Một chuyện buồn nhưng có hậu về người mẹ cố vượt qua bạo bệnh, phải sống để con mình được chào đời.
Xuyên qua con đường dọc sông Phước Giang, chúng tôi tìm đến xã Hành Dũng, huyện Nghĩa Hành, Quảng Ngãi. Hỏi nhà bé Kỳ Tích, bà hàng xóm chỉ đường rồi thở dài nói: "Mẹ mất, rồi bà ngoại cũng mất luôn, giờ hai ông cháu nương tựa vào nhau".
Nương cả vào ông ngoại
Nhà ông Lê Hải - ông ngoại Kỳ Tích - hướng ra sông Phước Giang, từ ngoài sân đã nghe tiếng trẻ thơ bi bô: "Ngoại ơi, rau mồng tơi là rau gì, tại sao lại nấu mồng tơi với thịt bò...". Người ông từ tốn giải thích, tiếng ông cháu hòa cùng tiếng máy xay cháo.
Cháo xay xong, ông Hải cõng cháu ra sân đút từng thìa. Kỳ Tích tỏ ra khó nuốt, ông ngoại phải dỗ dành. Ăn được nửa chén, Kỳ Tích nói với ông: "Cháu không ăn được nữa". Ông Hải cẩn thận hỏi cháu thấy mệt ở đâu, rồi sờ tay vào bụng hỏi cháu có đau không.
Kỳ Tích lắc đầu nói: "Cháu chỉ thấy buồn nôn". Mấy ngày trước, ông đưa cháu đi khám, bác sĩ nói men tiêu hóa bé không ổn, chỉ cần bổ sung men sẽ dần ổn.
Bé sinh thiếu tháng, mẹ lại mang bạo bệnh suốt thai kỳ nên từ khi sinh ra Kỳ Tích đã có nhiều khiếm khuyết so với trẻ bình thường. Bác sĩ đã nói với ông Hải vấn đề này, Kỳ Tích nhanh nhất phải đến 7 tuổi mới hoàn thiện hệ hô hấp, tiêu hóa...
Ngồi một lúc, Kỳ Tích rời khỏi vòng tay ông, chạy vào nhà lấy hộp sữa uống. Cô bé lanh lợi hơn so với nhiều trẻ cùng tuổi. Ông Hải nói rằng sức khỏe yếu, bù lại bé nhớ rất nhanh. Dù chưa đi học ngày nào nhưng có thể đọc vanh vách hết chữ cái và đếm số từ 1 đến 100.
"Kỳ Tích thông minh và ngoan lắm, ai cho gì cũng lễ phép cảm ơn. Bé qua nhà hàng xóm chơi muốn lấy gì đều xin phép, người lớn cho mới cầm chơi, trong xóm ai cũng thương", ông Hải trìu mến kể. Xóm nhỏ sống không giàu có để cho cháu nhiều vật chất, nhưng bù lại là sự thương yêu.
Nhắc về cuộc đời cháu, ông Hải ngấn lệ kể Tú Cẩm - con gái ông - đã phải đánh đổi mạng sống để sinh Kỳ Tích. Tám tháng sau khi sinh, cô tạ từ trần thế. Trước khi vĩnh biệt con, Cẩm đặt tên con là Thanh Xuân với mong muốn sẽ có cuộc đời tươi đẹp hơn mình.
"Đó cũng là lý do mà mọi người gọi Kỳ Tích là bé Gấu. Ai cũng muốn cháu có một tuổi thơ trọn vẹn, mạnh mẽ vượt qua khó khăn, khi nào cháu lớn thêm sẽ dần hiểu những gì đã trải qua như một lẽ tự nhiên sẽ tốt hơn lúc này kể cho cháu nghe", ông Hải tâm tình.
Suốt buổi trò chuyện, mỗi khi nhắc đến mẹ và bà ngoại, bé lại tìm đến vòng tay ông ngoại. Cuối năm 2021, bà Thu - ngoại Kỳ Tích - đột ngột qua đời. Lần đó, bà Thu dẫn cháu đi thể dục trước nhà cùng hàng xóm, đến 20h hai bà cháu về, cả nhà quây quần nô đùa.
Đến 21h, bà Thu đưa cháu vào phòng ngủ, được một lúc ông Hải nghe tiếng Kỳ Tích khóc, ông ngồi ngoài sân nói vọng vào "ngủ đi con", rồi cháu im lặng.
Một lúc sau cháu lại khóc, ông Hải nói: "Ngủ đi, mai ông ngoại dẫn đi mua bóng bay". Kỳ Tích ư ử một chút rồi không nghe gì, ông Hải nghĩ bụng bà cháu ngủ rồi. Nửa đêm, ông vào phòng xem cháu ngủ ngon không, thấy tay bà Thu gác lên người cháu thì vỗ bà Thu hỏi: "Sao gác tay lên người cháu vậy".
Bà không trả lời, ông lay bà vẫn không được. Hoảng hốt, ông bật điện, gọi con trai và hàng xóm, nhưng tất cả đã muộn!
Mãi cười là ông ngoại vui rồi
Ông Hải giờ làm ông, làm bà và làm mẹ để bù đắp cho cháu. Từ ngày bà Thu mất, ông Hải cũng bỏ nhiều công việc để dành toàn bộ thời gian cho cháu. Bây giờ, hai ông cháu sống nhờ vào 400.000 đồng/tháng và hai sào ruộng.
Số tiền "yêu thương" của Hội Phụ nữ xã Hành Dũng và Công an huyện Nghĩa Hành hỗ trợ với hai ông cháu là số tiền rất ý nghĩa lúc khó khăn. Ông Hải biết ơn vì điều đó.
Đang trò chuyện thì Kỳ Tích chạy vào nhà mang ra một túi ni lông, ông Hải hiểu ý cháu liền mở ra. Bên trong là hình ảnh ghi lại hành trình từ khi Tú Cẩm mang bạo bệnh, những tháng ngày không dùng kháng sinh điều trị để giữ con, lúc Kỳ Tích chào đời... Ông Hải bảo tối nào Kỳ Tích cũng lấy ra rồi chỉ từng hình nói: "Đây là Gấu, đây là mẹ, đây là bà ngoại".
Đang xem hình, Kỳ Tích nở nụ cười nói với ông: "Mẹ và bà ngoại thương con lắm, con biết ơn lắm". Thú thật, lúc bé nói, tôi cũng sững người bởi bé còn quá nhỏ mà hiểu chuyện đến vậy. Tôi hỏi ông Hải: "Ai chỉ cho cháu nói vậy chú?".
Ông Hải bảo không ai chỉ cả, những người hàng xóm tốt bụng mỗi lần chơi cùng thường nói "Gấu ngoan, ăn khỏe chóng lớn cho mẹ và bà vui, bà và mẹ thương Gấu lắm". Thế là trong tâm trí non nớt của Kỳ Tích hình thành một cảm nhận đơn sơ về mẹ và bà. "Có lần tôi hỏi thương là sao, cháu giải thích "thương là như ông ngoại với bà Năm, bà Mười thương con".
Kỳ Tích đã 5 tuổi, mỗi ngày vẫn luôn nở nụ cười, ông Hải cũng chỉ mong có vậy. Ở tuổi 60, ông ngoại mong sức khỏe còn đủ để lo cho cháu. Niềm an ủi lớn nhất của ông là mỗi năm có vài lần ông bà nội Kỳ Tích ghé nhà thăm, lần gần nhất mang theo thịt heo bảo ông Hải nấu cháo cho cháu và dẫn chị của Kỳ Tích đến thăm em.
Ông Hải vừa kể đến đó Kỳ Tích tỏ vẻ thích thú và nói chen vào: "Chị hai tên Thanh Nhàn, Gấu là Thanh Xuân. Chị hai đi học rồi, khi nào Gấu lớn, Gấu cũng đi học như chị". Ông Hải cười, vỗ về cháu.
Điều ông đượm buồn và mong mỏi là vài năm nữa con rể sẽ cảm nhận đủ đầy tình cha con và về bên cạnh Kỳ Tích. Trong lòng ông Hải không hề trách cứ chuyện con rể với vợ, với Kỳ Tích. Với ông, những gì xảy ra không quay lại được, cần nhất là tình yêu thương dành cho Kỳ Tích. "Tôi mong cháu có thêm yêu thương, mãi cười là ông ngoại vui rồi", ông Hải xúc động nói.
Biết ơn và nỗi lo
5 năm đã trôi qua, ông Hải vẫn gửi lời cảm ơn đến mọi người đã dõi theo và giúp đỡ cho hành trình Tú Cẩm sinh Kỳ Tích. Lúc Kỳ Tích đạp xe chạy vòng quanh sân cùng nụ cười rạng rỡ, ông Hải bảo rằng nếu không có những sự giúp đỡ của y bác sĩ và các tấm lòng thì thật khó để Kỳ Tích có mặt trên đời.
Bây giờ, ông ngoại bé có một nỗi lo lớn là ngực của cháu bị lõm sâu, tròng mắt bị lệch. Ông Hải thú thật là nhiều lần muốn đưa cháu đi khám tổng quát nhưng nhà cạn tiền. Chính ông cũng vừa phát hiện khối u trong não cần can thiệp y khoa, nhưng ông cũng từ chối vì không có tiền. May sao bác sĩ khám xác định là u lành.
"Tôi chỉ mong có tiền khám tổng quát xem cháu bị gì và điều trị sớm cho cháu. Với hoàn cảnh hiện tại đành bất lực. Mong trời thương, cháu lớn lên, cơ thể tự hoàn thiện những khiếm khuyết hiện tại", ông Hải nói.
Mẹ phải sống để con được chào đời
Tháng 1-2018, chị Tú Cẩm phát hiện bị bệnh co cơ tủy tiến triển - một loại bệnh hiếm gặp, không có thuốc đặc trị. Khi bị bệnh, hôn nhân tan vỡ, cùng lúc cô phát hiện mình có thai.
Bác sĩ khuyên bỏ con để trị bệnh, Cẩm kiên quyết không bỏ con. Hành trình cô chuyển viện Quảng Ngãi - Đà Nẵng - Chợ Rẫy, rồi về lại Quảng Ngãi, ra Đà Nẵng với nhiều lần chết lâm sàng. Vì con, Cẩm đã vượt qua những lần thập tử nhất sinh.
Tối 13-8-2018, Cẩm hạ sinh con gái ở Bệnh viện Đà Nẵng trong niềm hạnh phúc vô bờ của tất cả.
Ông Huỳnh Đức Thơ, lúc đó là chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, sau khi đọc bài "Vượt qua cái chết, Kỳ Tích ra đời" đăng trên báo Tuổi Trẻ ngày 17-8-2018 đã xúc động viết bức thư gửi đến mẹ con Tú Cẩm, bác sĩ và báo Tuổi Trẻ về câu chuyện này.
Nhưng rồi 8 tháng sau sinh con, Tú Cẩm đã qua đời. Trước khi mất, Cẩm mong đặt tên con là Thanh Xuân thay vì Kỳ Tích như mong muốn ban đầu. Cô mong con sẽ có cuộc đời thật tươi đẹp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận