22/04/2013 11:45 GMT+7

Gặp lại "người rừng" Rơ Chăm H’Pnhiêng

NGUYỄN VIỄN SỰ
NGUYỄN VIỄN SỰ

TT - Sau 18 năm trời sống trong rừng già, đầu năm 2007 Rơ Chăm H’Pnhiêng được phát hiện và trở về sống với gia đình. “Người rừng” hiện giờ ra sao?

OY2HRmNp.jpgPhóng to
Rơ Chăm H’Pnhiêng ăn cơm do người em trai kế Rơ Chăm Khăm Phi mang vào - Ảnh: VIỄN SỰ
YwTIB5ZB.jpgPhóng to
Rơ Chăm H’Pnhiêng và vết sẹo trên cổ tay do dính bẫy thú khi còn sống trong rừng già - Ảnh: VIỄN SỰ

Liệu sáu năm rời rừng già có giúp cô hòa nhập với xã hội con người?

Câu hỏi về số phận lạ kỳ của một con người đã thôi thúc chúng tôi vượt cửa khẩu Lệ Thanh (Đức Cơ, Gia Lai) đến Oyadav, tỉnh Rattanakiri (Campuchia) tìm Rơ Chăm H’Pnhiêng. Sau hành trình trên những con đường mờ bụi đỏ dọc ngang biên giới, chúng tôi đã tìm lại được cô gái “người rừng” đang sống cùng gia đình tại làng Xom ở thị trấn Oyadav, huyện Oyadav.

Thức tỉnh nhờ khúc dân ca

Băng qua những cánh rừng vừa đốn hạ, chúng tôi gặp Rơ Chăm H’Pnhiêng trong ngôi nhà gỗ do chính quyền Oyadav hỗ trợ cất riêng cho cô ở khu vườn của gia đình. H’Pnhiêng mặc chiếc quần dài, áo thun màu xanh, tóc và móng tay được cắt ngắn, nằm kê gối trên góc sàn nhà, trông trẻ hơn so với tuổi 37 của cô. Thấy người lạ, H’Pnhiêng chỉ hơi nhổm người dậy, không còn hoảng sợ như những ngày mới từ rừng về.

TS Mai Thanh Sơn (trưởng phòng dân tộc học và nhân học Viện Khoa học xã hội vùng Trung bộ - Viện hàn lâm Khoa học xã hội VN):

Có thể hồi phục trí nhớ và ngôn ngữ

Lạc vào rừng năm 13 tuổi nên H’Pnhiêng đã có đầy đủ kỹ năng về ngôn ngữ, những nhận biết cơ bản của người bình thường và tập quán xã hội. 18 năm trong rừng khiến H’Pnhiêng bị tự kỷ vì không được tiếp xúc với con người, các kỹ năng của con người bị ức chế nhưng không hẳn đã bị triệt tiêu. Ký ức về thời thơ ấu thường rất mạnh và nếu được gợi lại thì những kỹ năng của con người trong H’Pnhiêng sẽ được hồi phục. Rõ nhất là việc nhận ra người thân sau khi nghe làn điệu dân ca J’rai vùng Cheo Reo.

Tất nhiên hồi phục 100% là không thể, và nếu hồi phục thì H’Pnhiêng cũng chỉ là một đứa trẻ 12-13 tuổi như thời điểm bị cách ly khỏi xã hội con người, chứ không phải là một phụ nữ 37 tuổi như hiện tại. Nhưng chừng đó cũng đủ để H’Pnhiêng kể lại được rất nhiều câu chuyện kỳ diệu về cuộc sống 18 năm trong rừng già.

Anh Rơ Chăm Khăm Phi, em trai kế của H’Pnhiêng, bưng một tô cơm canh rau khá to đưa cho chị, chỉ hơn một phút Rơ Chăm H’Pnhiêng đã thuần thục dùng muỗng xúc ăn hết tô cơm, ăn xong còn biết dùng giẻ lau sạch những vệt canh đổ trên sàn. Lát sau, người em dâu đưa vào một bầu nước to, H’Pnhiêng lại ngửa cổ tu một hơi cạn bầu. “Múc một tô cơm H’Pnhiêng ăn hết một tô, múc một xoong ăn hết một xoong, bao nhiêu cũng ăn hết” - anh Khăm Phi kể.

Những hình ảnh ấy với gia đình là một sự diệu kỳ bởi H’Pnhiêng đã từng quên hết bản năng của một con người. Anh Khăm Phi thật thà: “Hồi đó chị như con khỉ, đi bằng bốn tay chân, hai bàn tay không có thịt mà chai sần vì chống xuống đất. Hai cái chân thì nhón nhón, đi bằng mũi chân. Tóc dài, lông tay lông chân, móng tay cũng dài...”.

Bài viết “Trở thành “người rừng” sau 18 năm đi lạc”, trên báo Tuổi Trẻ ngày 19-1-2007 cũng mô tả: “Quần áo vừa mặc vào thì “người rừng” đã xé nát và không sao cầm được bát đũa, tay lóng ngóng như tay vượn. Có những đêm khi mọi người trong nhà đã ngủ say, H’Pnhiêng rón rén đi xuống bếp bốc gạo sống nhai ngấu nghiến”...

Gia đình H’Pnhiêng đã từng tuyệt vọng vì những nỗ lực của họ đều không thể đưa “người rừng” trở về đời sống con người. Cứ chiều chạng vạng, khi con mang tác nơi bìa rừng, con vượn hú bầy phía vách núi xa... thì bản năng hoang dã trong H’Pnhiêng lại trỗi dậy, toan vùng chạy để thỏa nỗi nhớ rừng.

Trong nỗi vô vọng ấy, bằng linh cảm của một người mẹ, bà Rơ Chăm H’Soi - mẹ H’Pnhiêng - chợt nhớ khi H’Pnhiêng còn nhỏ bà từng ru con những điệu dân ca J’rai vùng quê cũ Cheo Reo (Ayunpa - Gia Lai bây giờ) và thử hát lại cho H’Pnhiêng nghe. Lời dân ca J’rai vùng Cheo Reo ấy không ngờ đã chạm vào tiềm thức về một kiếp người bị đời sống hoang dã vùi lấp. “Chị mình ú ớ hát theo dù không thành lời, tự nhiên khóe mắt chảy nước rồi chạy đến ôm mẹ mình. Mẹ mình khóc, rồi cả nhà cũng khóc theo...” - anh Khăm Phi xúc động kể về giây phút đoàn tụ đúng nghĩa của chị H’Pnhiêng và gia đình.

Những bài dân ca J’rai cuối cùng đã lấn át được những tiếng gọi từ nơi hoang dã, bản năng con người dần trở lại, H’Pnhiêng không còn sợ hãi mọi người, nhận ra người thân, biết cầm đũa, cầm muỗng xúc cơm, biết rửa cả chén bát khi ăn xong. Không còn xé quần áo, biết đi vệ sinh đúng chỗ. Và từ ba năm nay khi những cánh rừng thưa đi, H’Pnhiêng đã sống hẳn trong ngôi nhà dành cho mình. Nỗi lưu luyến về cuộc đời 18 năm trong rừng già dường như đã vơi bớt.

Bí ẩn chưa được giải mã

Sống trong rừng già với người trưởng thành đã là điều khó tưởng tượng ở xã hội hiện đại. Còn H’Pnhiêng khi lạc trong rừng chỉ mới là một cô bé tuổi thiếu niên, không lương thực, bị bủa vây bởi thú dữ, đói rét nhưng vẫn tồn tại suốt 18 năm trong rừng già. Bác sĩ Pan Sok Thou - phó giám đốc Trung tâm y tế huyện Oyadav, cho biết sáu năm qua các cơ quan y tế tại Campuchia và nhiều bác sĩ, tổ chức y tế nước ngoài đã gặp H’Pnhiêng tìm cách giải mã bản năng sinh tồn lạ kỳ ấy nhưng đều không tìm được câu trả lời.

Ngồi cạnh H’Pnhiêng mới thấy dấu vết của những kỹ năng sinh tồn trong cuộc sống hoang dã vẫn còn. Hai lòng bàn tay H’Pnhiêng vì chống xuống đất để di chuyển suốt 18 năm nên lõm vào, ngón tay dài ra như bàn tay của một loài linh trưởng. Ăn cơm, H’Pnhiêng gần như không nhai mà đưa vào miệng là nuốt ngay, người em gái chăm sóc H’Pnhiêng cho biết không chỉ cơm rau mà bất cứ đồ ăn nào H’Pnhiêng cũng ăn rất nhanh, không hề mắc nghẹn hay đau bụng.

Anh Khăm Phi kể thời gian đầu về nhà H’Pnhiêng không bao giờ ngủ ban đêm và thường xuyên trốn về rừng sâu, khi năm ngày, khi nửa tháng, có lúc hai tháng. Những lần trốn đi ấy, không ít lần dân sơn tràng ở Oyadav phát hiện H’Pnhiêng trong rừng sâu, nhưng không cách nào bắt lại vì H’Pnhiêng leo trèo, chuyền cành nhanh đến mức không ai theo kịp, rồi sau đó lại tự trở về lành lặn. Thậm chí có lần H’Pnhiêng lọt xuống hố phân của nhà vệ sinh suốt một tuần nhưng khi được đưa lên vẫn khỏe mạnh, không hề bị bệnh tật sau đó.

Trên cổ tay trái của H’Pnhiêng vẫn còn một vết sẹo sâu, kéo thành vòng tròn quanh cổ tay, các thợ săn ở Oyadav đều cho rằng đó là dấu tích của một chiếc bẫy kẹp hoặc bẫy thòng lọng dùng bẫy thú do chính họ cài. Nhưng không thợ săn nào hiểu được vì sao H’Pnhiêng có thể tự tháo bẫy và đôi tay vẫn lành lặn, trong khi những con thú mắc bẫy không thể thoát được.

Bí ẩn về bản năng sống sót 18 năm trong rừng già có lẽ không ai giải thích được ngoài chính Rơ Chăm H’Pnhiêng, khi trong những lần ký ức lóe sáng cô từng cầm bút bằng chân và tay vẽ hàng chục bức tranh về cuộc sống trong rừng. Trong tranh có hình ảnh của H’Pnhiêng, có muông thú, cây cổ thụ, có những con người nhiều đầu (?)...

Những bức tranh này hiện được Bảo tàng Rattanakiri cất giữ với hi vọng một ngày H’Pnhiêng sẽ hồi phục khả năng ngôn ngữ để kể cho mọi người nghe về quãng đời 18 năm mà rừng xanh đã chở che cho số phận một con người.

Hành trình trở về

Trung tá Sina - đồn phó công an cửa khẩu Oyadav - cho biết thông tin về người rừng ở Oyadav xuất hiện vào đầu tháng 1-2007 khi một nhóm thợ khai thác gỗ trắc ở cánh rừng làng Tel, xã Oyatung, huyện Oyadav liên tục bị ăn vụng nồi cơm một cách bí ẩn. Sau nhiều lần mất cơm, nhóm thợ rừng quyết rình bắt và bất ngờ họ phát hiện thủ phạm là một con người đầy lông lá, tóc dài, chuyền cành rất giỏi bằng cả tay chân.

Ngay sau khi Công an xã Oyatung tiếp nhận người rừng, gia đình ông K’So Lu đã nhận ra đây chính là Rơ Chăm H’Pnhiêng - đứa con gái của họ bị lạc vào rừng năm 1989 khi 13 tuổi (không phải 8 tuổi như thông tin trước đây) lúc đi chăn trâu cùng người em họ (người em sinh năm 1982 đến nay vẫn mất tích).

Dấu vết ban đầu để gia đình nhận ra H’Pnhiêng chính là vết sẹo dài trên tay trái do người em trai Rơ Chăm Khăm Phi gây ra khi hai chị em cùng nghịch dao lúc còn nhỏ.

Kết quả xét nghiệm ADN cũng cho thấy huyết thống giữa H’Pnhiêng và gia đình K’So Lu. Đồng thời, chuyên gia tâm lý học người Tây Ban Nha - GS Hecto Rifa, thuộc Đại học Oviedo, thành viên Tổ chức Các nhà tâm lý học không biên giới - sau khi trực tiếp khám cho H’Pnhiêng khẳng định cô gái “người rừng” này không hề bị bệnh tâm thần.

*

NGUYỄN VIỄN SỰ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên