14/04/2018 13:37 GMT+7

Gặp thuyền trưởng vụ chìm tàu ở Cần Giờ, đưa 42 người lên bờ

SƠN BÌNH - ĐỨC PHÚ thực hiện
SƠN BÌNH - ĐỨC PHÚ thực hiện

TTO - Là người phát hiện sự cố và chỉ huy đưa 42 khách lên bờ trong vụ chìm tàu ở Cần Giờ, thuyền trưởng Lâm Phol (34 tuổi, ngụ tỉnh Sóc Trăng) chia sẻ với Tuổi Trẻ Online quanh câu chuyện xử lý tình huống lúc đó và cuộc đời sông nước của mình.


Gặp thuyền trưởng vụ chìm tàu ở Cần Giờ, đưa 42 người lên bờ - Ảnh 1.

Thuyền trưởng Lâm Phol - Ảnh: Nhân vật cung cấp

Thuyền trưởng Lâm Phol, nói:

-Khoảng 8h sáng 8-4, tôi lái tàu cao tốc mang số hiệu SG-7508 của Cty TNHH Greenline DP, chở theo 42 hành khách đi trên tuyến Vũng Tàu - Cần Giờ - TP.HCM. Ngoài hành khách, trên tàu lúc đó, còn có tôi, một máy trưởng, một thuyền viên và một nhân viên phục vụ.

Lúc 8h30, tàu cao tốc đi đến khu vực bến thủy nội địa Tắc Suất (huyện Cần Giờ, TP.HCM) thì phát hiện tàu gặp sự cố hư hỏng, nước tràn vào tàu. Trước khi tàu chìm, tôi quyết định lái tàu cao tốc cập bờ gần nhất, đưa được 42 hành khách lên bờ an toàn...

Cứu người trước, báo cáo sau

*Thưa anh, tín hiệu gặp sự cố và cách xử lý lúc đó ra sao?

-Tôi đang lái trên tàu, lúc giảm ga, de tàu thì tàu không ăn. Tôi nghi ngờ và báo máy trưởng kiểm tra và phát hiện máy đã ngập nước. Tôi kêu tiếp viên lên nói nhỏ, tìm cách trấn an hành khách, rằng tàu đang bị phá nước, mọi người cứ bình tĩnh, tôi sẽ có cách xử lý an toàn cho mọi người.

Khi đó nước tràn vào tàu nhanh và nhiều, tàu bị lệch một bên trái. Tôi kêu hành khách di chuyển sang bên phải, hành khách bình tĩnh làm theo, tàu tương đối cân bằng. Tôi ước tính vị trí tàu cách bến Tắc Suất khoảng 300m, tôi định cập bến Tắc Suất đưa khách lên. Nhưng nhẩm tính lại, không kịp nữa, bởi gió lớn, nước vào nhiều và tôi quyết định chọn cách lủi vô bờ gần nhất cách đó khoảng 50m.

Gặp thuyền trưởng vụ chìm tàu ở Cần Giờ, đưa 42 người lên bờ - Ảnh 2.

Anh Lâm Phol kể lại vụ việc - Ảnh: SƠN BÌNH

Tôi cố gắng lái tàu gần bờ, khi đó mực nước gần bờ cao khoảng 2m. Tôi quan sát khách lên bờ bằng đường mũi tàu không được, nên xoay đít tàu vô cho cân bằng lại. Tôi dùng dây có sẵn trên tàu, cùng thủy thủ đoàn nhảy xuống sông, tìm điểm tựa cột dây vào bờ. Lúc này, nhân viên bến Tắc Suất và xe ôm cũng phụ giúp cột dây giữ thăng bằng cho tàu.

Sau đó, tôi và mọi người lấy 5 cái ghế trên tàu cao tốc, nối thành lối đi như bậc thang, đưa lần lượt 42 hành khách lên bờ an toàn. Từ khi phát hiện đến khi tàu chìm khoảng 20-30 phút. Lúc đó tình huống khẩn cấp, xử lý an toàn cho mọi người là trên hết, rồi mới gọi về báo cáo cho các đơn vị hỗ trợ.

*Khi lên bờ an toàn, hành khách có phản ứng gì không?

-Mọi người rất chia sẻ, vui mừng, thở phào nhẹ nhõm. Không ai kêu la than trách, ngược lại, nhiều người còn mong muốn đợi tại bến Tắc Suất để đón chuyến tàu cao tốc khác lúc 14h30 cùng ngày, để đi tiếp.

*Theo anh, tại sao nước tràn vào tàu?

-Kiểm tra kỹ sau sự cố thì phát hiện tàu bị gãy láp, tụt láp. Nước vô nhanh theo ống bự tràn vào tàu. Theo kinh nghiệm của tôi thì trường hợp tụt láp ít khi nào xảy ra, rất khó tụt ra. Ban đầu tôi chỉ nghĩ là bể ống nước nên khóa van, chứ nghĩ ra bị tút láp thì tôi đã nhảy xuống nước, lặn tìm cách xử lý, chẳng hạn cởi áo nhét chặn lại.

Gặp thuyền trưởng vụ chìm tàu ở Cần Giờ, đưa 42 người lên bờ - Ảnh 3.

Nước tràn vào tàu - Ảnh: Nhân vật cung cấp

*Nếu sự cố xảy ra, mà tàu rất xa bến bờ, anh xử lý sao?

-Lúc đó tàu không đủ thời gian tiếp cận được bến bờ và sẽ chìm xuống nước. Tàu chìm tính sau, lúc đó tôi phải tìm cách cứu mạng mọi người. Tôi phải nhanh chóng báo tin bằng bộ đàm, điện thoại về các đơn vị liên quan, nhanh chống đến cứu hộ cứu nạn. Sau đó, tiếp viên, thủy thủ đoàn khuyên hành khách bình tĩnh, hướng dẫn cho họ mặc áo phao an toàn, cách sử dụng phao bè khi xuống nước, trước khi tàu bị chìm. Đồng thời tránh bị nước cuốn trôi ra xa, chúng tôi phải hướng dẫn họ cách bám phao dây, rồi bắn pháo báo hiệu... để tranh thủ thêm lực lượng cứu giúp.

*Nhờ đâu anh nhạy cảm phát hiện sự cố và xử lý tình huống nhanh?

-Một phần do học trên trường lớp khi đi học bằng cấp, nhưng phần lớn là do kinh nghiệm lái tàu, sinh sống lênh đênh trên sông nước từ thuở nhỏ.

Mồ côi mẹ, từng cứu sống nhiều người gặp nạn

*Xin anh chia sẻ về cái duyên đến về nghề lái tàu?

-Tôi là con trai duy nhất trong một gia đình ở xã Đại Tâm, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng. Mẹ tôi mất sớm lúc tôi 4-5 tuổi, ba đi làm xa tận Campuchia, tôi ở với bà ngoại. Hồi đó khó khăn, tôi vừa đi làm vừa đi học đến lớp 8 thì nghỉ. Tôi tiếp tục đi làm thuê, làm ruộng, vác gạch đá, kể cả chạy xe lôi…

Năm 14 tuổi, khi tôi vác đá trên một chiếc sà lan thì gặp một bà cô ở Tiền Giang. Bà nói con vác đá lở vai hết rồi, con theo cô đi làm thủy thủ, cô bao ăn cơm cho con đỡ cực. Nghe vậy tôi đi theo sà lan của bà cô. Ban đầu tôi cột dây, nấu cơm, phụ mấy chuyện lặt vặt. Khoảng 3 năm sau thì tôi biết lái sà lan, đi học bằng cho nó đàng hoàng và tôi học chứng chỉ lái phương tiện đường thủy ở Tiền Giang.

Gặp thuyền trưởng vụ chìm tàu ở Cần Giờ, đưa 42 người lên bờ - Ảnh 4.

Tàu cao tốc sau khi chìm đã được trục vớt - Ảnh: Nhân vật cung cấp

Theo bà cô được 5-6 năm, điều khiện khó khăn, tôi chuyển qua lái sà lan thuê cho một công ty tư nhân. Tôi đi suốt, làm dành dụm tiền, tôi học bằng thuyền trưởng hạng ba. Tôi tiếp tục xin lái tàu khách cho một công ty tư nhân tuyến biên giới Việt Nam - Campuachia. Thời gian này, tôi nâng cấp lên học bằng thuyền trưởng hạng nhì.

Năm 2013, tôi xin về Sài Gòn làm ở một công ty tư nhân lái tàu khách tuyến đường thủy nội địa các tỉnh miền Tây. Lái được 8 tháng, chủ tàu kẹt vốn bán tàu, tôi xin lái sà lan thêm thời gian, rồi xin về Công ty Cty TNHH Greenline DP lái tàu cho đến nay.

*Nhiều năm lênh đênh sông nước, anh đã từng cứu giúp người gặp nạn?

-Tôi lái tàu ngày đêm, tôi thấy xuồng ghe bị phá nước, bị chìm nhiều và cũng giúp đỡ người ta đủ thứ. Có một đêm năm 2010, tôi lái tàu chở khách đến Biển Hồ, Campuchia. Xa xa tôi thấy có cái can 30 lít, nhiều người đu xung quanh, cạnh chiếc ghe bị lật chìm trôi lềnh bềnh trong đêm.

Lắng tai nghe tiếng kêu cứu, tôi cùng anh em trên tàu tiếp xúc và tìm mọi cách cứu sống mười mấy người. Rồi anh em có gì cho họ cái nấy, họ bị lạnh run, họ khóc, họ cảm ơn quá trời. Họ nói ghe chìm mấy tiếng trôi đến Biển Hồ, đêm vắng, nếu không có tàu tôi đi qua, chắc không ai cứu sống…

Từng bỏ nghề đi làm bảo vệ, giữ xe

*Anh đã có gia đình?

-Tôi đã có vợ và hai con.

*Cuộc đời sông nước, chắc cái duyên lấy vợ cũng thú vị?

-Năm 23 tuổi, tôi đang đi sà lan ở Gò Công, Tiền Giang, do bị đứt dây trên sà lan, nên cây đập mạnh vô be sườn bị thương nặng. Bệnh viện tỉnh chuyển lên Sài Gòn, những ngày nằm viện, tôi quen được cô ý tá, cô ấy là vợ tôi bây giờ.

Chuyện hai đứa hỏi cưới nhau không có dễ, bên vợ không chấp nhận vì tôi sống lang thang sông nước, lại mồ côi từ nhỏ. Nhưng rồi chúng tôi cũng đến với nhau, sống hạnh phúc được hai con. Vợ chồng ở trọ tại quận 8, vợ đi làm, tôi đi lái tàu, sà lan. Được bốn năm sống chung thì gia đình gặp trục trặc…

Gặp thuyền trưởng vụ chìm tàu ở Cần Giờ, đưa 42 người lên bờ - Ảnh 5.

Anh Lâm Phol chia sẻ từng bỏ nghề đi làm bảo vệ, giữ xe - Ảnh: SƠN BÌNH

*Theo anh, cái khó của nghề lái tàu là gì?

-Hiện thu nhập của tôi khoảng 12 triệu/tháng, cơ bản đủ để lo cơm ngày hai bữa cho mình và phụ chăm sóc hai con. Nghề nào cũng có cái khó của nó, nghề của tôi lênh đênh sông nước, đối phó gió bão, máy móc hư hỏng… Khổ thì quen từ nhỏ nên không ngại, cái khó nhất là thời gian dành cho gia đình, mà tôi luôn thấy ray rứt.  

Công việc của tôi luôn trong tình cảnh xa vợ xa con. Khi về gặp vợ con, ráng tranh thủ thời gian, hứa dẫn con cái đi chơi. Rồi tới giờ đi chơi thì lại nhận việc lái tàu. Thất hứa riết, con nó buồn, vợ nó nản luôn…

*Có khi nào anh vì gia đình mà nghĩ đến chuyện bỏ nghề?

-Thật ra khi có vợ con và gặp chuyện trục trặc, đã có lúc tôi không đi lái tàu nữa. Tôi xin đi làm bảo vệ, trông giữ xe ở Sài Gòn để được gần gũi, bên cạnh vợ con. Chắc là cái duyên nên sau đó phải quay lại lái tàu kiếm sống, phụ vợ nuôi con…

*Cảm ơn anh!

SƠN BÌNH - ĐỨC PHÚ thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên