19/11/2022 18:18 GMT+7

Thủ tướng xúc động chuyện cô giáo mầm non miệt mài làm thiện nguyện cho vùng xa

NGỌC AN
NGỌC AN

TTO - "Tôi cũng chỉ suy nghĩ đơn giản rằng mình giúp được đến đâu thì giúp, tùy theo sức của mình, chỉ cần thêm một chiếc áo là thêm một em bé được ấm áp, thêm một tấm chăn là thêm một giấc ngủ trọn vẹn, thêm một ký gạo là thêm một ngày no...".

Thủ tướng xúc động chuyện cô giáo mầm non miệt mài làm thiện nguyện cho vùng xa - Ảnh 1.

Thủ tướng chủ trì buổi gặp mặt đại diện các nhà giáo tiêu biểu nhân kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam - Ảnh: VGP

Chiều 19-11, cô giáo Phạm Thị Tâm đến từ Phú Yên đã có chia sẻ đầy xúc động trong buổi gặp mặt của Thủ tướng Phạm Minh Chính với đại diện các nhà giáo tiêu biểu nhân dịp kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11.

Sinh ra và lớn lên ở Thái Bình nhưng lập nghiệp tại Phú Yên với nghề giáo, cô Phạm Thị Tâm (giáo viên lớp mẫu giáo thôn Phú Đồng - Trường mầm non Phú Mỡ, huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên) chia sẻ dù một tuần hay nửa tháng mới về nhà, đường sá khó đi, cuộc sống còn thiếu thốn nhưng cô vẫn yêu đời, yêu người và yêu nghề, luôn cố gắng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ và giúp đỡ bà con, đồng nghiệp.

Thủ tướng xúc động chuyện cô giáo mầm non miệt mài làm thiện nguyện cho vùng xa - Ảnh 2.

Câu chuyện của cô giáo Phạm Thị Tâm nỗ lực làm công tác thiện nguyện bên cạnh việc mang cái chữ đến cho các em ở bản xa - Ảnh: VGP

Những việc làm của cô thực sự có ý nghĩa, không chỉ kết nối giúp các cụ già neo đơn, những người bệnh tật, mà còn giúp người khỏe mạnh "cần câu" để tự câu con cá, chi tiêu tiết kiệm.

Như năm nay, cô đã gom hơn 300 bao đồ chở đi trên con đường gập ghềnh, xói lở cho bà con; hướng dẫn người dân nấu ăn, dạy phụ huynh nấu cháo dinh dưỡng, làm sữa chua, làm bánh, bày cách chữa bệnh bằng thuốc thay vì cúng bái.

Cô cũng mở được hai thư viện tự quản với hơn 1.000 đầu sách, xin tài trợ 50 xe đạp cho học sinh nghèo, trao tặng rất nhiều đồ dùng, sách vở, giày dép, học bổng, trao tặng tiền mặt, nhu yếu phẩm cho các hộ nghèo, kết nối hệ thống điện năng lượng mặt trời, kéo nước từ núi xa xuống bản...

"Tôi cũng chỉ suy nghĩ đơn giản rằng mình giúp được đến đâu thì giúp, tùy theo sức của mình, chỉ cần thêm một chiếc áo là thêm một em bé được ấm áp, thêm một tấm chăn là thêm một giấc ngủ trọn vẹn, thêm một ký gạo là thêm một ngày no…", cô Tâm bộc bạch.

Trong khi đó, cô giáo Ma Thị Hồng, Trung tâm giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên huyện Lâm Bình (Tuyên Quang), trăn trở làm sao để giúp kinh tế xã hội của địa phương ngày càng phát triển. Vì vậy, trường đã đào tạo nghề phù hợp với thị trường lao động, định hướng xuất khẩu lao động, hỗ trợ học sinh khởi nghiệp, thành lập Hợp tác xã thổ cẩm Yên Bình...

Thủ tướng xúc động chuyện cô giáo mầm non miệt mài làm thiện nguyện cho vùng xa - Ảnh 3.

Các thầy giáo quản lý trường đại học trăn trở với bài toán tự chủ - Ảnh: VGP

Với các trường đại học đứng trước bài toán tự chủ, thầy giáo Nguyễn Vũ Quốc Huy, Trường đại học Y Dược, Đại học Huế, đề xuất Chính phủ có những nghị quyết, quyết sách lớn thúc đẩy, tự chủ đại học, bởi hiện nay vẫn còn những điểm cần được thống nhất, hài hòa trong các văn bản pháp quy.

Lắng nghe chia sẻ chân tình của các thầy cô, Thủ tướng bày tỏ sự tri ân sâu sắc, cũng như thân ái gửi đến các thế hệ nhà giáo trên khắp mọi miền Tổ quốc lời chào trân trọng, lời thăm hỏi ân cần và lời chúc mừng tốt đẹp nhất.

Theo Thủ tướng, muốn xây dựng đất nước, trước hết phải phát triển giáo dục. Muốn trị nước, phải trọng dụng người tài. Quốc gia, dân tộc muốn phát triển phải dựa vào yếu tố con người, lấy con người làm trung tâm, là mục tiêu và động lực.

Khẳng định Chính phủ luôn thấu hiểu, đồng cảm, chia sẻ với những khó khăn, vất vả, thách thức của ngành giáo dục và đào tạo, các thầy cô nói riêng, Thủ tướng cho rằng vai trò của thầy cô rất lớn trong phát triển nhân cách đạo đức, tính sáng tạo của học sinh, phát huy cao nhất tiềm năng, trí tuệ…

Thủ tướng xúc động chuyện cô giáo mầm non miệt mài làm thiện nguyện cho vùng xa - Ảnh 4.

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định mọi ý kiến của các thầy cô sẽ được ghi nhận, tổng hợp để tháo gỡ - Ảnh: VGP

Giáo dục và đào tạo là sự nghiệp chung, "nhà trường là nền tảng, học sinh là trung tâm, thầy cô là động lực", Thủ tướng đặt ra những câu hỏi để cùng suy nghĩ: Phải làm gì để đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo, cải thiện chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động và sức cạnh tranh? Phải làm gì để giáo dục - đào tạo gắn kết chặt chẽ với nhu cầu, lợi ích, đời sống?...

Theo đó, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, cơ quan, địa phương tiếp tục dành cho giáo dục sự quan tâm và đầu tư, đặc biệt là cơ sở vật chất trường học. Có giải pháp hữu hiệu nâng cao chất lượng và chính sách cho đội ngũ nhà giáo, quan tâm, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần, đặc biệt thầy cô ở vùng sâu, vùng xa, giảng dạy ngành nghề nặng nhọc, độc hại...

Thủ tướng mong các thầy cô tất cả vì sự nghiệp giáo dục, vì học sinh thân yêu, kề vai sát cánh để đưa ngành giáo dục và đào tạo trong điều kiện khó khăn, trong nền kinh tế đang chuyển đổi, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước hùng cường, nhân dân ấm no, hạnh phúc.

Để những hạt mầm của nhân cách, tri thức, sự tử tế luôn tỏa sáng Để những hạt mầm của nhân cách, tri thức, sự tử tế luôn tỏa sáng

TTO - Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có chia sẻ xúc động tại lễ kỷ niệm 40 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam diễn ra vào sáng 19-11.

NGỌC AN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên