08/09/2019 14:46 GMT+7

Gặp sắc tím Myitkyina, thương bánh giầy Việt

Bài & ảnh: TRẦN THÁI HOÃN
Bài & ảnh: TRẦN THÁI HOÃN

TTO - Giữa muôn trùng đa dạng thức món ở Sài Gòn, có cả món bánh giầy mà thỉnh thoảng tôi vẫn được bạn mời ăn cùng trong bữa sáng.

Gặp sắc tím Myitkyina, thương bánh giầy Việt - Ảnh 1.

Bánh giầy vẫn còn khá phổ biến ở các chợ tạm ven đường Myitkyina

Bữa tới Myitkyina (Miến Điện), gặp bánh giầy tím, tôi mua làm bữa chiều đơn sơ giữa hoàng hôn vàng rực của dòng Ayeyarwaddy, lòng vừa nhớ nhà vừa thương cái bánh giầy đang dần vắng thưa ở xứ Việt.

Cứ đi theo truyền thuyết thời Hùng Vương tới giờ, có lẽ bánh giầy thua thiệt ít nhiều so với "người anh em cùng cha" - bánh chưng, món bánh mà khi đi cùng dòng người xuôi phương Nam khẩn hoang mở cõi biến tấu thành những cái đòn thuôn dài tòn teng đầu quang gánh - bánh tét.

Bánh giầy chắc từ thuở nào đến giờ vẫn chỉ một hình dáng và hương vị ấy. Khi bất ngờ gặp bánh giầy ở Myitkyina, bắc Miến Điện, tôi tò mò hỏi thăm về nguồn cội món bánh, lòng mơ màng nghĩ về một cội rễ biết đâu chia sẻ những tương đồng.

Trong lòng khởi lên những tưởng tượng rằng biết đâu có cháu con nào của các vua Hùng đã lên núi băng rừng, lưu lạc tận nơi đây.

Gặp sắc tím Myitkyina, thương bánh giầy Việt - Ảnh 2.

Dung dị với lá chuối, lá dong xanh, bánh giầy Myitkyina với sắc tím, trắng, hồng mộc mạc lấm tấm muối đậu...

Sở dĩ có mộng tưởng ấy là vì Myitkyina - thủ phủ bang Kachin nằm giáp Vân Nam, Trung Quốc, vùng đất rộng dung chứa dân Bách Việt bao đời sinh sống.

Cách làm bánh giầy Việt hay bánh giầy ở Myitkyina cũng na ná bánh er’kuai (饵块 - tạm dịch bánh nhĩ khối) của miền Vân Nam, khi nếp được đồ thành xôi (không được nấu cơm nếp vì sẽ bị nhão), giã nhuyễn mịn thật quánh rồi làm bánh.

Nhưng er’kuai thường ở dạng mỏng, được sấy khô để dùng dần, chứ không tròn dày và ăn ngay như bánh giầy Việt. Có điều, theo China Times, bánh er’kuai ở Vân Nam chỉ mới có từ khoảng 400 năm nay.

Gặp sắc tím Myitkyina, thương bánh giầy Việt - Ảnh 3.

Ngôi đền Hindu giáo rực sắc nằm bên bờ Ayeyarwaddy, Myitkyina

Quay lại chuyện bánh giầy Việt giờ thưa bóng. Có nhiều lý do, nhưng có thể nói trong sự phát triển đa dạng của ẩm thực, bánh giầy quả có hơi đơn điệu. Vài làng nghề như Quán Gánh ở Thường Tín (Hà Nội), làng Gàu ở Hưng Yên… còn có bánh giầy nhân đậu xanh ngọt, đậu xanh mặn xào thịt heo…

Nhưng trong miền Nam thường gặp chỉ một loại bánh giầy không nhân, với tông vị duy nhất của xôi nếp đồ chín giã nhuyễn. Vị nếp mộc mạc ấy lại không đi cùng với đường, nước mắm, nước tương gì được, chỉ hòa điệu ngon lành với chả lụa, chả quế, chả bò… kèm một chút muối tiêu thảng hoặc.

Buổi sáng lang thang Myitkyina, tôi tình cờ gặp gỡ và làm quen với bánh giầy xứ lạ.

Gặp sắc tím Myitkyina, thương bánh giầy Việt - Ảnh 4.

Đồng quê bắc Miến đang mùa vàng, nhìn từ chuyến tàu Mandalay - Myitkyina

Cũng vẫn hình dáng tròn, nhưng cái bánh khoanh thanh thanh mỏng nhẹ, không đầy đặn mang dáng bầu trời như bánh giầy Việt, lại có tới ba màu trắng, tím, hồng, bày trên lá chuối xanh mượt duyên dáng. Tôi đi vòng quanh chợ chơi, đi về đều gặp bánh giầy nên mua mấy cái, mang ra quán quen ven dòng Ayeyarwaddy nhâm nhi ngắm hoàng hôn.

Đương nhiên bánh giầy nơi đây làm gì có chả ăn kèm. Tôi chấm bánh giầy màu tím với muối đậu phộng tặng kèm, sau quyết định mở gói chà bông "cứu đói" đem theo để thử nghiệm một sự kết hợp.

Sau những bữa ăn liên tiếp với đồ ăn Miến miệt này nhuốm nồng vị Ấn, giờ miếng bánh thanh nhẹ hương nếp dẻo ngọt, nhấn nhá chút đậu phộng thơm, mấy sợi chà bông đậm đậm vị, thấy vị ngon lạ lùng.

Giữa không gian bảng lảng hoàng hôn, sương loang mờ trên sông, hắt ánh vàng lúc mặt trời chìm dần, nhấm nháp miếng bánh xứ người mà không khỏi tự trách mình đã nhiều năm "phụ tình" với bánh giầy quê nhà.

Trở về Sài Gòn sau đó, thỉnh thoảng tôi lại ghé mua bánh giầy ở một quán nhỏ bà chị bán đầu đường Bắc Hải. Miếng bánh giầy quả là ngon hơn với miếng chả cắn ngập răng kẹp giữa, nhưng lạ lùng sao, lòng lại nhớ về những chiếc giầy bánh tím, hồng nho nhỏ ở buổi chiều hoàng hôn sương phủ trên dòng Ayeyarwaddy ấy.

Gặp sắc tím Myitkyina, thương bánh giầy Việt - Ảnh 5.

Bình minh hồng rạng rỡ trên dòng Ayeyarwaddy ở Myitkyina

Nằm cách cố đô Yangon 1.480km, Myitkyina là thủ phủ bang Kachin, cực bắc Miến Điện. Giáp với Vân Nam, Tây Tạng bên đông, phía tây chung biên giới với Ấn Độ, bang Kachin có ngọn Hkakabo Razi cao 5.881m nằm ở vùng ba biên giới Miến-Trung-Ấn, cao nhất xứ Miến và cũng được cho là cao nhất Đông Nam Á.

Ngoài đường bay, khách nước ngoài có thể tới Myitkyina bằng tàu lửa, chủ yếu từ Mandalay, cách đó 785km. Dù có đường bộ nhưng chỉ dành cho người bản địa, vì những xung đột với lực lượng du kích địa phương thi thoảng vẫn còn xảy ra nên chính quyền không cho phép.

Tuy không được đi chung xe đò với dân địa phương, du khách có điều kiện có thể đi đường bộ bằng cách thuê xe, tour của các công ty du lịch, có hướng dẫn viên, tài xế. Cà rịch cà tang trên con tàu và đường sắt hơn 100 năm tuổi ngó đồng quê vùng bắc Miến cũng khá thú vị.

Bữa tôi đi từ Mandalay lên, giữa đường tàu bị ngừng lại một đêm trong rừng do đoàn tàu đi ngược lại bị trật đường ray, phải chờ cứu hộ tới kéo. Người dân ra đường thuê, đón xe đi tiếp, nhưng khách nước ngoài không được phép. Cái đêm co ro một mình lạnh buốt giữa rừng trên toa tàu vắng tênh vì khách đã đón xe đi hết quả là khó có thể quên được.

Myitkyina được xem là đầu nguồn của Ayeyarwaddy (Irrawaddy) hùng vĩ, vì cách phố chừng 50km là nơi hai dòng Mali Hka và N’Mai Hka hợp nhau tạo thành con sông dài nhất xứ này.

Thành phố còn vắng khách du lịch này dù từng bị tàn phá dữ dội trong Thế chiến II nhưng vẫn giữ được nhiều nét duyên xưa cũ. Du khách Việt đến đây sẽ ngạc nhiên với khá nhiều điểm thân quen.

Ví dụ, người miền Tây sẽ ngạc nhiên trước cơ man các loại khô, mắm bày bán trong chợ, hay ngoài bánh giầy, tôi ngạc nhiên nhận ra món bánh mì xốp đặc sản Quảng Ngãi cũng được bày bán ở Myitkyina.

Bánh giầy Quán Gánh, một lần ăn mà nhớ mãi Bánh giầy Quán Gánh, một lần ăn mà nhớ mãi

TTO - Cách trung tâm Hà Nội khoảng 15km, có dịp ngang qua địa phận huyện Thường Tín, bạn sẽ dễ dàng bắt gặp màu xanh của những hàng bánh giầy xếp chồng lên nhau dọc bên đường làng Quán Gánh như mời gọi khách qua đường.

Bài & ảnh: TRẦN THÁI HOÃN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên