Nếu bỗng nhiên gặp người bị nạn giữa đường, bạn sẽ làm gì?
Tôi cũng là phụ nữ, từng học lái ô tô nên rất hiểu trước khi được cấp giấy phép lái xe (GPLX) thì tất cả học viên đều phải thông tường lý thuyết trong đó gồm cả cách xử lý tình huống khi gặp người bị nạn trên đường.
Anh Nguyễn Công Ph. đi xe máy đêm tối và va vào ô tô của chị Nguyễn Thị H. (đang dừng) và ngã xuống đường. Sau đó, anh tử nạn vì bị xe tải cán qua. Thời điểm xảy ra vụ việc trên khoảng 22h, trời tối cũng là lý do khách quan dẫn đến tai nạn.
Nhưng nếu chị H. dành ít thời gian hỗ trợ nạn nhân, cảnh báo cho các phương tiện đang lưu thông, gọi điện cho cơ quan chức năng... thì có lẽ nạn nhân có cơ hội thoát cửa tử.
Nhiều người cho rằng chị H. chủ quan khi nghĩ anh Ph. tự lo được, tâm lý sợ người nhà nạn nhân hiểu lầm, ngại phiền phức trước cơ quan hữu quan... Tuy nhiên, dù thế nào đi chăng nữa cũng không được phép quên dòng chữ mà các lái xe đều thuộc nằm lòng: "Tính mạng con người là trên hết".
Thản nhiên rời đi khi biết có người gặp tai nạn và đang cần cứu giúp chỉ có thể do vô cảm hoặc ngại gặp phiền phức. Trong nhiều trường hợp va chạm giao thông, ranh giới giữa sống và chết thật mong manh.
Bỏ lỡ "thời gian vàng" đồng nghĩa với nỗ lực cứu chữa của nhân viên y tế sẽ khó khăn hơn, hy vọng giữ được sự sống giảm đi, trong khi sinh mạng con người không có chỗ cho hối hận, sửa sai.
Trước Tết Nguyên đán vừa rồi có vụ ô tô "lùa" nhiều xe gắn máy. Cộng đồng bức xúc ở việc tài xế lạnh lùng bỏ đi, mặc kệ nhiều người và xe nằm lại trên mặt đường.
Cũng mới đây, tại Sóc Trăng, một xe khách tông người đi bộ rồi... chạy luôn. Nạn nhân thiệt mạng. Tiến hành làm rõ, ngành chức năng phát hiện những chi tiết "giật mình": xe hết hạn lưu hành, người cầm lái nghi sử dụng GPLX giả, trong hơi thở có nồng độ cồn. Cố tình trốn tránh trách nhiệm là điều không thể chấp nhận.
Tôi thường thấy người đi đường nhắc những người đang chạy xe máy quên gạt chân chống nghiêng hay tài xế xe tải thùng quên đóng cửa phía sau. Có những người đi bộ chịu khó cúi xuống nhặt cục đá, vỏ trái dừa nằm lăn lóc trên đường để giữ an toàn cho người khác.
Những hành động nào phải to tát hay quá sức, đôi khi bị mang tiếng "bao đồng", nhưng nghĩ sâu xa nó không hề thừa, có tác dụng cứu nguy cho ai đó, phòng tránh sự cố đáng tiếc.
Vậy mới thấy quý những nghĩa cử cao đẹp của cộng đồng vừa qua khi mọi người quyên góp giúp gia đình một thiếu niên bị chấn thương đầu rất nặng ở Côn Đảo, thuê máy bay trực thăng khẩn cấp đưa em vào đất liền.
Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM) vừa cố gắng cứu em này vừa miễn chi phí. Tình người trong hoạn nạn có ý nghĩa hơn bất cứ câu từ hoa mỹ nào khác.
Ra đường rất dễ gặp những tình huống tai nạn bất ngờ. Cần lắm tình người và những cách ứng xử nhanh nhất để cứu người.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận