Vừ Già Pó đã có xe máy và căn nhà mới
Lũng Lầu - xóm nhỏ của Vừ Già Pó - cách chợ tình Khâu Vai (Mèo Vạc, Hà Giang) non 1 cây số. Sau chuyến đi lạc bằng đôi chân "chấn động thiên hạ" hơn 7.000 cây số đến tận Pakistan, anh đã được giúp để tìm lại gia đình, gầy dựng cuộc sống mới.
Bước chân trên cao nguyên đá
Nhà Pó giờ đang nuôi đàn bò, trong đó ba con của nhà anh và sáu con khác nuôi "giẽ" (nuôi chung) với dân bản.
Mỗi năm Pó bán một con cũng có vài chục triệu bạc, nhưng anh chăn nuôi để "dành tiền làm việc lớn", còn chi tiêu trong nhà thì làm nương và đi làm thuê. "Giờ đang dịch bệnh nên ít việc làm, ngày trước mình đi làm xây, đi làm đường cũng được nhiều tiền" - Vừ Già Pó gãi đầu nói.
Vợ chồng Pó giờ đã có nhà xây nho nhỏ, chắc chắn do Nhà nước hỗ trợ để gia đình có chỗ ở ổn định. Căn nhà gỗ trước đây vẫn còn, Pó để lại như căn bếp chứa ngô thóc. Nhà trên mới xây làm chỗ ngủ, để tivi, xe máy tươm tất.
"Thằng Vư được đi bộ đội rồi, vui lắm!" - Vừ Già Pó khoe. Vừ Mí Vư là con trai thứ năm của anh. Từ ngày đi lạc, được "bộ đội" Pakistan giúp tìm về gia đình, rồi được chính quyền, công an địa phương giúp đỡ, Pó muốn con trai được đi bộ đội.
Hai đứa con lớn Vừ Thị Chúa, Vừ Mí Hờ đã lập gia đình. Đứa con gái thứ ba Vừ Mí Súa đi làm công nhân, lương tháng dăm bảy triệu đồng. Anh con trai thứ tư Vừ Mí Chả đi học nghề. Pó cười, chỉ đứa út năm nay vào lớp 1: "Mình đi lạc về thì đẻ thêm được đứa này".
Hai vợ chồng hơn bốn mươi tuổi sống thoải mái cùng đứa bé lên sáu. Vợ Pó tay thoăn thoắt xe sợi lanh, miệng luôn cười ngồi bên cạnh góp vui với chồng. Gia đình "thánh phượt" đã vui tươi.
Cuộc trốn chạy khỏi trại cửu vạn
Gần 10 năm trước, Pó nghe Vừ Xì Già ở xã Lũng Pù (Mèo Vạc) đi Trung Quốc làm thuê. Bố dượng của vợ Pó, ông Vừ Chứ Mua - người cùng bản - cũng đến nhà, tỉ tê nói bên Trung Quốc trả công cao và khuyên Pó đi. Pó và năm người nữa được Già dẫn đường mòn vượt biên sang Trung Quốc. Già nhận tiền của hai người Trung Quốc nói là ứng trước tiền công rồi trở về.
Cả sáu người được hai kẻ tên Phình và Vừa đưa vào nhà ở Quảng Đông (Trung Quốc). Pó ở cùng gần trăm người khác trong một khu nhà khép kín, có tường cao, bên trong có ba dãy nhà, hai dãy để ở, một dãy là nhà bếp và khu vệ sinh. Gần trăm người sống chen chúc, chẳng ai biết ai, không biết tiếng vì được "gom" về từ nhiều nơi.
Lão chủ người Trung, luống tuổi, mắt ti hí, đi giày mũi cứng, lúc nào cũng lăm lăm đoạn gậy, hơi tí là vụt thẳng tay. Ở bản, Pó khỏe mạnh, rắn rỏi như trâu cày, nhưng ở trại này anh bị lão chủ đánh không thương tiếc.
"Cuốc đất không khỏe bị đánh, trưa nắng ngồi nghỉ cũng đánh, lúc ăn cơm rơi ra nó cũng đạp thẳng vào ngực. Cái giày da của nó sợ lắm! Mình ngã vật ra, nó không cho ăn nữa" - Pó đưa tay chỉ lên ngực, gần chục năm anh vẫn sợ đôi giày cứng ấy.
Cứ tờ mờ sáng là lão chủ khua dậy, bắt mỗi người một việc, trong vùng ai thuê việc gì thì lão bắt người đi làm. Người cuốc hố trồng cây, người vác gạch, người bón phân...
Công việc Pó bị bắt làm nhiều nhất là cuốc hố. Mỗi ngày lão chủ cho ăn ba bữa cơm, chỉ có rau, cả tháng trời không một miếng thịt. Có người kiệt sức, mắt mờ, tay run bị lão đưa đi đâu không ai biết.
Hôm "định mệnh" ấy, Pó bị dựng dậy từ lúc trời còn tối, lão chủ bắt đi vào rừng đào hố. Lúc lão mải đánh mấy người đi phía sau vì ngái ngủ, Pó lẩn vào rừng rồi nhắm theo con đường mờ mờ lúc tảng sáng mà chạy.
Trời sáng, Pó không chạy theo đường lớn mà luồn vào rừng, cứ theo hướng con đường ấy mà đi, chỉ lo lão chủ bắt được. Thế rồi Pó đi miết... mười tám tháng ròng.
Pó đi từ Quảng Đông qua Vân Nam (Trung Quốc), vào Myanmar tới bang Manlpur (Ấn Độ) rồi sang Bangladesh. Pó đi bộ, không tiền bạc, không giấy tờ, không ngôn ngữ, không xe cộ. Lúc đói gặp người thì ra dấu xin ăn, hỏi đường nhưng không ai biết tiếng.
Pó qua Bangladesh lại vào Ấn Độ ở khu vực Đông Bengal, sang bang Oilsha rồi đi xuyên miền trung Ấn Độ đến thành phố Mumbai. Pó ngược lên phía bắc, đến chân dãy Himalaya rồi theo hướng tây bắc qua tiếp hai bang của Ấn Độ để vào Pakistan.
Anh bị tình nghi là gián điệp, bị bắt giam ba tháng cho tới khi Đại sứ quán Việt Nam và một số tổ chức phi chính phủ giúp đỡ đưa về nước.
Chuyện đi bộ xuyên quốc gia của Pó nếu không được các tổ chức phi chính phủ và chính quyền phát hiện, quan tâm, giúp đỡ hồi hương chắc khó ai tin là thật.
Ước tính tổng quãng đường Vừ Già Pó đã đi khoảng 7.300km. Chính vì quãng đường đi bộ khủng khiếp này Pó được đặt cho cái tên "thánh phượt".
"Mình khóc nhiều lắm! Sưng cả mắt - vợ Pó, chị Lý Thị Lia, nói - Chồng mình đi mãi không về, hỏi ai cũng không biết. Hồi mới đi thì lão Vừ Xì Già mang về cho mười triệu, bảo tiền công chồng gửi. Nó còn bảo mình đi tiếp đi, nó đưa đi, ngày công cao lắm nhưng mình đợi chồng về, mình không nghe".
Đôi chân từng đi bộ hơn 7.000km
Ước mơ của "thánh phượt"
Hôm nay, Pó cười, nhìn người vợ đang thoăn thoắt xe sợi lanh rồi nói: "Vợ mình không đi thì may rồi. Nó bán đi, không biết đường về đâu!".
Ngày Pó đi được hơn một năm, Vừ Xì Già lại đến nhà, nói chồng chị trốn bị ông chủ bắt được. Lia phải đưa cho hắn ba mươi triệu để chuộc người về, nếu không ông chủ đánh chết.
Chị Lia sợ quá đưa lại cho Già số tiền mười triệu trước đây chị vẫn giữ. Mấy tuần sau, chị bán một mảnh nương, ba con bò để đưa thêm tiền cho Già.
"Ngày ấy ba đứa con đi học, không có tiền khổ lắm! Mình chỉ biết làm nương thôi nhưng nương bán rồi..." - Lý Thị Lia rưng rưng. Cứ ai đi Trung Quốc về là chị đến hỏi thăm tin chồng. Chị không tin chồng chết, cứ bảo các con đợi bố về.
Thế rồi cái hôm nghe cán bộ xã báo tin tìm được Vừ Già Pó, cả nhà ôm nhau vỡ òa nước mắt. Chị gom những đồng tiền cuối cùng theo cán bộ xã, công an đi máy bay sang tận Thái Lan để đón chồng...
Ngày mới ở Pakistan về, Pó được anh nhà báo tốt bụng và nhiều người nữa ủng hộ hơn 70 triệu đồng.
Pó mua một đôi bò về nuôi, chưa được một năm thì bị dịch, chết mất. Pó lại vay được 50 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội mua một đôi bò khác, rồi mua thêm mảnh nương để trồng ngô, trồng cỏ. Anh cũng là tay thợ xây giỏi, ăn nói dễ nghe, được nhiều người tin, mang bò đến nhờ nuôi "giẽ". Họ giao ước nếu bò đẻ lứa đầu chủ bò lấy, lứa sau con bê là của Pó...
Pó cười tâm sự anh vẫn muốn được đi du lịch nhưng không phải là chuyến phượt như "địa ngục trần gian" năm nào...
Cuộc sống vợ chồng Vừ Già Pó đã vui tươi - Ảnh: V.T.
Theo Công an tỉnh Hà Giang, ngay khi Vừ Già Pó trở về nhà, cơ quan chức năng đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Vừ Xì Già, trú tại thôn Sán Chải B, xã Lũng Pù và Vừ Chứ Mua (bố dượng của vợ Pó), trú tại thôn Lũng Lầu, xã Khâu Vai (Mèo Vạc) về tội tổ chức đưa người sang nước ngoài trái phép. Hai người này sau đó chịu mức án 6 năm tù với tội danh trên.
Vừ Già Pó nhìn cậu con út: "Mình chỉ muốn con học giỏi cái chữ, sau này biết nhiều, làm nghề giỏi thì không phải khổ nữa". Anh nói rồi kéo một hơi thuốc lào dài, nheo nheo đôi mắt nhìn lên dốc. Cuối con dốc, cách nhà Pó hơn trăm bước chân là trường học. Lũ trẻ nghỉ hè, chơi tù lú (chơi quay) trong sân trường cười vang cả một vùng cao nguyên đá.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận