Một ngôi trường ở quận 4, TP.HCM được trưng dụng làm bệnh viện dã chiến - Ảnh: TỰ TRUNG
TP.HCM có hơn 700 cơ sở giáo dục được trưng dụng làm công tác phòng chống dịch COVID-19. Đến thời điểm này, mới chỉ có 234 cơ sở trường học được bàn giao về cho ngành GD-ĐT TP.
Mới đây, trường chúng tôi tổ chức họp phụ huynh và vấn đề được các phụ huynh quan tâm nhiều nhất là việc tiêm vắc xin cho học sinh sẽ được thực hiện ra sao, nhà trường sẽ tiến hành vệ sinh, khử khuẩn như thế nào để đón học sinh quay trở lại.
Ông TRẦN CÔNG TUẤN (hiệu trưởng Trường THPT Phú Nhuận)
Khử khuẩn nhiều lần
"Điều chúng tôi quan tâm nhất hiện nay là các cơ quan chức năng sẽ tiến hành khử khuẩn như thế nào ở những trường mà trước đó được trưng dụng làm khu cách ly, làm bệnh viện dã chiến.
Thực sự bây giờ phụ huynh chúng tôi rất lo lắng, một mặt thì rất mong con em mình sớm được đến trường nhưng mặt khác cũng băn khoăn là môi trường học đường có thực sự an toàn không?" - bà Phan Thị Hà, phụ huynh có hai con học THPT ở TP Thủ Đức, bày tỏ.
Ông Trần Công Tuấn, hiệu trưởng Trường THPT Phú Nhuận, cho hay: "Trường Phú Nhuận được trưng dụng làm bệnh viện dã chiến, dự kiến ngày 25-10 sẽ kết thúc sứ mệnh phục vụ công tác chống dịch COVID-19.
Chúng tôi đã nhận được thông tin là UBND quận sẽ cho phun, xịt khuẩn; chỉnh trang lại toàn bộ khuôn viên nhà trường rồi mới bàn giao lại. Ban giám hiệu Trường THPT Phú Nhuận cũng đã có văn bản đề xuất với Sở GD-ĐT TP xin cấp kinh phí để sơn mới hoặc chỉnh trang bên trong các phòng học, phòng chức năng.
Nếu nhà trường được cấp kinh phí để sơn mới bên trong các phòng học thì rất thuận lợi. Sau khi chờ cho mùi sơn bay hết, nhà trường sẽ thực hiện công tác vệ sinh bàn ghế, giặt lại rèm cửa, khử khuẩn lại tất cả trang thiết bị, cơ sở vật chất trường học... trước khi chính thức đón học sinh".
Tương tự, ở quận 6, sau khi TP hết giãn cách, các trường trên địa bàn đã tiến hành sửa chữa, chuẩn bị cơ sở vật chất để sẵn sàng đón học sinh quay trở lại trường. Riêng những cơ sở được trưng dụng làm công tác phòng chống dịch, hiện đã có 50% số trường được bàn giao cho ngành GD-ĐT; 50% số trường còn lại sẽ được tiếp tục bàn giao vào cuối tháng 10 và đầu tháng 11-2021.
"Lực lượng dịch vụ công ích sẽ thực hiện việc vệ sinh trường, lớp; phía quận đội sẽ thực hiện việc khử khuẩn 3-4 lần, sắp xếp bàn ghế, vật dụng... như hiện trạng ban đầu của các trường rồi mới trả lại cho ngành GD-ĐT" - ông Lưu Hồng Uyên, trưởng Phòng GD-ĐT quận 6, chia sẻ.
Kinh phí hơn 150 tỉ
Theo hiệu trưởng các trường được trưng dụng phục vụ công tác phòng chống dịch, sau mấy tháng chuyển đổi công năng từ môi trường dạy và học sang làm khu cách ly, bệnh viện dã chiến, điểm xét nghiệm, tiêm vắc xin phòng chống COVID-19, chắc chắn cơ sở vật chất sẽ có những hư hao, hỏng hóc.
"Tính ra, số kinh phí dùng để sửa chữa, mua trang thiết bị thay thế không phải ít. Chúng tôi đề xuất UBND TP nên cấp bù khoản kinh phí này để các trường tu bổ, mua sắm, hoàn thiện môi trường học đường trước khi đón học sinh đi học lại.
Đặc biệt, những trường được trưng dụng làm bệnh viện dã chiến nên cho sơn mới tất cả các phòng học và phòng chức năng, vừa để khử khuẩn, vừa tạo cảm giác yên tâm cho phụ huynh, học sinh khi các dấu vết của dịch bệnh đã được xóa nhòa" - hiệu trưởng một trường phổ thông ở TP Thủ Đức đề nghị.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Lê Hoài Nam - phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM - cho biết dự kiến từ nay đến hết tháng 11, lực lượng phòng chống dịch TP sẽ tiếp tục bàn giao cho ngành GD-ĐT 253 cơ sở trường học, số còn lại sẽ được trả lại trong thời gian kế tiếp.
Sở GD-ĐT TP đang tính toán và sẽ kiến nghị với UBND TP xin cấp hơn 150 tỉ đồng để cho các trường (đã từng thực hiện công tác phòng chống dịch) sửa chữa, tu bổ cơ sở vật chất trước khi mở cửa trường trở lại.
Nên cho học sinh lớp 9, 12 đi học trước
Trao đổi với Tuổi Trẻ, nhiều cán bộ quản lý ngành GD-ĐT trên địa bàn TP.HCM đề xuất nên ưu tiên tiêm vắc xin cho học sinh lớp 9 và lớp 12 trước để các em sớm được đến trường.
"Văn bản của Bộ Y tế là tiêm vắc xin cho trẻ từ 12 - 17 tuổi, theo lộ trình lứa tuổi từ cao xuống thấp. Tức là tiêm cho học sinh lớp 12 trước rồi đến lớp 11, lớp 10. Tôi cho rằng như vậy là chưa hợp lý vì không chỉ lớp 12, các em học sinh lớp 9 cũng sẽ phải trải qua một kỳ thi quan trọng vào cuối năm học này là thi vào lớp 10 công lập.
Do đó, các em cũng cần sớm được đi học trực tiếp, có điều kiện chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi. Thế nên, chúng tôi mong học sinh lớp 9, 12 sẽ được ưu tiên tiêm vắc xin và đi học trước" - lãnh đạo phòng GD-ĐT ở một quận vùng ven TP.HCM đề nghị.
Những học sinh đầu tiên của TP.HCM trở lại trường
Ngày 19-10, Sở GD-ĐT TP.HCM ra văn bản quyết định về việc cho học sinh khối lớp 1, 2, 6, 9, 12 được học tập và sinh hoạt trực tiếp tại các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn xã đảo Thạnh An (huyện Cần Giờ, TP.HCM).
Căn cứ biên bản kiểm tra của Sở Y tế, Sở GD-ĐT TP và UBND huyện Cần Giờ về phương án tổ chức cho học sinh trở lại trường; trên cơ sở thống nhất giữa Sở Y tế, Sở GD-ĐT TP.HCM đồng ý với đề xuất của UBND huyện Cần Giờ về việc mở cửa lại trường học để học sinh khối lớp 1, 2, 6, 9, 12 được học tập, sinh hoạt trực tiếp tại các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn xã đảo Thạnh An từ hôm nay (ngày 20-10).
Buổi học online cuối của hai em Tuấn Khang và Thanh Phong, lớp 5 phân hiệu Trường tiểu học Thạnh An, ấp Thiềng Liềng, xã Thạnh An, huyện Cần Giờ, TP.HCM chiều 19-10 - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Cũng trong ngày 19-10, Bộ GD-ĐT cho biết đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc cho phép vùng nguy cơ thấp, trung bình về dịch COVID-19 cho học sinh trở lại trường học.
Bộ GD-ĐT đề nghị các địa phương căn cứ vào đánh giá, phân loại xác định cấp độ dịch theo từng địa bàn phường/xã, cấp huyện, cấp tỉnh/thành phố để quyết định tổ chức hoạt động dạy học trực tiếp đối với giáo dục mầm non, phổ thông và giáo dục thường xuyên cho phù hợp.
Nguyên tắc đặt ra là nơi nào kiểm soát được dịch thì chủ động cho học sinh trở lại trường học tập và đảm bảo các biện pháp an toàn. Cụ thể, những nơi được xác định dịch cấp độ 1, cấp độ 2 (nguy cơ thấp, trung bình) thì tổ chức cho học sinh đi học trực tiếp.
Những nơi được xác định dịch cấp độ 3 (nguy cơ cao) tổ chức dạy học trực tiếp kết hợp trực tuyến, qua truyền hình, trong đó ưu tiên dạy trực tiếp với lớp 1, 2, 6, 9 và 12.
Những nơi được xác định cấp độ 4 (nguy cơ rất cao), các địa phương căn cứ vào tình hình thực tế và tiến độ triển khai kế hoạch năm học để tổ chức dạy học trực tuyến, qua truyền hình, giao bài tập với cấp học mầm non, phổ thông; hướng dẫn phụ huynh hỗ trợ học sinh sử dụng hiệu quả, an toàn thiết bị phục vụ học trực tuyến, học qua truyền hình; có phương án chuyển tài liệu học tập đến học sinh còn thiếu thiết bị học tập trực tuyến và qua truyền hình.
Tương tự, với các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng sư phạm ở địa bàn xác định cấp độ 1 và 2 về dịch có thể cân nhắc triển khai hoạt động đào tạo trực tiếp. Những nơi cấp độ 3, 4 có thể kết hợp dạy trực tiếp và trực tuyến tùy theo phương án cụ thể của nhà trường được UBND các tỉnh, thành chấp thuận.
THẢO THƯƠNG - QUANG ĐỊNH - VĨNH HÀ
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận