Bộ ảnh cưới của tác giả Hai Le Cao chụp hai ông bà Nguyễn Văn Thành (80 tuổi) và Nguyễn Thị Thủy (78 tuổi). |
Gương mặt chằng chịt nhăn nheo, tấm lưng mỏi rệu rã nhưng nụ cười hạnh phúc ấy khó mà tìm ở đâu được.
47 năm về chung một nhà
Từ cầu Long Biên theo bậc tam cấp để xuống gầm cầu, anh công nhân tên Quang của đội thợ sửa chữa cầu Long Biên nghe hỏi thăm ông Thành, bà Thủy nhiệt tình dẫn đường. Men theo con đường mòn hun hút mới đến sát được mép sông, nơi có duy nhất một chiếc bè nổi dập dềnh.
“Bố ơi, có khách này!”, anh Quang gọi toáng lên. Người đàn ông tóc luống bạc lúi húi chạy ra, nói to: “Đợi bố bắc cầu rồi vào”. Nói rồi ông dùng tấm ván gác lên bờ làm cầu.
Có khách đến thăm, người phụ nữ dáng người bé tẹo, lom khom ra đón. Thân tình như đã gặp lâu lắm, ông bà rổn rảng chuyện trò. Ông là Nguyễn Văn Thành (80 tuổi), còn bà là Nguyễn Thị Thủy (78 tuổi).
Khi được hỏi về những tấm ảnh cưới trước đó, bà cười ngại ngùng: “Ôi dào, cưới xin gì. Năn nỉ mãi ông bà mới chụp đấy. Ảnh các cháu nó đến chơi nó xin cả rồi”.
Theo lời đôi vợ chồng già, đến nay họ đã sống với nhau được 47 năm. “Trước đây, quê ông ở miền Trung. Ông ra Hà Nội ngày mới 10 tuổi, lúc ấy chả nhớ gì. Ra đây ông đi lung tung lang tang khắp mọi nơi. Ông gặp bà năm ông ngoài 20 tuổi.
Bà dạt về đây cũng một thân một mình đi nhặt rác. Hai ông bà gặp rồi về ở với nhau năm 1969”, ông Thành kể về cuộc tình 47 năm của mình bằng vài lời tối giản như thế. Để ghi nhớ cái ngày về góp gạo thổi cơm chung ấy, ông khắc lên cánh tay dòng số “26.9.1969”.
Ảnh cưới của hai ông bà gây sốt và được giới trẻ yêu thích khi lan truyền trên mạng xã hội đầu năm 2016 |
Những món quà cóp nhặt
Mang tiếng về chung một nhà nhưng làm gì có nhà để về. Ban ngày họ dắt díu nhau đi nhặt đồng nát (nhặt rác). Tối về ra bờ sông nấu nướng ăn rồi tìm các hiên trên chợ Đồng Xuân, gầm cầu để ngủ.
Mãi 4 năm nay, hai ông bà mới về dựng bè ở bãi giữa sông Hồng. Chỉ căn nhà đủ cho vài ba người ngồi, xung quanh được thưng vá bằng gỗ, bạt, ông Thành khoe:
“Trước đây ông nhặt nhạnh manh chiếu manh mung, tre về làm. Chiếu chăn bà giắt vào lung tung rồi cũng có chỗ ở. Sau này các cháu thương nó giúp đỡ mới có cái bè chắc chắn thế này”.
Căn nhà bé nhưng rất gọn gàng, sạch sẽ ấy có mỗi chiếc tủ. Ông Thành tiết lộ nguồn gốc: “Có nhà kia họ thay tủ, họ cho. Ông tháo hết ra đưa về rồi lắp toàn bộ. “Tha” về nặng lắm nhưng có cái bà để quần áo cho nó gọn”. Lâu lâu, ông cũng có những món quà như vậy tặng bà từ việc đi lượm rác mỗi tối.
Hai ông bà sống bên sông |
Ở tuổi 80, ông Thành đã lãng tai, lúc không nghe được bà lại làm phiên dịch cho ông. Tuy nhiên ông chẳng mấy ốm đau, đi lại vẫn nhanh nhẹn.
Ban ngày ông đi loanh quanh nhặt nhạnh tấm ván, khúc cây về sửa cái này, cái kia. Tối sau khi ăn cơm bà nấu, ông lại xách bao, đạp xe vào trong phố lượm ve chai, đến sáng lại về.
“Từ ngày có cái bè, nắng mưa không lo nữa. Giờ thì đi nhặt phế liệu mua gạo, mắm mà ăn thôi”, ông Thành lạc quan.
Bà Thủy vẫn minh mẫn nhưng xương khớp lỏng lẻo, dáng đi đã lụm khụm. Do đó, 4 năm nay ông bảo bà ở nhà nghỉ, chỉ lo cơm nước, còn lại ông lo hết.
Ông bà kể sống dưới bãi sông cũng buồn, cuộc sống như tách biệt với thế giới nhộn nhịp ngoài kia. Nhưng buổi chiều, người dân đổ ra đây tắm rất đông, ông bà có người trò chuyện. Nhiều người thương quý gọi ông bà là bố, mẹ.
Bà nóng tính nhưng thương và chiều chồng. Ở với nhau gần 50 năm, cũng có những lúc cãi cọ nhưng cả hai đều nhịn đi mà sống. Ông Thành bộc bạch giờ còn sống được với nhau lúc nào hay lúc đó, chết thì chẳng sợ đâu, chỉ lo người nào đi sau sẽ cô đơn.
Cả đời chỉ biết đến rác, khi được hỏi mấy chục năm sống ở Hà Nội, ông bà có bao giờ đi đâu không? Bà cười vang: “Có đi ra bờ hồ... nhặt rác”. Người lạ gặp thường ấn tượng về bà vì có “điệu cười cười ha ha” rất sảng khoái như vậy, nghe là quên hết mệt mỏi. Bà bảo sống được bao nhiêu, nên tội gì không vui vẻ. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận