hai Hưng ai cũng biết, biết vì hai chuyện nổi tiếng nhất là ông mê trâu, nuôi nhiều trâu và nhà ông không bao giờ đóng cổng. Nội chuyện một ông quan đầu tỉnh về hưu mà cổng nhà lúc nào cũng mở toang đã là chuyện không dễ thấy.Những nhà báo ở Bình Phước hay kể hồi đương chức, ông nổi tiếng là người mà đang đi trên đường thấy con trâu nào đẹp đều bảo tài xế dừng lại cho ông xuống ngắm nghía. Gặp lại ông trong một ngày cuối năm giữa đồng cỏ và đàn trâu ông nuôi, nhắc đến chuyện đó, ông Hưng xác nhận, cười hà hà: “Tôi có hai nhiệm kỳ là ủy viên trung ương, khi kê khai tài sản, tôi tự hào mình là người nhiều đất nhất, đến 260ha. Nhờ trâu cả đấy”!Là con nhà nông thứ thiệt, Hai Hưng mê và có năng khiếu trong chuyện chăn nuôi. Ông sinh năm 1954, khi đất nước thống nhất chỉ mới 21 tuổi và cũng như mọi người khác hồi ấy, đều nghèo như nhau. Ngoài giờ làm việc ở cơ quan xã, ông dành hết tâm sức cho việc chăn nuôi gà. Nuôi con bé thì tiền cũng bé, nên ông tích cóp nâng lên nuôi heo. Rồi từ heo chuyển lên trâu. Năm 1977, ngoài số vốn tích cóp được, ông vay ngân hàng 1.100 đồng để mua hai con trâu gầy. “Mùa cuối năm, lúc sát tết này là lúc đi mua trâu đó. Lúc này là mùa khô, cỏ không còn nên trâu gầy. Rồi chưa kể nhà nào cũng bán trâu kiếm chút tiền lo tết cho con cái. Hai yếu tố đó khiến giá trâu rẻ nhất trong năm. Mình mua về chịu khó chăm sóc, chờ đến khoảng tháng 6 trời mưa cỏ nhiều, trâu mập lên nhanh lắm, khi đó bán kiếm lời. Cứ thế, từ hai con dần lên thành đàn. Đất thì hồi ấy rẻ như cho không. Một hecta đất sát bìa rừng, heo rừng, cọp còn ra đây miết, chỉ có một chỉ vàng. Cứ thế, vừa nhân đàn trâu vừa mua đất, giờ tôi có đàn khoảng 500 con và 260ha đất. Đất của tui hợp với chuyện nuôi trâu, nhờ cỏ tốt và sát sông - hai thứ quan trọng cho việc nuôi trâu” - ông nhắc lại chuyện cũ, chia sẻ kinh nghiệm.Ông Hai Hưng và Min. Ảnh: Ngô Trần Hải AnTrong lần đầu tìm về trang trại ông Hai Hưng cách đây vài tháng, chúng tôi nghe ông say sưa nói mọi chuyện trên trời dưới bể liên quan đến trâu. Ông tự hào khẳng định bằng cách điều chỉnh chế độ dinh dưỡng, cách nuôi, ông đã có thể giúp trâu đẻ con đực, con cái theo ý muốn với tỉ lệ thành công 90%. Một người rành rẽ về trâu như thế, sao lại phải “cầu viện” tới các nhà khoa học?“Cách đây 5 năm, một thương lái gọi điện cho tôi mách rằng anh ấy đi mua trâu ở vùng biên giới Campuchia - Thái Lan gặp được một con trâu còn “trẻ”, chỉ mới 5 tuổi nhưng vòng ngực của nó lên đến 2,52m. Nó lai trâu rừng - ông kể - Tôi bảo anh lái là bằng mọi giá mua cho tôi con trâu ấy. Nó về với tôi, tôi gọi nó là Min vì nó lai trâu rừng. Tôi giao Min cho người cháu kêu bằng cậu là Phạm Văn Thành chăm nó suốt 5 năm nay”.Về Bình Phước gặp MinGiữa đồng cỏ mùa khô mênh mang cuối năm, Min một mình một khoảng rộng gặm cỏ. Năm nay khoảng 10 tuổi. Min có thể hình khủng: vòng ngực 2,62m, nặng khoảng 1,3 tấn. Giới nuôi trâu nói đây là con trâu đực được xem là lớn nhất Việt Nam. Cuối tháng 1-2021, chúng tôi trở lại Hớn Quản lần hai, ngắm Min trong vương quốc cỏ của nó suốt một ngày. Trong trại, chỉ anh Thành mới cưỡi và tắm cho Min dễ dàng. “Coi nó ngầu vậy chứ cũng hiền” - anh Thành cam đoan. Min ăn khoảng 30kg cỏ mỗi ngày - gấp rưỡi trâu bình thường. Và nếu cho ăn thả giàn, Min có thể lên tới 1,5 tấn.Ông Phạm Văn Thành, người chăm sóc Min suốt 5 năm qua. Ông Thành cao 1,6m, hết sức bé nhỏ bên chú trâu to nhất Việt Nam. Ảnh: Ngô Trần Hải AnVậy làm thế nào để biết trọng lượng một con trâu? Dĩ nhiên cho trâu bước lên bàn cân là chuẩn nhất. Nhưng với thương lái, không thể kè kè cái bàn cân to tướng mà đi lùng mua trâu ở những vùng sâu vùng xa. Họ dựa vào một công thức riêng: VN (vòng ngực - là chu vi mặt cắt đằng sau xương bả vai) x DTC (độ dài thân chéo - là chiều dài được đo từ mỏm xương bả vai đến điểm tận cùng của xương ngồi) để cho ra số cân nặng.Những ai quen thuộc với trò chọi trâu sẽ thấy khi công bố một “ông” trâu xuất trận, người ta chỉ cần đọc số đo vòng ngực của nó thì ai cũng sẽ ước được cân nặng của con trâu đó. Xem thông tin các “ông” trâu chọi hai mùa gần đây ở Hội chọi trâu Đồ Sơn, thấy vòng ngực con trâu lớn nhất là 2,32m. Nên nghe chuyện Min, lúc ấy mới 5 tuổi mà có vòng ngực 2,52m, sẽ hiểu vì sao ông Hai Hưng cuống quýt dặn bằng mọi giá phải mua bằng được. Vòng ngực của Min tới nay đã lên đến 2,62m.Có một trâu đực vĩ đại như thế, ông Hai Hưng khát khao nhân giống nó. Nhưng việc nhân giống ban đầu vô cùng khó. “Nó to quá, nặng quá nên khi nhảy nọc làm mấy con trâu cái của tôi bị “xà cúp” (sụm hai chân sau). Tiêu trâu cái hết...” - ông Hưng kể. Và đó là lý do ông phải cầu cứu các nhà khoa học.Rủi là cái giá đưa ra cho việc nhân giống “vua” trâu khá cao, nên ông tính cách khác. Giờ thì ông cười khà khà, khoe: “Đã có hai con nghé chào đời rồi và hiện tại 4 - 5 trâu cái khác vừa có chửa với “vua” trâu! Cùng hai tháng tuổi, nhưng con của nó phải nặng gấp rưỡi nghé của các trâu khác”. Và ông “bật mí”: “Ở miệt Đồng bằng sông Cửu Long có một giống trâu gọi là trâu voi. Con trâu cái bình thường chỉ 400 - 500kg, nhưng trâu voi cái có thể lên đến 700 - 800kg. Tôi đi lùng tìm được vài con như thế nên chịu nổi con Min. Nhân giống kiểu này thì chậm lắm nhưng biết làm sao giờ, làm kiểu khoa học tốn cả chục tỉ đồng...”.Vì chuyện lưu truyền nòi giống, Min không được cho ăn thả giàn để “ép cân”, tránh chuyện làm sụm trâu cái. Một vùng đồng cỏ cũng được khoanh riêng để Min sống, trong đó chỉ có vài trâu cái hạng nặng. Bây giờ dùng trâu để cày kéo ít lắm rồi. Ở Đồng bằng sông Cửu Long giờ cũng toàn máy móc cả nên mùa len trâu cũng đâu có nữa. Dùng trâu kéo cày chỉ còn ở một số ít vùng cao phía Bắc, hay ở Tây Nguyên dùng để kéo gỗ. Còn lại chủ yếu là trâu thịt, mà thị trường tiêu thụ nhiều nhất là bên Trung Quốc. Người Việt ngày xưa ít ăn thịt trâu, giờ đang quen dần. Giá thịt trâu nay tương đương thịt bò, mà nuôi trâu thì khỏe hơn, lợi hơn vì dễ nuôi và nặng ký hơn bò. Chỉ có một chút khó là làm sao trang trại đảm bảo được có đủ cỏ và có nước là trâu dễ nuôi, lớn nhanh như thổi- ông Hai Hưng trả lời câu hỏi "nuôi trâu to thì được gì?"Trâu "vua" và một trong hai "hoàng tử" nghé. Ảnh: H.T.Trong hai nhiệm kỳ làm bí thư Bình Phước, ông Hưng là cha đẻ một chương trình hỗ trợ người dân tộc S’Tiêng mà đến giờ vẫn còn tiếp tục. Những hộ nghèo được giao cho nuôi một trâu nái, khi nào nó đẻ thì người nuôi được giữ nghé, con trâu nái lại được chuyển sang hộ khác. Tính đến nay, cả ngàn con nghé (mỗi con giá hơn chục triệu đồng) đã ra đời, giúp đời sống người S’Tiêng dễ thở hơn.Ông Hai Hưng mê trâu, mê luôn thú chọi trâu và là người khởi xướng Hội chọi trâu Hớn Quản, tổ chức vào dịp Lễ đình Tân Khai (18-8 âm lịch). Ông ra tận Đồ Sơn học hỏi, đến năm 2013 tổ chức chọi trâu thử nghiệm, một năm sau thì Hội chọi trâu Hớn Quản chính thức ra đời, kéo dài đến tận bây giờ (chỉ gián đoạn năm ngoái vì COVID-19), trở thành một ngày hội thật sự cho người dân địa phương lẫn Tây Nguyên kéo xuống, Sài Gòn kéo lên. “Người Đồ Sơn mua trâu của tôi về nuôi chọi nhiều lắm - ông khoe - Năm 2018, tôi đưa ra một con cho người ta nuôi chọi và vô địch năm ấy. Con trâu vô địch ấy bán thịt được gần 2 tỉ đồng nhưng tôi chỉ lấy 200 triệu, còn lại cho người nuôi cả. Nhưng thú thật tôi không chịu được chuyện làm thịt trâu sau khi chọi, thương lắm. Mình tìm hiểu thì biết ngoài ấy do liên quan đến tín ngưỡng, nên cũng không trách được. Tôi mở hội chọi trâu trong này để bà con vui chơi, mơ ước trở thành ngày hội du lịch. Mấy anh lãnh đạo khu du lịch Suối Tiên đã có bàn với tôi tổ chức Hội chọi trâu Suối Tiên và nghĩ đến cả sự kiện quốc tế, hấp dẫn lắm. Mình làm được điều đó, con trâu sẽ có giá trị kinh tế cao hơn. Trâu chọi thì phải to lớn, tôi muốn nhân giống con Min của mình cũng nhằm chuẩn bị cho điều đó”.Một con trâu nặng 900kg thì cho 300kg thịt, giá 200.000 đồng/kg thịt, như vậy con trâu nặng 900kg có giá bán thịt 60 - 70 triệu đồng. Nhưng một con trâu chọi kha khá đã có giá 600 - 700 triệu đồng. Dĩ nhiên nuôi trâu chọi công phu, vất vả hơn nhiều.Có nhiều yếu tố quan trọng để có một con trâu chọi tốt. Đầu tiên phải chọn giống, con trâu tướng tá phải ngon lành, cổ to, sừng đẹp. Trâu chọi phải nặng từ 800kg trở lên. Rồi xem các loại xoáy, chuyện này đi sâu vào phức tạp lắm. Kế đó là phải biết chăm. Nói về nuôi trâu chọi thì người ngoài Bắc nhiều kinh nghiệm hơn, như anh Sơn (phụ tá của ông lo việc chăm trâu) là tôi rước từ ngoài Bắc vào. Người chăm trâu chọi phải hiểu tính nết của nó, có con thích ăn đêm thì đêm hôm phải dậy châm cỏ cho nó, có con thích ăn một loại cỏ nhất định, chăm trâu phải thật sự yêu thương nó, biết tính ý nó... Hai tháng trước khi chọi thì bồi dưỡng cho trâu, cho ăn thêm trứng gà, uống nước cám. Nhưng cơ bản với trâu, cứ đủ cỏ là nó béo tốt. Kế đến là phải tập luyện. Trâu chọi cũng như võ sĩ, mỗi ngày phải luyện cho đi, cho chạy, hiểu nó có miếng nào “độc” thì có bài cho nó luyện. Cuối cùng là phải tập cho trâu “đi chợ”, nghĩa là đưa nó đến chỗ đông người, ồn ào, náo nhiệt cho nó quen, để khi vào sới, giữa hàng chục ngàn người xem hò reo nó không bị nhát.Đàn trâu hàng trăm con của "vua" trâu Nguyễn Tấn Hưng. Ảnh: Ngô Trần Hải AnTrên đồng cỏ của ông Hưng có nhiều giống trâu, từ giống trâu cò với bộ lông trắng tới trâu Ấn Độ - loại cho sữa nhiều và giàu dinh dưỡng. Tới đây, chúng tôi mới hiểu vì sao dân gian có câu “Mạnh như trâu cui” để nói về ai đó có sức mạnh đặc biệt. Ông chỉ cho chúng tôi xem những con trâu có cái sừng cụp, không đẹp như trâu thường nhưng có sức mạnh đặc biệt. Tuy không được chọn làm trâu chọi nhưng trong những cuộc đụng độ trong đàn, trâu cui không dùng sừng mà luôn lao thẳng vào đối thủ, dùng đầu húc như trời giáng. Chỉ có trâu chọi mới chịu nổi những cú húc như thế, lũ trâu đực thường thì phải bỏ chạy!Ông Hai Hưng làm chứng cho phẩm chất trung thành nổi tiếng của loài trâu: “Có những con tôi bán cho thương lái ở tận Bến Cát, Bình Dương, đưa đi cách hơn 100km, nửa tháng sau thấy nó mò về đồng, mình mẩy xơ xác”. ■* Me - cách người miền Trung gọi con bê.Một chút vui cho cố Anh hùng Lao động Hồ GiáoNăm 1977, Ấn Độ tặng Việt Nam 502 con trâu giống Mura. Đàn trâu này phần lớn được đưa về nuôi tại Trung tâm nghiên cứu trâu bò tại Lai Khê, Bến Cát (tỉnh Bình Dương). Ở đó có người Anh hùng lao động Hồ Giáo nổi tiếng (ông mất năm 2015). Năm 1990, khi ông Hồ Giáo nghỉ hưu, đàn trâu Mura ở Lai Khê đã lên đến 1.404 con, nhưng đến năm 2008 thì chỉ còn 40 con! Ông Hưng kể: “Để kiếm được giống trâu Mura tôi phải mưu mẹo dữ lắm. Trại Lai Khê không bán trâu giống, mà chỉ bán trâu cái và bán nghé để làm thịt. Nhưng họ không bán chung, nghé chỉ bán cho các nhà hàng. Vì vậy tôi mua trâu cái của trại, rồi nhờ các nhà hàng nhượng lại nghé đực với giá cao. Nhờ vậy, tôi giữ được giống Mura chính gốc trong đàn của mình, cũng được vài chục con. Sau khi về hưu, ông Hồ Giáo hai lần vào thăm tôi, khóc vì mừng khi tôi lưu giữ được giống trâu Mura bởi giờ nó mai một lắm rồi…”. Tags: Bình PhướcTrấuVua trâuTrâu vuaTrâu MinHai Hưng
Đạo diễn Cu li không bao giờ khóc: Thái độ làm nên số phận điện ảnh NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ 19/11/2024 1913 từ
Nhân viên quán bia kể lúc đập khóa, dập tắt ngọn lửa trong căn nhà bốc cháy HỒNG QUANG 22/11/2024 Phát hiện đám cháy bùng lên trong căn nhà khóa cửa, 3 người đàn ông làm việc ở quán bia gần đó đã tiếp cận để phá khóa. Họ sau đó dùng bình cứu hỏa để dập tắt ngọn lửa.
Khám xét nơi ở và làm việc của viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TP.HCM ĐAN THUẦN 22/11/2024 Ngày 22-11, Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an đã thi hành lệnh khám xét nơi làm việc và chỗ ở của ông Huỳnh Nguyễn Lộc, viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TP.HCM.
Đình chỉ nhiều kiểm toán viên, có cả ‘phó tổng’ từng ký báo cáo tài chính SCB BÌNH KHÁNH 22/11/2024 Một số kiểm toán viên thuộc các công ty nổi tiếng như Ernst & Young Việt Nam, KPMG vừa bị đình chỉ đến hết năm 2024. Ngoài ra, Kiểm toán DFK Việt Nam và Moore AISC cũng có kiểm toán viên bị đình chỉ.
Bà Tôn Ngọc Hạnh trở thành bí thư Tỉnh ủy trẻ nhất cả nước A LỘC 22/11/2024 Bà Tôn Ngọc Hạnh, 44 tuổi, được điều động, chỉ định làm tân bí thư Tỉnh ủy Bình Phước và là bí thư Tỉnh ủy trẻ nhất cả nước hiện nay.