Nghệ sĩ Lê Thiện vừa vào vai một người bà nhân hậu, hài hước, sẵn lòng chào đón những du khách từ nhiều nơi trong bộ phim nổi tiếng trên kênh Netflix: A tourist's guide to love.
Khi được hỏi bí quyết nào để vẫn làm nghề miệt mài thế, bà lắc đầu nói: "Hổng biết, giờ mà bắt tôi không làm là tôi bệnh đó!".
Tuổi Trẻ Online gặp nghệ sĩ Lê Thiện vào một buổi sáng. Ở tuổi 77, bà minh mẫn và thậm chí còn nhanh nhẹn hơn người viết bài này, ở tuổi 22.
Trò chuyện 30 phút, nghệ sĩ Lê Thiện nhận được cuộc điện thoại lạ. Người gọi là một thầy giáo một trường cấp ba.
Họ nói mời bà cho buổi trò chuyện với học sinh về việc thực hiện 5 điều Bác Hồ dạy. Lê Thiện nhận lời ngay, không cần tiền, chỉ cần có xe đưa đón và cơm ăn. Hỏi ăn cơm gì, bà đáp: “Có gì ăn nấy”.
Nhớ thời tiếng hát át tiếng bom
Ngược thời gian, bà nhớ từ những năm 1955, khi bắt đầu theo đoàn văn công Quân đội Nam Bộ, Lê Thiện lúc đó hơn 11 tuổi. Bà cùng đồng đội rong ruổi từ đơn vị này đến đơn vị khác, dùng tiếng hát để động viên chiến sĩ, đồng bào. Có khi trong một tháng, đoàn diễn liên tục 24 đêm, đi qua 29 điểm.
Lê Thiện kể khi diễn ở vùng cao, đoàn văn công ngủ nhà sàn, sáng ra người dân dưới sân chờ sẵn. Họ mang gà, xôi, đu đủ, chuối cho ăn, nói vì thương nhân vật mà các văn công đóng hôm trước. Có người bỏ nhỏ với Lê Thiện: “Hôm qua thấy con bị nhốt trong củi”.
Năm 1970, Lê Thiện đến Trường Sơn. Trong đêm tối, bên cạnh tiếng bước chân hành quân, bà nghe như có tiếng người dưới lòng đất vọng lên. “Trời ơi, văn công đó hả, hát cho tụi tui nghe đi”.
Lời đề nghị đó là của những thanh niên xung phong, công binh đào hầm trú ẩn, gỡ bom mìn giải phóng đường đi. Nghe người ta nói thế, Lê Thiện bảo có hát tét cổ họng cũng được.
Thời điểm đó Mỹ thả bom xuống Trường Sơn nhiều tới mức đất nhũn ra như bột mì. Trong một lần đang đứng hát, gần Lê Thiện có một quả bom từ trường phát nổ, hất bà xuống hào lúc nào không hay. Chỉ khi đứng lên, Lê Thiện mới biết mình còn sống.
Năm 1979, Lê Thiện đến chiến trường Campuchia biểu diễn khi bà đã là phó giám đốc Nhà hát Trần Hữu Trang.
Trong buổi diễn đầu tiên, trang trọng bằng diễn văn rồi mặc áo dài các thứ, khi đang hát, Lê Thiện kể bà xông thẳng xuống hàng ghế đại biểu và mời họ lên sân khấu múa điệu Lâm Thôn. Tình hữu nghị hai bên tốt lên thấy rõ.
Lê Thiện bảo bà vui khi thấy mình giống một chiến sĩ thực thụ, duy vũ khí không phải là súng mà là tiếng hát, chính tiếng hát đã rút ngắn khoảng cách giữa hai đất nước sau 6 tháng tiếp xúc khó khăn.
Nghệ sĩ Lê Thiện định nghĩa nghệ sĩ
Từ những câu chuyện làm văn hóa của một thời ấy, bây giờ bà Lê Thiện bảo cảm thấy buồn khi có nhiều nghệ sĩ trẻ chưa suy nghĩ thấu đáo, vi phạm pháp luật, làm những việc trái thuần phong mỹ tục…
“Câu đầu tiên các thầy dạy trong môn đạo đức diễn viên, khán giả là những người thầy chính xác nhất, trung thực nhất. Nỡ lòng nào mà coi thường họ.
Khán giả là người nuôi mình mà, nuôi không phải về tiền bạc, gạo thóc hay đời sống vật chất đâu. Họ nuôi bằng tinh thần. Không có khán giả làm sao có sự ra đời của những tác phẩm”, Lê Thiện bày tỏ.
Không muốn áp đặt thời trước vào hiện tại, nhưng Lê Thiện nói bà tin có những thứ vẫn sẽ nguyên giá trị dù ở thời nào. Đó chính là sự giáo dục.
“Thời tôi được giáo dục rất kỹ, cái gì mình xứng đáng thì mình nhận, mình nói, mình xưng, mình tung, cái nào chưa xứng đáng thì đừng nhận”, Lê Thiện chia sẻ.
Bà Lê Thiện định nghĩa nghệ sĩ gồm các yếu tố: tài năng, quần chúng công nhận và đạo đức. Bà bảo sao có người đi vài phim rồi đã nhận vơ làm nghệ sĩ:
“Tôi nghĩ thang thì có bậc thấp bậc cao, dần dần nó cao, hãy làm sao để từng nấc có giá trị của sự phấn đấu. Phấn đấu để trở thành diễn viên đã khó, phấn đấu để trở thành nghệ sĩ càng khó hơn.
Người trẻ đừng bốc đồng, hãy suy nghĩ thấu đáo và sống có đạo đức. Trong đó, hai chữ đạo đức là ngàn đời vẫn còn giá trị, ông bà xưa cũng từng nói “có đức mặc sức mà ăn”.
Bây giờ, Lê Thiện vẫn tích cực học tập, bà coi việc quan sát cuộc sống và lượm lặt kiến thức như một thói quen hằng ngày. Bên cạnh đó, bà cũng rất thích những buổi trò chuyện và giúp đỡ học sinh sinh viên.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận