12/01/2019 06:21 GMT+7

Gặp nạn trên đường ‘ổ gà’: ai kiện? kiện ai?

Bạn đọc BAN MAI (Hậu Giang)
Bạn đọc BAN MAI (Hậu Giang)

TTO - Lưu thông trên đường, một sơ suất nhỏ, gặp chướng ngại vật cũng có thể dẫn đến những tai nạn thương tâm. Đường hỏng, còn lâu mới sửa. Người dân gặp nạn buộc phải “tự chịu trách nhiệm”...

Gặp nạn trên đường ‘ổ gà’: ai kiện? kiện ai? - Ảnh 1.

Một đoạn quốc lộ 1 qua xã An Hòa (huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên) bị hư hỏng chưa được sửa chữa - Ảnh: DUY THANH

Giảm các "ổ gà" tức là góp phần giảm bớt bất an cho người đi đường. Với bất kỳ nguyên nhân nào, cơ quan chức năng hãy sửa chữa nhanh, đừng chần chừ.

"Quả bóng trách nhiệm"

Đường mới làm xong đã hỏng. Mùa mưa thì các cơ quan chức năng, ban ngành quản lý, đơn vị liên quan bảo rằng do mưa ngập hư đường. Mùa nắng thì đổ cho quá nóng đùn nhựa, có khi do phương tiện lưu thông nhiều...

Việc sửa chữa khắc phục lẽ ra phải làm nhanh lại thường bị kéo dài, gây mất an toàn giao thông. Đáng buồn, nhiều nơi đường chỉ được sửa nhanh sau khi xảy ra sự cố hay tai nạn...

Chẳng hạn quốc lộ 1 qua tỉnh Phú Yên hư hỏng và dày đặc "ổ gà" đã 3 năm, nhưng đến khi xảy ra sự cố tai nạn dẫn đến cái chết thương tâm của anh công nhân Trần Nguyễn Quang Tánh khiến dư luận bức xúc mới khắc phục sửa chữa.

Những hư hỏng tạo thành hố lớn nhỏ như những cái "bẫy" trên các tuyến đường đòi hỏi cao về chất lượng như quốc lộ 1 qua tỉnh Phú Yên, cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Cầu Giẽ - Ninh Bình, Nội Bài - Lào Cai, Thanh Hóa - Hà Tĩnh...

Người dân phải tự bảo vệ bằng cách dùng những cành cây, chiếc ghế, miếng ván, vật dụng trong nhà để che chắn, cảnh báo chỗ nguy hiểm cho người đi đường.

Cơ quan chức năng, ban ngành quản lý, đơn vị khai thác... có cách nào phát hiện, kịp thời khắc phục nhanh nhất để tránh tai nạn chết người?

Theo điều 281 Bộ luật hình sự, đường hư hỏng, cơ quan quản lý không rào chắn, không cảnh báo dẫn đến hậu quả chết người là có dấu hiệu của tội "vi phạm quy định về duy tu, sửa chữa, quản lý công trình giao thông".

Song khi hậu quả chết người đã xảy ra, vi phạm đã rõ, quy định có sẵn nhưng hiếm thấy tổ chức hay cá nhân nào có liên quan bị xử lý.

Lỡ khi gặp tai nạn, may mắn thoát chết, mấy ai thưa kiện đòi bồi thường? Và kiện ai, đơn vị nào? Vì ai cũng ngại chuyện "trái banh trách nhiệm" sẽ chuyền lòng vòng đến khi không thể nào xác định.

Giảm bớt những bất an cho người đi đường chỉ có thể được hiện thực hóa khi mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người được giao nhiệm vụ làm tròn công việc của mình, quản lý tốt công trình trên địa bàn, chứ không chờ đến khi xảy ra tai họa mới vào cuộc "kiểm tra", "rà soát", "chấn chỉnh", "xử lý"...

Đường hỏng có nhiều lý do, cả khách quan lẫn chủ quan. Với những con đường vừa được đầu tư nâng cấp đã xuống cấp trầm trọng, trong khi chờ kiểm tra xác định nguyên nhân, không ít trường hợp đổ lỗi cho khách quan, đơn vị thi công đùn đẩy trách nhiệm, ban ngành quản lý bị động, cơ quan chức năng thiếu cương quyết nên các hư hỏng vẫn tồn tại hết tháng, hết năm này đến năm khác.

Tai nạn vì sụp "ổ gà" luôn tiềm ẩn những nguy hiểm, người té nhẹ thì trầy xước, nặng thì tử vong hoặc tàn phế suốt đời. Hạn chế rủi ro đòi hỏi tinh thần trách nhiệm của cơ quan đơn vị quản lý hạ tầng giao thông.

Đường làm xong, hỏng trong thời gian bảo hành, nếu đơn vị thi công chần chừ khắc phục, trong lúc chờ xác định nguyên nhân, cơ quan quản lý có thể linh hoạt sử dụng ngân sách hoặc nguồn vốn duy tu thuê đơn vị sửa chữa, tránh nguy cơ mất an toàn dẫn đến những tai nạn thương tâm.

Sau khi có kết quả nguyên nhân đường hỏng, nếu lỗi do đơn vị thi công vẫn có thể truy thu hoặc khấu trừ vào chi phí bảo hành.

Nhà thầu không chấp hành sẽ bị chế tài nghiêm khắc (không cho phép thực hiện các công trình tiếp theo, cấm tham gia đấu thầu các dự án trong ngành).

Đơn vị quản lý hạ tầng giao thông cần xem việc đảm bảo an toàn trên các tuyến đường là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu. Cơ quan, ban ngành quản lý hạ tầng giao thông cần chủ động kiểm tra, phát hiện và kịp thời xử lý hư hỏng trên đường.

Giặm vá "ổ gà" chính là góp sức giảm bớt những bất an cho người đi đường. Hãy tạo điều kiện cho người dân kịp thời báo sự cố bằng cách dựng bảng thông tin bên đường có số điện thoại liên lạc và tên cá nhân, cơ quan chức năng, ban ngành quản lý, đơn vị khai thác.

Bạn đọc ĐỖ NGÔ TRẦN (TP.HCM)

Thử thách quá lớn với người dân

Đi đường ai cũng sợ những đoạn đường với nhiều "ổ gà", "ổ voi" tai nạn luôn rình rập, nhất là vào ban đêm hay ngày mưa gió. Và việc quy trách nhiệm cho đơn vị nào cũng không đơn giản.

Có thể do chủ đầu tư, đơn vị thi công nếu đường không đủ chất lượng, có khi là đơn vị duy tu sửa chữa nếu đã phát hiện đường hư hỏng mà không sửa chữa, cảnh báo kịp thời. Có khi đường hư hỏng đã lâu, chưa có kinh phí sửa chữa, chẳng may bị nạn cũng không biết kiện đơn vị nào...

Ai sẽ giúp người bị tai nạn xác định đúng người có trách nhiệm để đi kiện hay yêu cầu bồi thường thiệt hại? Chưa kể những tình huống pháp lý như tại thời điểm thiệt hại xảy ra, những đơn vị trước đó có còn đó hay đã giải thể, chuyển đổi, sáp nhập, đổi người, đổi chỗ...

Thực tế này đặt ra thử thách quá lớn với người dân khi muốn tìm người chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Chính vì vậy, người bị tai nạn từ trước đến nay thường chọn cách... tự chịu trách nhiệm, coi như mình bị xui, chứ không nghĩ đến chuyện tìm ai đó để đòi bồi thường.

Do vậy, trong trường hợp này cần quy trách nhiệm cho đơn vị quản lý trực tiếp đoạn đường xảy ra tai nạn để tạo thuận lợi cho người bị thiệt hại có thể liên hệ. Đơn vị quản lý trực tiếp phải chịu trách nhiệm với người bị nạn.

Sau đó, trong nội bộ hệ thống các cơ quan quản lý liên quan sẽ xác định trách nhiệm với nhau và xử lý việc xác định phần trách nhiệm của từng đơn vị trong vụ tai nạn.

Có như vậy mới không đẩy cái khó về cho người dân, tạo được sự đồng thuận và kịp thời trong xử lý hậu quả các vụ tai nạn.

Bạn đọc BAN MAI (Hậu Giang)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên