Các mảnh vỡ và vật dụng của hành khách chuyến bay mang số hiệu JT610 được lực lượng cứu hộ Indonesia vừa tìm thấy - Ảnh: NDMA
Ngày 29-10, Hãng Linon Air của Indonesia chở theo 189 hành khách rơi xuống biển sau khi cất cánh từ sân bay ở thủ đô Jakara được 13 phút.
Dù chưa có kết luận nguyên nhân chính thức máy bay rơi nhưng trước hình ảnh thân máy bay bị gãy đôi được tìm thấy trên biển, chuyên gia hàng không cho rằng máy bay đã bị va đập mạnh vào mặt nước biển do phi công không thể thực hiện việc đáp khẩn cấp xuống biển (emergency crash landing on the sea).
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, một cơ trưởng máy bay Boeing kỳ cựu của Vietnam Airlines cho biết khi máy bay đáp xuống biển là trường hợp khẩn cấp với điều kiện động cơ còn hoạt động.
"Đáp xuống biển khó hơn khi đáp xuống sông bởi vì máy bay không được hạ cánh càng, chỉ mở cánh tà để cho tốc độ giảm khi đáp không bị chấn động mạnh" - vị chuyên gia này nói.
Trong tai nạn hàng không của Hãng Linon Air, có thể nhìn nhận rằng máy bay cắm thẳng xuống biển chứ không phải đáp bình thường, dẫn đến hình ảnh máy bay vỡ đôi như vậy khi lao xuống biển. Qua theo dõi thông tin, chuyên gia này nghiêng về hướng máy bay bị lỗi động cơ.
TS Nguyễn Thiện Tống - chuyên gia kỹ thuật hàng không - cũng cho rằng để xảy ra tai nạn đau lòng như trên thường do máy bay bị trục trặc về kỹ thuật cùng với phản ứng sai lầm của phi công.
Hiện đang có nghi vấn về trục trặc của thiết bị đo vận tốc bằng ống Pitot mà trong quá khứ cũng dẫn đến một số tai nạn.
Dữ liệu ghi nhận từ vệ tinh cho thấy tốc độ và cao độ của máy bay Lion Air chuyến bay JT610 thay đổi bất thường sau khi cất cánh.
Máy bay cất cánh lên cao độ 600m rồi giảm xuống cao độ 450m trước khi tăng cao độ đến 1.500m và giao động khoảng 100m quanh cao độ này trong vòng 7 phút trước khi giảm đột ngột xuống 1.100m rồi mất hẳn liên lạc. Tốc độ máy bay cũng không ổn định và ở mức cao nhất 655km/h trước khi rơi.
Rõ ràng việc điều khiển cao độ bay có vấn đề và lực nâng trên cánh máy bay không ổn định mà giảm đột ngột làm máy bay rơi với gia tốc lớn khi va xuống mặt nước biển khiến thân gãy đôi.
Theo nhận định của ông Tống, có thể trước khi máy bay rơi, góc nghiêng tới đã quá lớn và tạo ra vùng khí quẩn trên cánh máy bay trùm đến cánh điều khiển cao độ ở đuôi và hiện tượng mất lực nâng hoàn toàn (super stall) xảy ra.
Nếu bị hỏng động cơ hay hết nhiên liệu, máy bay có thể đáp khẩn cấp xuống biển mà rất ít thương vong khi hệ thống điều khiển vẫn hoạt động tốt và lực nâng trên cánh vẫn đủ để cân bằng với trọng lượng ở tốc độ máy bay như khi đáp trên đường băng.
Theo quy trình, khi đáp xuống mặt biển thay vì đường băng trên đất liền, máy bay cũng bay ngang và có tốc độ để lực nâng trên cánh đủ sức cân bằng với trọng lượng của nó rồi trượt trên mặt nước một lúc để lực ma sát làm máy bay giảm tốc độ cho đến khi ngừng lại và nổi trên mặt nước biển.
Tiếc thay trong trường hợp này có thể máy bay mất lực nâng hoàn toàn nên phi công không thể thực hiện việc đáp khẩn cấp xuống biển.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận