Trong trường học còn có giám thị, chung cư và bệnh viện có bảo vệ. Tuy nhiên nếu chờ họ tới có khi sẽ muộn để can ngăn một vụ bạo lực. Ở các bệnh viện, camera quan sát đã trang bị khá đủ, nhất là khu vực phòng cấp cứu luôn được ưu tiên.
Người gây hấn cũng thừa biết nhất cử nhất động đều bị ghi hình. Dẫu vậy, trong lúc nóng ruột, thiếu kiềm chế, bị kích động, bệnh nhân hoặc người nhà phản ứng tiêu cực với y bác sĩ vẫn không hiếm gặp.
Những sự việc tương tự ở Bệnh viện quận 7 (TP.HCM) vừa qua đã từng xảy ra ở các bệnh viện và không ai dám chắc sẽ không lặp lại. Chuyện lời qua tiếng lại, sự hiểu lầm, mâu thuẫn nhỏ, do chưa được hòa giải kịp thời sẽ có nguy cơ bùng phát thành xung đột nếu không được cắt cơn hung nộ kịp thời.
Có nhiều lý do khiến nhân viên y tế rất "ngại" trực ở khoa cấp cứu. Căng thẳng, áp lực chuyên môn dĩ nhiên luôn phải có, song đáng buồn hơn vẫn là một số "thượng đế" không hiểu và thông cảm.
Tại các bệnh viện tuyến quận, mỗi ca trực ở phòng cấp cứu chỉ có một bác sĩ, trăm dâu đổ đầu tằm, mọi việc thăm khám, chỉ định thực hiện các hình thức xét nghiệm, chẩn đoán đều đến tay kíp trực và trách nhiệm nặng nề với bác sĩ.
Trong hoàn cảnh ai cũng nóng lòng được khám ngay, chữa nhanh, muốn thỏa mãn yêu cầu của mình trước bệnh nhân khác trong khi y bác sĩ đang như con thoi giữa những ca bệnh, rất cần sự cảm thông, chia sẻ bởi họ phải phân loại bệnh theo mức nặng nhẹ, nguy hiểm đến tính mạng và tất nhiên có cả độ tuổi bệnh nhân.
Trình tự ở rất khác với chuyện xếp hàng theo thứ tự khi khám tổng quát.
Mọi việc đều cần có hai chiều. Dù bận rộn nhưng kíp trực cũng nên bố trí một người nhẹ nhàng giải thích, động viên tinh thần người bệnh và thân nhân. Chủ động ứng phó, xử trí hợp tình hợp lý sẽ mang lại hiệu quả nhanh hơn.
Ngôn phong, tác phong đúng mực với bệnh nhân sẽ giúp gia tăng thiện cảm, mức độ hài lòng. Cũng chẳng phải việc quá sức, đôi khi chỉ cần cái gật đầu thân thiện của anh bảo vệ, chị quản lý nhà giữ xe, lời chào, lời cảm ơn của các y công cũng đủ khiến bệnh nhân mát lòng.
Chuyện bất bình, xô xát không ai muốn nhưng vẫn có thể xảy ra ở nơi ai cũng căng thẳng và mệt mỏi. Không riêng chuyện ở phòng cấp cứu bệnh viện mà ở những nơi đông người, khi có bạo lực rất cần sự can ngăn kịp thời của những người có mặt.
Có một thực tế đáng buồn là nhiều người gặp tai nạn giữa đường hoặc gặp cảnh có người bị tấn công, nhiều người chọn cách chỉ đứng xem (có khi quay clip gửi cho người khác cùng xem).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận