Dị vật nằm tại phế quản của bệnh nhân đã lâu ngày, gây viêm và áp xe, có thể gây chảy máu nhiều, suy hô hấp - Ảnh: Bác sĩ cung cấp
Ngày 21-7, TS.BS Nguyễn Hải Công - trưởng khoa lao và bệnh phổi Bệnh viện Quân y 175 (TP.HCM) - cho biết vừa gắp thành công một dị vật có kích thước khá lớn cho cụ ông T.Đ.C., 83 tuổi.
Theo chia sẻ của bệnh nhân, suốt 10 tháng nay, cứ sau khi ăn uống thì bệnh nhân bị hít sặc. Bệnh nhân cũng xuất hiện ho nhiều kéo dài, kèm khó thở nhẹ, sốt, gầy sút cân, tức nhẹ ngực phải.
Qua thăm khám, điều trị tại nhiều bệnh viện, bệnh nhân được chẩn đoán viêm phế quản mạn tính, viêm phổi hậu COVID-19. Dù được điều trị thuốc theo toa bác sĩ nhưng tình trạng bệnh vẫn không đỡ.
Nhập viện tại khoa lao và bệnh phổi, bệnh nhân được làm các xét nghiệm tầm soát. Qua chụp CT ngực có hình ảnh viêm thùy dưới phổi phải, tràn dịch màng phổi phải, cấu trúc cản quang. Các bác sĩ nghi dị vật đậm độ cao tại vị trí ngã ba nhánh phế quản thùy giữa - dưới phổi phải.
Ngày 20-7, bệnh nhân được thực hiện nội soi phế quản ống mềm do TS.BS Nguyễn Hải Công trực tiếp chỉ đạo, phát hiện dị vật lớn khả năng là xương ở vị trí phế quản thùy dưới phổi phải, gây viêm, áp xe hóa mủ, nhiều giả mạc và tổ chức hạt phát triển bao phủ xung quanh, dễ chảy máu.
Kíp nội soi tiến hành gắp dị vật bằng kìm có mấu thành công, thủ thuật an toàn. Dị vật được gắp ra có nhiều cạnh sắc nhọn, khả năng xương lợn, kích thước khoảng 3x2cm. Sau gắp bỏ dị vật, bệnh nhân đỡ khó thở, đỡ tức ngực, còn ho ít.
TS.BS Công cho biết thêm, dị vật đường thở do sặc, hít trong quá trình ăn uống ở người cao tuổi không phải là hiếm gặp. Tuy nhiên, việc lấy dị vật phế quản lớn, đã lâu ngày và trên nền bệnh viêm phế quản mạn tính, viêm phổi hậu COVID-19, gây viêm, áp xe hóa phổi như trên là hiếm gặp, có nguy cơ chảy máu nhiều và suy hô hấp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận