23/12/2022 15:14 GMT+7

Gạo thơm vượt 1.000 USD/tấn, xuất khẩu gạo Việt Nam đạt kỷ lục 7 triệu tấn

THẢO THƯƠNG
THẢO THƯƠNG

Dù thị trường thế giới có nhiều biến động, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dự kiến năm 2022, gạo Việt Nam xuất khẩu đạt 7 triệu tấn, trị giá gần 4 tỉ USD. Đây là kim ngạch cao nhất sau 15 năm, tiếp tục là hàng nông sản xuất khẩu tỉ đô.

Gạo thơm vượt 1.000 USD/tấn, xuất khẩu gạo Việt Nam đạt kỷ lục 7 triệu tấn - Ảnh 1.

Một loại gạo Việt Nam xuất khẩu được trưng bày trong một hội thi về gạo ngon năm 2022 - Ảnh: THẢO THƯƠNG

Hết tháng 11-2022, khối lượng gạo xuất khẩu ước đạt 600.000 tấn với giá trị 296 triệu USD, đưa tổng khối lượng và giá trị xuất khẩu gạo trong 11 tháng của năm 2022 đạt lần lượt 6,69 triệu tấn và 3,24 tỉ USD (tăng 6,9% so với cùng kỳ 2021).

Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), tháng 11, giá gạo Việt Nam xuất khẩu tăng trung bình khoảng 30 USD/tấn so với thời điểm Ấn Độ ban hành chính sách hạn chế xuất khẩu gạo. 

"Thị trường thế giới biến động, có ảnh hưởng của chính trị, kéo theo nhu cầu lương thực tăng cao. Nên chắc chắn gạo Việt xuất đi các nước sẽ neo ở mức cao, thậm chí còn hơn các năm ở những thời điểm quyết định. 

Hơn nữa, vì kinh tế biến động, các doanh nghiệp không để mình bị động, họ đã có kinh nghiệm nắm bắt, tiếp cận, mở rộng thị trường. Nên con số xuất khẩu 7 triệu tấn gạo, mang về gần 4 tỉ USD khả năng đạt được và gạo Việt bước lên nấc thang mới sau 15 năm, từ năm 2009", đại diện VFA cho hay.

Trong khi đó, ông Phạm Thái Bình - tổng giám đốc Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An - cho biết: "Trong rất nhiều năm qua, chưa năm nào giá gạo thơm ST24, ST25 của doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường Trung Đông, châu Âu có giá trên 1.000 USD/tấn. Tôi đánh giá đây là năm thành công của doanh nghiệp và cả ngành gạo Việt xuất khẩu".

Gạo thơm vượt 1.000 USD/tấn, xuất khẩu gạo Việt Nam đạt kỷ lục 7 triệu tấn - Ảnh 2.

Kim ngạch xuất khẩu gạo Việt qua các năm - Biểu đồ: THẢO THƯƠNG

Trước những khó khăn như thời tiết khắc nghiệt ở nhiều quốc gia châu Á; biến đổi khí hậu ở Mỹ, châu Âu và Trung Quốc khiến nguồn cung gạo thiếu hụt; hay Ấn Độ kiểm soát xuất khẩu gạo cùng tình hình khan hiếm lương thực trên thế giới... ông Bình nhìn nhận xuất khẩu gạo năm 2023 có thể tăng trưởng cao hơn năm 2022.

"Bên cạnh thị trường EU và Anh, nhiều doanh nghiệp đang hướng tới Trung Quốc - nước có nhu cầu tiêu thụ lớn nhất thế giới. Tôi biết có 22 doanh nghiệp Việt đang được cấp phép xuất gạo tẻ, gạo thơm, gạo nếp vào Trung Quốc, phát triển thế mạnh từng nhóm sản phẩm theo từng phân khúc khác nhau để chinh phục thị trường này", ông Bình nói.

Cũng khá thành công trong năm 2022, Tập đoàn Lộc Trời xuất khẩu gạo tăng hơn 200% vào thị trường tiêu chuẩn cao châu Âu, doanh thu tăng hơn 150% so với năm trước. 

"Năm 2023, Lộc Trời cố gắng sẽ xúc tiến các hoạt động xuất khẩu, hướng gạo Việt lên kệ ở siêu thị các nước lớn như Đức, Thụy Sĩ… Mỗi doanh nghiệp gạo xuất khẩu, doanh thu năm nay đều có khả năng tăng trưởng nên gạo Việt Nam xuất khẩu năm tới tiếp tục khả quan và tăng cao hơn", ông Nguyễn Duy Thuận, tổng giám đốc Tập đoàn Lộc Trời, cho hay.

Gạo Việt Nam xuất khẩu trên 20 năm nhưng chưa đạt thương hiệu quốc tế Gạo Việt Nam xuất khẩu trên 20 năm nhưng chưa đạt thương hiệu quốc tế

TTO - Đa số các sản phẩm nông sản Việt Nam kém cạnh tranh về chất lượng, mẫu mã, thương hiệu cũng bị mờ nhạt, như gạo Việt Nam đã xuất khẩu trên 20 năm nhưng chưa đạt thương quốc tế trong khi Campuchia 3 lần được xếp hạng gạo ngon nhất thế giới.

THẢO THƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên