Bà Anh chỉ cho con trai những hình ảnh của anh khi còn nhỏ - Ảnh: TRƯỜNG ĐĂNG
Từ sáng sớm, bà Lê Thị Anh cứ đi tới đi lui. Hôm nay, bà đón người con lưu lạc của mình. Bà nói cả năm qua bà học tiếng Anh, học xài điện thoại thông minh để nhắn tin nói chuyện với con. "Khác múi giờ nên cứ 2h sáng là tôi dậy gọi điện cho con, hỏi "How are you?" để nghe lõm bõm câu trả lời con thương mẹ, con nhớ mẹ, gửi cho mẹ tấm hình. Nói miết cả năm nay" - bà Anh kể.
Nhưng giờ bà không cần phải nhìn con qua điện thoại nữa. Con bà, Vance McElhinney, đã đứng trước cửa nhà.
Con đã về
Người mẹ khập khiễng đi hai bước thì con đã lao đến. Bà siết chặt con, rối rít hôn lên má, lên trán, nhìn ngắm rồi lại ôm con. Bà nghẹn lời trong nước mắt, cứ dụi mặt vào vai con. Đứa con cũng chỉ biết gọi "mẹ ơi", vỗ về bà. Quy Nhơn những ngày cuối năm se lạnh, nhưng cuộc gặp đã sưởi ấm ngôi nhà.
Bà Anh kéo con lại chỗ cuốn album hình cũ, rót nước cho con uống trước khi kể lại câu chuyện của những tấm ảnh, khi nào con được 8 tháng tuổi, lúc đó mẹ đang chọc con cười. Những giọt nước mắt... Vance cũng không rời mắt khỏi những hình ảnh của mình từ thuở nhỏ chụp cùng mẹ.
"Tôi biết đó là mình, nhưng vẫn cảm thấy lạ lùng vì trước nay tôi chỉ có duy nhất tấm ảnh của mình lúc ở Việt Nam. Tôi muốn biết thêm về mảnh ghép còn thiếu của cuộc đời mình" - anh nói.
Rồi những câu hỏi và trả lời cứ vậy tuôn trào: "Làm sao mẹ nhận ra con?", "Vì con có đôi mắt của mẹ và vầng trán giống cha", "Mẹ có thấy buồn vì mẹ nói mà con không hiểu?", "Mẹ không buồn", "Làm sao mà con lưu lạc?"...
Lần giở những ký ức, bà Anh cho biết bà bị thương nặng, tưởng không qua khỏi ngay trước ngày giải phóng năm 1975. Tình hình loạn lạc, gia đình gửi đứa con 8 tháng tuổi của bà cho một xơ cũng là bà con trong cô nhi viện Ghềnh Ráng cũ. Nhưng chưa kịp hồi phục, bà nghe tin con đã được di tản vào Sài Gòn và đưa ra nước ngoài.
Bà kể sau khi chữa trị vết thương, bà bị suy sụp, có lúc chỉ còn 30kg và phải nằm một chỗ nhiều năm. "Bao nhiêu năm qua tôi sống một mình để dễ bề tìm con. Vừa gặp tai nạn lại mất con, tôi như muốn chết đi nhưng vẫn gắng gượng. Tìm lại đứa con thất lạc là mục đích của cả đời tôi, khó khăn nào tôi cũng đã vượt qua" - bà nói.
Sống một mình, bà chủ yếu dựa vào sự giúp đỡ của anh em, hàng xóm, nhưng có những lúc tủi thân phải nằm viện một mình. Cũng may tai nạn không cướp đi khả năng may vá giúp bà kiếm sống qua ngày.
Bà mẹ quê hỏi thăm khắp nơi, nhưng không thể biết được con mình đang ở đâu trong thế giới rộng lớn này. Dù vậy, bà tin chắc con còn sống. Nghe nói chiến dịch Babylift do Mỹ thực hiện, bà nhờ những người quen nghe ngóng tìm kiếm ở Mỹ.
"Nhưng khi đó con nhỏ quá không thể nhớ được tên, nên chắc có tên khác rồi - bà nói - Tôi cũng từng nghĩ có thể không tìm lại được con, bao nhiêu năm rồi. Nhưng lá rụng về cội, tôi vẫn hi vọng con sẽ tìm về với tôi...". Những giọt nước mắt của bà lại rơi.
Đoàn viên
"Giờ gặp lại con mẹ đã mãn nguyện" - bà Anh nói với con. Ngồi bên cạnh, cậu của Vance, ông Lê Kim Sương cũng mừng cho người chị từ nay đã có con cái chăm sóc.
Vance cho biết anh đã hoàn toàn rũ bỏ những ám ảnh về nguồn cội của mình khi biết rằng mẹ đã tìm kiếm mình suốt thời gian qua.
"Bây giờ tôi cũng bối rối lắm, vẫn đang tìm cách để tiếp nhận mọi thứ. Tôi đã tìm mẹ cả cuộc đời và giờ tôi đang ngồi bên bà. Tôi hiểu nỗi đau của mẹ và tôi muốn kể cho mẹ nghe những gì tôi đã trải qua. Tôi cũng chờ đợi hành trình kế tiếp, tận hưởng cuộc sống có mẹ" - Vance nói.
Anh trấn an mẹ rằng mình cần thêm thời gian sắp xếp lại những suy nghĩ để chuẩn bị chặng đường phía trước.
Còn những điều khác mà Vance phải trăn trở. 43 năm không ở bên mẹ là một khoảng thời gian dài, liệu quá khứ và hiện tại có thể thực sự kết nối với nhau hay không và phải mất bao lâu.
"Chúng tôi trao đổi với nhau rất khó khăn vì phải luôn cần đến người phiên dịch. Tôi chưa biết phải làm sao để thân thiết hơn với mẹ, xây dựng mối quan hệ mẹ con" - Vance nói. Ngoài ra, còn nhiều thứ phải sắp xếp lại.
"Sau những giây phút xúc động, chúng tôi phải sắp xếp lại cuộc sống để gần gũi nhau hơn. Tôi ở Bắc Ireland, còn mẹ tôi sống tại Quy Nhơn. Sau khi báo chí và truyền thông rời đi, chúng tôi sẽ đối mặt những thực tế và thảo luận với nhau làm sao để tốt cho cả hai mẹ con" - anh chia sẻ.
Nước mắt ngày đoàn viên - Ảnh: TRƯỜNG ĐĂNG
Tết bên mẹ
Vance sẽ đón cái Tết đầu tiên với mẹ năm nay. "Tôi biết Tết là dịp đoàn tụ gia đình ở Việt Nam, khi mọi người con tha hương ở mọi miền đất nước đều trở về nhà. Mọi người dành thời gian cho nhau, chơi các trò chơi sau thời gian dài xa cách. Đó cũng là lý do tôi muốn trở về vào thời điểm này trong năm để đón Tết cùng gia đình, không chỉ có mẹ mà còn những người họ hàng mới của mình. Tôi muốn tìm hiểu thêm về văn hóa, phong tục, tôi muốn hòa vào Việt Nam vì tôi là một người Việt Nam" - anh nói và cho biết đã chuẩn bị sẵn áo dài để mặc trong dịp đặc biệt này.
Anh cũng sẽ giới thiệu người yêu với mẹ trong dịp này. Trong những chuyến trở về trước đó, Vance đã trải nghiệm văn hóa của quê hương. Là một đầu bếp bán thời gian ở Anh, Vance tỏ ra ấn tượng với các món ăn Việt Nam.
"Tôi mừng lắm vì sau bao nhiêu năm chúng tôi đã đoàn viên. Tôi muốn đưa con đi chơi, về thăm những chỗ cũ, thăm hết anh chị, cô dì chú bác... để biết mình còn có cả một đại gia đình" - bà Anh nói. Nhưng trong ba tháng tới ở Việt Nam, Vance sẽ đi đi về về một số nơi.
"Vì thực sự bây giờ tôi vẫn còn sốc và cần một số thời gian một mình để có thể tiếp nhận được mọi thứ. Tôi biết mẹ muốn dành nhiều thời gian hơn với tôi nhưng mẹ hiểu" - anh giải thích.
Giằng xé trong lòng người mẹ
Khi hay tin về con mình năm 2016, bà Anh cứ nhìn chăm chăm tấm ảnh của người đàn ông quốc tịch Anh, nhìn mắt, nhìn mũi và khi gặp mặt lần đầu năm 2017 là bà nhận ra ngay đó là con mình. Mừng lắm nhưng cũng sợ con không nhận mình, trách mình bỏ con.
Lần trước gặp, nghe con kể chuyện hồi nhỏ bị bắt nạt vì khác biệt màu da, bà đau "như có ai cắt trong ruột". "Tôi sống ở đây có một mình, nhưng nghĩ lại thì mình còn có anh em giúp đỡ. Thương con phải lưu lạc ở xa, sống với người dưng" - bà nghẹn ngào.
Chăm sóc mẹ là bổn phận của con"
Kế hoạch của Vance là mỗi năm sẽ về nước, ở với mẹ vài tháng rồi trở lại Anh để tiếp tục làm việc và chăm sóc người cha nuôi. Anh cũng muốn mẹ chuyển đến một nơi ở mới trong thành phố Quy Nhơn.
"Mẹ tôi chắc sẽ không muốn dựa dẫm vào con cái. Nhưng tôi muốn chăm sóc bà bởi đó là bổn phận của một người con. Công việc của tôi ở Anh có thể hỗ trợ mẹ về tài chính" - anh nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận