03/12/2023 15:27 GMT+7

Gặp lãnh đạo dự án điện gió La Gàn, Thăng Long Wind, Thủ tướng nói phải có giá phù hợp

Cam kết sẵn sàng tháo gỡ để đẩy nhanh triển khai các dự án điện gió La Gàn, Thăng Long Wind tại Việt Nam, song Thủ tướng Phạm Minh Chính nói cần đàm phán các cơ chế cụ thể, đặc biệt là mức giá trên tinh thần hài hòa lợi ích, rủi ro chia sẻ.

Thủ tướng tiếp lãnh đạo hai tập đoàn năng lượng hàng đầu của Đan Mạch và Anh tại UAE - Ảnh: NGỌC AN

Thủ tướng tiếp lãnh đạo hai tập đoàn năng lượng hàng đầu của Đan Mạch và Anh tại UAE - Ảnh: NGỌC AN

Sáng 3-12, tại Dubai, UAE, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp ông Robert Helms - thành viên hội đồng quản trị Tập đoàn Copenhagen Infrastructure Partners - CIP (Đan Mạch) và ông Ian Hatton - chủ tịch Tập đoàn Enterprize Energy - EE (Anh).

Hàng chục tỉ USD cho các dự án điện gió ngoài khơi

Là chủ đầu tư dự án điện gió ngoài khơi La Gàn, ông Robert Helms cho biết CIP đã có một hợp đồng khoảng 200 triệu USD và đang dự kiến ký thêm hợp đồng 350 triệu USD.

Đặc biệt CIP đang phối hợp để nghiên cứu phát triển các dự án điện gió ngoài khơi La Gàn 3,5GW tại tỉnh Bình Thuận với tổng vốn đầu tư dự kiến 10,5 tỉ USD. Hiện các thủ tục đang được hoàn tất để đưa dự án sẵn sàng đi vào triển khai.

Còn theo ông Ian Hatton, EE đã hợp tác với Societe Generale (Pháp), Vestas (Đan Mạch), ODE (Anh) để phát triển Tổ hợp Thăng Long Wind tại tỉnh Bình Thuận.

Dự án gồm 2 cấu phần là Thăng Long Wind (TLW), công suất 3.400MW, tổng mức đầu tư 11,9 tỉ USD và Thăng Long Wind 2 (TLW2) để sản xuất và xuất khẩu năng lượng hydrogen từ điện phân nước, tổng công suất 2.000MW, tổng mức đầu tư 5 tỉ USD.

Chủ tịch EE cho biết sẵn sàng đưa vào khai thác thương mại cho dự án Thăng Long Wind và Thăng Long Wind 2 vào năm 2029, đây sẽ là trọng tâm hoạt động của tập đoàn nhưng đang tiếp tục trao đổi với Tập đoàn Điện lực Việt Nam về cơ chế giá điện.

Bày tỏ sự cảm ơn và đánh giá cao nỗ lực của các nhà đầu tư, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho hay để triển khai cam kết tại COP26, Việt Nam đã triển khai 12 hoạt động liên quan thể chế, chiến lược, quy hoạch, đặc biệt là phát triển ngành công nghiệp năng lượng tái tạo.

Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp tiếp tục hợp tác một số nhiệm vụ cụ thể, cùng Việt Nam xây dựng ngành công nghiệp điện tái tạo, hiện thực hóa chủ trương giảm phát thải.

Trong đó, ông lưu ý cùng với việc triển khai cụ thể các dự án nguồn điện, cần gắn với đầu tư lưới điện. Việt Nam sẵn sàng đưa ra các cơ chế chính sách ưu tiên thu hút ngành năng lượng tái tạo phù hợp như chính sách thuế, giá, ưu đãi sử dụng đất, nước, mặt biển…

Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân thông tin thêm về việc triển khai quy hoạch điện 8 - Ảnh: N.AN

Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân thông tin thêm về việc triển khai quy hoạch điện 8 - Ảnh: N.AN

Riêng với kiến nghị về giá điện, Thủ tướng cho hay cần có cơ chế giá phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của Việt Nam. Mức giá đưa ra doanh nghiệp và người dân chịu được, hài hòa với các ngành khác trong nền kinh tế.

Có giá điện phù hợp với nền kinh tế và người dân

“Giá điện sao để doanh nghiệp có lợi nhuận nhưng cũng phù hợp với nền kinh tế. Tinh thần là lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ nên hai bên sẽ phải bàn kỹ để cùng có lợi, cùng thắng” - Thủ tướng cũng dẫn chứng tại UAE mức giá điện tái tạo là 3-4 cent/kWh nhưng tại Việt Nam, cơ chế giá FIT lên tới trên 9 cent/kWh áp dụng trong 20 năm là không hợp lý.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Sinh Nhật Tân cho hay tiềm năng và trữ lượng điện gió ngoài khơi của Việt Nam rất lớn. Hiện Bộ Công Thương đang hoàn thành dự thảo kế hoạch triển khai quy hoạch điện 8 với công suất điện gió ngoài khơi đến năm 2030 là 6GW.

Ông Tân khẳng định sẵn sàng phối hợp với các doanh nghiệp để tháo gỡ khó khăn cho dự án, đảm bảo triển khai hiệu quả, nhưng các yêu cầu đưa ra cần phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của Việt Nam.

Ông Lê Mạnh Hùng - tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) - cho biết với năng lực kinh nghiệm của PVN trong thăm dò và khai thác dầu khí, sẽ khai thác hiệu quả để triển khai các hợp đồng xây lắp điện gió ngoài khơi.

Với tinh thần sẵn sàng hợp tác tháo gỡ, Thủ tướng cho biết cùng với PVN, Bộ Công Thương, Chính phủ và các nhà đầu tư sẽ cùng “ngồi lại với nhau” để đàm phán các cơ chế, chính sách nhằm sớm đưa các dự án đi vào vận hành.

Thúc đẩy xuất khẩu điện gió ngoài khơi từ Việt Nam sang SingaporeThúc đẩy xuất khẩu điện gió ngoài khơi từ Việt Nam sang Singapore

Đây là một trong các chủ đề thảo luận giữa Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan tại cuộc hội đàm ngày 18-7. Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long dự kiến thăm Việt Nam năm nay.


Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên