"Cu Theo” (thứ hai từ phải sang) được chụp ảnh cùng Bác Hồ và Bác Tôn cuối năm 1968 - Ảnh tư liệu |
“Trong quá trình công tác của mình, anh Hòa luôn là người có trách nhiệm, có nhiều nỗ lực trong công việc, ở vị trí nào anh cũng hoàn thành tốt nhiệm vụ. Về tính tình, anh hơi “tự do”, phóng khoáng và nhất là luôn thoải mái với anh em! |
Ông Nguyễn Văn Cường, nguyên phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế |
Ông là “cu Theo” - Nguyễn Văn Hòa, nhân vật trong bài thơ Chuyện em Hòa (Chuyện em...) của Tố Hữu có trong sách giáo khoa cấp I một thời và nhiều thế hệ thuộc nằm lòng.
Biến sỏi đá thành vườn tược
“Cứ đi vô trong xa, qua hai ngọn đồi, hỏi nhà ông Hòa cu Theo thì ai cũng biết!”, một người đàn ông nhanh nhẩu chỉ nhà, cho dù nơi hỏi cách nơi cần tìm không dưới hai cây số. Ngôi nhà ông Hòa ở giữa một khu vườn rất rộng, mượt xanh thuộc làng Xuân Chánh, xã Thủy Dương, thị xã Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Khi chúng tôi đến, ông đang lúi húi trước mấy chuồng gà, châm thức ăn, nước uống và nhặt trứng... Người ướt đẫm mồ hôi, ông cho biết vừa chăm cả vườn rau phía sau. Rau ông trồng rất nhiều loại, tốt xanh. Có rất nhiều cây ăn trái như cam, ổi, mít, hồng xiêm... Khu vườn được ông quây lưới xung quanh, bên trong thả rất nhiều loại gà, vịt và ngan.
Ông khoe vừa thả nuôi thử loại gà giống mới nguồn gốc từ đất Bắc. “Rau thì nhiều loại, trứng cũng rứa. Hai vợ chồng tui ăn ít, nhiều thứ chủ yếu cung cấp cho hai đứa con trên Huế!” - ông nói.
Mấy năm trước, khi còn công tác ở Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế, ông đã nghĩ đến viễn cảnh: “Hai vợ chồng già khi về hưu ở trong căn nhà phố, con cái đi làm là đóng sầm cửa lại, đẩy ổ khóa cái cạch, nhốt như trong lồng chim!”.
Tính vốn thích vườn tược, thói quen làm luôn tay và cũng để “giải phóng” cho con cái, ông về quê mua đất lập vườn. Ông chọn khu đất đồi, toàn sỏi đá cằn khô để có giá rẻ, ít tiền mà mua được.
Sau hồi hưu, ngôi nhà hai căn ở Huế ông san đều cho con trai và con gái. Con trai của ông là Nguyễn Duy Cường, hiện đang là phó bí thư Tỉnh đoàn Thừa Thiên - Huế. Còn con gái là Nguyễn Thị Phương Dung đang công tác tại Công an TP Huế.
Ông cùng vợ thu dọn về quê làm vườn. Để cải tạo vườn, ông mua từng xe đất bồi khỏa lên từng đám sỏi. Ròng rã hai năm trời, khu vườn rộng cũng được khỏa đều đất bồi. Chỗ đất dày và bằng phẳng thì trồng rau. Nơi cao thì quây lưới, vừa trồng cây ăn trái vừa chăn thả gia cầm.
Nhìn căn nhà của ông Hòa là đoán biết tấm lòng rộng mở của chủ nhân. Cạnh ngôi nhà trệt ba gian làm nơi ở chính, ông xây riêng một gian nhà thoáng rộng, không có cửa, được trang bị đầy đủ dụng cụ trà nước, có cả chỗ làm bếp. Đó chính là nơi ông tiếp khách, đủ chỗ tiệc tùng cho hơn chục người.
Ngoài chăm bón ở vườn, mái “nhà khách” này cũng chiếm phần lớn thời gian trong ngày của ông. “Quanh đây hễ ai bắt được con cá ngon là a lô, nấu xong đem tới. Tui có xị rượu ngon hoặc chai bia đem ra, rứa là xong một buổi. Cũng nhờ rứa mà tui học được đủ thứ, nhất là nghề vườn và chăn nuôi, mỗi người họ chia sẻ kinh nghiệm một tí. Cũng nhờ rứa mà cái nghề nông thấm dần vô máu, thuần thục khi mô không hay. Mà điều tui vui hơn nữa, dù mình “về vườn” lâu rồi mà anh em thuộc cấp có, bạn bè có, rất năng lui tới!” - ông cười sảng khoái.
Nhờ bài thơ mà tìm được cha
Ngồi chuyện trò dưới mái “nhà khách”, trời tối sầm lúc nào không hay. Đèn điện bật sáng, ba bức ảnh cũ được phóng lớn nổi lên ở vị trí trang trọng của bức tường. Nội dung cả ba bức ảnh là nhóm thiếu niên chụp với Bác Hồ.
Ông Hòa cho biết đó cũng là ba lần mà ông vinh dự được gặp Bác. Lần đầu tiên vào ngày 4-9-1968, bức ảnh cu Theo đứng ngay bên phải của Bác. Bức thứ hai chụp trong lần thứ hai gặp Bác, lúc ấy có cả Bác Tôn. Bức thứ ba đúng vào dịp phái đoàn Cuba sang thăm miền Bắc XHCN...
Ông kể: cha ông tập kết ra Bắc khi ông mới 1 tuổi, để lại mấy mẹ con ở quê, bị địch dồn vô ấp chiến lược nên từ nhỏ đã quen mùi thuốc súng. Lớn lên, 12 tuổi, cu Theo đã làm đội trưởng Đội thiếu niên của xã, thường đi vận động người dân không theo địch và tham gia đội du kích...
Liên tiếp trong hai năm 1966 và 1967, ông lập công lớn và được tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ. Đến năm 1968, “cu Theo” cùng ba thiếu niên khác vinh dự được chọn vượt Trường Sơn ra Bắc thăm Bác Hồ. Trong lần đầu tiên cùng Đội thiếu niên tiền phong vào Phủ chủ tịch, Bác đã hỏi về nguyện vọng từng cháu.
Đến lượt mình, cu Theo nói có nguyện vọng nhờ Bác giúp tìm gặp được cha. Bác hỏi về tên tuổi, đơn vị của cha thì cu Theo không biết, nên đã quay sang nhờ nhà thơ Tố Hữu giúp cu Theo. Thông qua khai thác tỉ mỉ câu chuyện, bài thơ Chuyện em Hòa ra đời, gồm nhiều chi tiết rất cụ thể, về hoàn cảnh gia đình, thành tích chiến đấu và cả ước nguyện được gặp cha. Bài thơ được đăng trên báo Nhân Dân lúc ấy.
Chừng 10 ngày sau, cu Theo nhận được tin cha cậu làm ở Huyện ủy Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Và hai cha con được tạo điều kiện gặp nhau tại Hà Nội... “Dù đã mấy chục năm nhưng tôi vẫn nhớ như in cái cảm giác sung sướng vô cùng khi được gặp người cha mà mình không còn nhớ mặt. Bài thơ “tìm bố” ấy quả vô cùng kỳ diệu và đặc biệt đối với đời tôi!” - ông nói.
Ở miền Bắc, cu Theo học từ lớp 1 học lên, sau đó chuyển sang Học viện quân sự, rồi Học viện chính trị. Ông bén duyên với người vợ Lê Thị Chắt những năm sau 1975, trong một chuyến về Nghệ An thăm nhà người anh kết nghĩa (sau này trở thành anh vợ). Năm 1977, ông chuyển ngành, trở về quê Hương Thủy làm cán bộ huyện. Lên đến chức phó bí thư Huyện ủy Hương Thủy, ông được chuyển lên tỉnh làm phó trưởng Ban tổ chức Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế cho đến khi về hưu.
Bài thơ Chuyện em Hòa của Tố Hữu (trích) “Tên em là Nguyễn Văn Hòa/ Mẹ em thường gọi em là cu Theo/ Cha đi tập kết. Nhà nghèo/ Sớm khuya tay mẹ chống chèo nuôi con... Tuổi mười bốn những ước ao/ Buổi đầu cầm súng biết bao là mừng/ Mẹ ơi, súng đẹp quá chừng!/ Con đi đánh giặc, mẹ đừng lo chi/ Mẹ cười: Thiệt giống cha mi/ Chẳng ăn chi cả, cứ đi đánh hoài!/ Sớm hôm, củ sắn củ khoai/ Khi đi trinh sát, khi gài mìn chông/ Khi ra xung trận giữa đồng/ Khi lăn dưới lửa, thoát vòng giặc vây/ Súng này càng đánh càng hay/ Một tay em chấp mười tay quân thù...”. Nhờ bài thơ này cu Theo được gặp cha và ở với cha một tháng. Đến sau năm 1975 cha ông mới về lại quê nhà và qua đời sau đó năm năm. |
3 điều chưa được Trải qua giai đoạn chiến tranh, gần 40 năm làm việc trong thời bình và sau hơn hai năm “về vườn”, ông có dịp kiểm lại đời mình nghiêm túc và thấu đáo. Ông cho biết trong đời có ít nhất ba điều mà ông cảm thấy ân hận. Thứ nhất là hồi còn trẻ trong chiến tranh, những lần diệt “ác ôn” thời chế độ cũ, ông đã không kiểm soát được “tên rơi đạn lạc”, không thể tránh gây những cái chết oan cho người thân. Cu Theo hồi ấy không hề cố tình, nhưng những cái chết oan dù trong chiến tranh cũng trở thành điều quá đáng tiếc. Việc thứ hai, đó là “lẽ ra mình có thể mềm hơn một chút để dễ thở hơn cho đồng chí, đồng đội và những người làm quan”. Trong thời gian làm phó Ban tổ chức Tỉnh ủy, ông làm rất “thẳng” ở chức trách của mình. Một số hồ sơ có “lời ra tiếng vào” liên quan đến tình cảm hay lý lịch, quan hệ, thậm chí có khi chỉ là tin đồn, xác minh chưa thực sự rốt ráo nhưng ông đều làm “thẳng và gắt quá”. Điều này khiến một số đồng chí, đồng đội chịu cảnh thiệt thòi. Còn điều thứ ba là: “Lẽ ra tôi cố gắng làm việc, tu dưỡng hơn nữa thì chức vụ sẽ cao hơn, để khi về vườn lương hưu nhiều hơn, đỡ đần được cho vợ con! Nhưng thời gian không còn quay trở lại nữa rồi...”. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận