Sáng 4-3, buổi nói chuyện chuyên đề Việt Nam trong mắt cựu phóng viên chiến trường Ishikawa Bunyo diễn ra tại hội trường Văn khoa, Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia TP.HCM).
Sự kiện thuộc chuỗi hoạt động kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản, do khoa báo chí và truyền thông phối hợp khoa Nhật Bản học của trường tổ chức.
Ở chiến trường người ta không nghĩ đến cuộc đời của đối phương
Trong khán phòng đối thoại với sinh viên, cựu phóng viên chiến trường Ishikawa Bunyo chống gậy bước lên sân khấu để bắt đầu cuộc trò chuyện. Ông nói năm nay mình 86 tuổi, nên phải chống gậy để bước đi.
Tuy vậy ông vẫn không quên việc cầm theo chiếc máy ảnh và đi xung quanh khán phòng chụp những khoảnh khắc đáng nhớ của buổi giao lưu.
Ông Ishikawa Bunyo đến miền Nam Việt Nam trong vai trò phóng viên ảnh. Ông sống và làm việc tại đây từ đầu năm 1965. Phòng trọ của ông Ishikawa ở Sài Gòn.
"Tôi là một ký giả tự do, tự bỏ chi phí để đi tác nghiệp. Vì không có tiền nên tôi đã mượn một phòng ở nhà của người Việt Nam biết nói tiếng Nhật.
Nhà vệ sinh, phòng tắm dùng chung với gia đình chủ nhà. Tôi xách nước về để tắm. Tiền ăn một tháng là 30 đô la" - ông kể về giai đoạn mới đến Việt Nam.
Dấu chân của ông đi qua những nơi tàn khốc nhất trong cuộc chiến tranh. Ông đã ghi lại nhiều khoảnh khắc của người dân trong chiến tranh.
Có lần, bắt gặp khoảnh khắc những người lính Mỹ đang cười trước cái chết của những người lính du kích Việt Nam, ông đã chụp lại.
Ông Ishikawa Bunyo bày tỏ suy nghĩ: "Người lính du kích bị giết cũng có cuộc đời, có gia đình của họ. Nhưng ở chiến trường, người ta không nghĩ gì đến cuộc đời của đối phương".
Ông cũng là một trong những phóng viên chiến trường hiếm hoi có thể đến và tác nghiệp được ở cả miền Bắc và miền Nam Việt Nam trong chiến tranh.
Hòa bình, sinh mạng là những điều rất quý giá
Chủ đề trong những bức ảnh của ông Ishikawa đa số là con người, đặc biệt là những đứa trẻ.
Lý giải điều này, ông nói: "Trong chiến tranh có rất nhiều người phải nằm xuống. Người lớn hy sinh và họ để lại những đứa bé. Người dân ngày đó thường phải chứng kiến cảnh ai đó trong số những người thân của mình bị thương hoặc ra đi vì chiến tranh.
Tôi muốn truyền tải một điều rằng sinh mạng là thứ rất quý giá. Hòa bình cũng vậy.
Với tôi, hòa bình chỉ đơn giản là khi con người ta có thể sống một cuộc sống bình thường như: đi học, đi làm, đọc sách, làm nông...".
Trò chuyện cùng sinh viên Việt Nam, ông Ishikawa bày tỏ: "Người trẻ Việt Nam và Nhật Bản đều nên biết chiến tranh là gì, nó đã từng diễn ra như thế nào. Biết để mà trân quý giá trị của hòa bình hôm nay".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận