Chị Đặng Thị Hồng Ngọc được giải cứu trong vụ sập hầm năm 2014 - Ảnh: Mai Vinh |
Cách đây hơn một năm, sáng 16-12-2014, một đoạn ở cuối đường hầm thủy điện (xã Lát, huyện Lạc Dương, Lâm Đồng) dài khoảng 700m đổ ập xuống, nhốt 12 công nhân ở bên trong. Một năm trôi qua, tất cả công nhân được cứu thoát đã về quê với gia đình...
Bà Hoàng Thị Bình rưng rưng xúc động bày mâm cơm tại nhà (xã Cát Văn, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An) nhân một năm kể từ ngày con trai bà là Phạm Viết Nam và con dâu cùng 10 người khác là công nhân được cứu thoát khỏi đường hầm thủy điện Đạ Dâng.
Với bà Bình, đó là ân huệ quá lớn của trời đất. Đến giờ, sau hơn một năm gần gũi con, bà cũng chưa tin chúng nó vẫn còn sống.
Ký ức chưa qua
Vậy nên dù gia cảnh còn thiếu trước hụt sau, đúng ngày kỷ niệm này, bà cũng làm vài mâm cơm mời xóm làng.
Bà bảo: “Trước gia đình tạ ơn trên, sau để được nghe một lần nữa lời chúc mừng của xóm làng. Chúc mừng nghĩa là chúng nó còn sống với mình”.
Ngày 16-12-2014 định mệnh đó, cả ngàn người từ nhiều lực lượng được huy động để giải cứu 12 công nhân bị mắc kẹt. Sau 82 giờ, họ đã được đưa ra khỏi đường hầm tối trong tình trạng suy kiệt.
Chị Đặng Thị Hồng Ngọc, người phụ nữ duy nhất bị mắc kẹt, kể lại: “Vô ca được khoảng 20 phút thì nghe có tiếng đổ sập phía sau lưng. Điện tắt ngúm, không gian tối đen.
Tôi hãi quá, đứng chôn chân. Đầu tiên, mọi người còn vui vẻ bảo chỉ sập một đoạn ngắn, có cuốc thuổng đào sẽ ra được. Và vài người đã thử đào nhưng thất bại”.
Không lâu sau đó, nước trong hầm bắt đầu dâng cao bởi lượng nước từ trên mái hầm cộng với nước từ mạch ngầm chảy ra. Trong hoảng loạn, nhiều lúc đến mức tột cùng, họ tự an ủi nhau và bàn phương kế sinh tồn.
“Đêm nằm ngủ, bật dậy thẫn thờ, khóc rưng rức vì nghe tiếng nước ri rỉ đâu đó trong nhà. Đi tìm cho bằng ra thì mới đi ngủ lại được. Ra là cái vòi nước bị hở” - chị Ngọc kể.
Trong trí nhớ cô gái, tiếng nước ri rỉ ấy là tiếng nước từ mạch ngầm chảy vào căn phòng nơi 12 công nhân đang co ro ngồi. Đó là âm thanh của nước dâng cao chầm chậm.
“Cái chết tới chậm, giống như mình đợi tiếng nước mang chết chóc tới” - chị Ngọc nói. Khi hầm được thông, những công nhân bị mắc kẹt được đưa ra trong tình trạng nước đã dâng lên ngang ngực.
Đến giờ, anh Trương Tuấn Việt, công nhân bị mắc kẹt trong hầm, quê Bắc Ninh, vẫn thường có cảm giác mình đang rã ra trong nước mỗi khi ngủ. “Dù trời có nóng như đổ lửa tôi cũng đun nước tắm, chạm vào nước lạnh làm người rờn rợn” - anh nói.
và hiện làm công nhân may mặc ở gần nhà để tiện chăm sóc con - Ảnh: Mai Vinh |
Bước qua sợ hãi
Một năm trôi qua, tất cả công nhân được cứu thoát đã về quê với gia đình. Họ đều tìm một công việc khác, ngoại trừ anh Phạm Viết Nam.
Làm công nhân may mặc, lương thấp hơn nhiều lần so với đi làm công nhân xây dựng công trình thủy điện, nhưng chị Hồng Ngọc không còn nghĩ đến việc xin trở lại công trường.
“Khi cận kề cái chết mới biết mình quý cái gì nhất. Lúc chưa có chuyện thì nghĩ cần tiền để lo cho con đầy đủ hơn nên gửi con cho ông bà để đi công trường. Trong khi chờ cái chết đến, mình nhớ con” - chị Ngọc nói.
Ôm cậu con trai đầu lòng, vuốt mái tóc tơ khi đứa trẻ đang thiu thiu ngủ, chị Ngọc nói nhẹ: “Có thể sẽ quay lại công trường vào một lúc khác, mình nghĩ chỉ đi vào nơi mình sợ mới thoát sợ hãi. Nhưng giờ thì không đi được. Ngọc nghĩ rồi, con nhỏ có thể bớt đầy đủ nhưng không thể để cháu thiếu tình cảm được”.
Còn anh vẫn làm công nhân xây dựng công trình thủy điện nhưng ở một nơi khác. Đạ Dâng với anh vẫn là nỗi ám ảnh. Đến giờ anh vẫn chưa dám quay lại nơi ấy.
Tôi gặp anh Nam ở lán công nhân của thủy điện Nhàn Hạt (Quế Phong, Nghệ An). Anh Nam bảo: “Phải lo cho con đi học nên buộc đi làm công nhân thủy điện chứ hãi lắm. Ra công trường nhìn sắt thép rờn rợn. Nhưng giờ mọi thứ cũng nhẹ nhàng hơn.
Nếu mình không chịu đi làm, chỉ quanh quẩn ở nhà sống bằng tiền của mạnh thường quân tặng hồi mới được cứu chắc cũng không tới nổi, nhưng ám ảnh sẽ còn bám theo suốt đời”.
Anh Nam chỉ nghỉ ngơi cho lại sức khoảng hai tháng sau đó anh đi công trường. Anh xin được làm ở những vị trí có thể thấy được bầu trời bởi anh sợ khi đi vào hầm hoặc vùng khuất ánh sáng.
(21 tuổi), công nhân nhỏ tuổi nhất bị kẹt trong hầm, cũng ở lại quê Thanh Chương (Nghệ An). Sau một năm, Lành đã có da có thịt. Làm việc ở một xưởng hàn tiện gần nhà. Cha mẹ anh không cho đi làm vì sợ tất cả mọi rủi ro có thể xảy ra nhưng Lành nhất quyết đi làm.
Chuyện cũ Lành còn nhớ mồn một, nhưng nhắc lại rất nhẹ nhàng: “Ám ảnh nhưng ngồi nhà thì sẽ mãi sợ. Mình chọn hẳn một công việc nặng, đụng chạm đến sắt thép và nghe tiếng động mạnh mỗi ngày để mọi thứ thành quen”.
Mỗi người một niềm riêng và cách vượt qua cũng khác nhau, nhưng 12 công nhân Đạ Dâng ngày ấy ai nấy cũng động viên mình bước qua chuyện cũ từng chút một mỗi ngày.
Nói như thổ lộ của công nhân (Nam Định): “Mỗi ngày được sống là ơn của nhiều người và được sống đến hôm nay là may mắn quá lớn. Phải sống đường hoàng và phải nhớ ân tình”.
Chuyện ân nghĩa gửi lại phía sau Chúng tôi gặp lại thượng tá Lê Đình Hùng - chỉ huy phó lữ đoàn công binh 293, người trực tiếp chỉ huy lực lượng công binh đào hầm cứu nạn và giải cứu thành công 12 công nhân mắc kẹt, khi ông đang làm nhiệm vụ ở một tỉnh Tây nguyên. Ông bảo: “Vừa rồi, nhân một năm ngày xảy ra vụ sập hầm, tôi có gọi điện thoại thăm khắp lượt công nhân từng bị mắc kẹt. Họ đều có cuộc sống ổn định, biết dùng tiền của mạnh thường quân tặng để lo kinh tế gia đình nên chúng tôi mừng lắm. Họ cứ nhắc chuyện ân nghĩa. Tôi bảo từ khi họ ghé thăm và cảm ơn chúng tôi ở lữ đoàn thì chuyện ơn nghĩa chúng tôi đã xin gác lại. Chúng tôi gửi lại phòng truyền thống và dường như đã quên đi. Trước mặt, những người lính công binh là những nhiệm vụ thiêng liêng khác”. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận