Ông Hồ Quang Cua (phải) giới thiệu gạo thơm ST25 hữu cơ trồng trên đất nuôi tôm - Ảnh: KHẮC TÂM
Anh hùng lao động Hồ Quang Cua - "cha đẻ" gạo ST25 - nói như vậy với Tuổi Trẻ Online khi đề cập đến nguy cơ gạo thơm Việt Nam mất cơ hội dự thi "Gạo ngon nhất thế giới" năm 2021. Ông Cua nói:
- Nếu điều này xảy ra, không chỉ mất uy tín, mà còn vi phạm ở mức quốc gia.
Phải thực hiện đúng các cam kết
* Trong cuộc gặp bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn gần đây, ông có cảnh báo nguy cơ gạo thơm Việt Nam mất cơ hội dự thi "Gạo ngon nhất thế giới". Vì sao thưa ông?
- Thật ra cảnh báo này xuất phát từ thông cáo báo chí ngày 26-5-2021 của tổ chức "The Rice Trader".
Nguyên nhân xuất phát từ các doanh nghiệp Việt Nam hào hứng với thương hiệu giải thưởng quốc tế "Gạo ngon nhất thế giới" mà gạo ST25 đoạt được trong cuộc thi ngày 12-11-2019 tại Manila (Philippines) nên vô tư sử dụng trên bao bì gạo bày bán ở khắp nước. Doanh nghiệp không biết rằng thương hiệu gạo "Ngon nhất thế giới" là sở hữu duy nhất của tổ chức "The Rice Trader" và đã đăng ký bảo hộ ở Mỹ kể từ khi họ tổ chức cách đây 12 năm.
* Điều này có nghĩa, khi tham gia vào cuộc chơi này, ông đã nắm rõ các quy định của ban tổ chức. Vậy ông đã cam kết những gì trước khi tham gia?
- Trong hai năm 2017 và 2018, tôi ký cam kết với họ khi dự thi là sẽ tuân thủ các cam kết nếu muốn sử dụng thương hiệu "Gạo ngon nhất thế giới" khi đoạt giải.
Sau đó, năm 2019 và 2020, Hiệp hội Lương thực Việt Nam đại diện Việt Nam đăng ký dự thi và cũng hai lần ký các cam kết đó.
Nội dung các cam kết này là khi muốn sử dụng thương hiệu của họ, phải đóng phí để họ có thêm ngân sách phát triển thương mại lúa gạo toàn cầu.
Lúc đầu, tôi cũng "quên" thực thi cam kết với họ và sau khi bị cảnh báo, tôi đã làm các thủ tục và họ cấp quyền sử dụng thương hiệu cho doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí (huyện Mỹ Xuyên, Sóc Trăng).
Sở hữu trí tuệ là tài sản quốc gia
* Nội dung thông cáo báo chí gồm những vấn đề nào, điều gì cần quan tâm để tránh vết xe đổ như từng xảy ra, thưa ông?
- Các nước phát triển rất tôn trọng quyền sở hữu trí tuệ. Họ xem đó là một loại tài sản cho nên khi họ biết Việt Nam rộ lên việc sử dụng thương hiệu "Gạo ngon nhất thế giới", họ viết trong thông cáo báo chí ngày 26-5.
Tôi tạm dịch như sau: "The Rice Trader tuyên bố cảnh báo chính thức các công ty Việt Nam khác về sự tôn trọng cần thiết khi sử dụng biểu tượng thương hiệu Gạo ngon nhất thế giới. Bản quyền của chúng tôi trong các bao bì gạo của họ đang được kinh doanh trên thị trường. Đây là hành vi sử dụng bất hợp pháp quyền sở hữu trí tuệ và các quy định biểu trưng của giải thưởng Gạo ngon nhất thế giới.
Người tham gia cuộc thi công nhận rằng họ không có quyền sử dụng nếu không được phép và quốc gia chiến thắng cũng được yêu cầu tuân thủ các cam kết của cuộc thi. Nếu không có giải pháp thích hợp cho hành động này, những tên công ty đó sẽ được công khai vì những ảnh hưởng của họ đối với định hướng chung của ngành".
Rồi họ kết luận: "Tổ chức của chúng tôi cân nhắc vấn đề này nghiêm túc đến quốc gia, thậm chí có thể mất quyền tham gia cuộc thi này trong những năm tiếp theo".
Bao bì gạo ST25 mới nhất của doanh nghiệp tư nhân Hồ Quang Trí (huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng) tung ra thị trường - Ảnh: KHẮC TÂM
Vi phạm ở mức quốc gia
* Thưa ông, chẳng may tình huống "công khai toàn cầu việc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ của các doanh nghiệp Việt Nam và cấm dự thi Gạo ngon nhất thế giới sẽ ảnh hưởng đến danh dự, uy tín gạo Việt Nam như thế nào?
- Đối với thông cáo báo chí phát hành toàn cầu của họ mà ngành chức năng của Việt Nam không có phản ứng gì thì có nghĩa là vi phạm ở mức quốc gia. Uy tín mất thì chắc rồi, còn sau đó ra sao thì phải đợi xem.
Còn nếu họ mạnh tay cấm dự thi “Gạo ngon nhất thế giới” thì chúng tôi cũng phải chịu thôi.
Nhưng thật là tiếc, bốn năm qua, Hiệp hội Lương thực Việt Nam và tôi đã marketing hình ảnh hạt gạo Việt Nam trên thế giới một cách vô cùng hiệu quả. Mỗi năm một lần, họ đều vinh danh gạo Việt Nam trên diễn đàn toàn cầu thì cách marketing nào hiệu quả hơn.
* Đối với EU, họ kiểm tra việc nhập khẩu 30.000 tấn gạo miễn thuế hằng năm từ Việt Nam ra sao, thưa ông?
- Gạo Việt Nam được EU ưu đãi miễn thuế hằng năm 30.000 tấn. Danh mục tên gạo do Việt Nam cung cấp, trong đó có hai giống ST5 và ST20 đã được đưa vào danh mục. Hai giống ST24 và ST25 cũng được đề nghị bổ sung, nhưng chưa được duyệt.
Để kiểm tra độ trung thực, hải quan EU đề nghị Eurofins phân tích DNA các chủng loại gạo có tên trong danh mục và phân tích các lô gạo cặp cảng EU, xem có đúng như khai báo hải quan không để quyết định mức thuế phải đóng hoặc miễn.
Thí dụ như gạo ST20 hiện nay nằm trong hạn mức được miễn thuế, nhưng do nông dân không còn canh tác ST20 nên không có gạo xuất đi. Tình huống này nếu doanh nghiệp thay gạo ST20 bằng ST24 hoặc ST25 sẽ bị phát hiện và xử lý.
* Vậy các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu gạo vào thị trường EU cần lưu ý gì để tránh gặp phải những phiền phức, thiệt hại cho mình?
- Theo tôi, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo đi EU cần lưu ý độ đúng giống khi giao dịch ngoại thương. Vấn đề này tùy thuộc thiện chí của doanh nghiệp, vì ngành chức năng Việt Nam tuy có kiểm tra đồng ruộng, có cấp chứng chỉ cũng chỉ là từ phía Việt Nam.
Với bộ mẫu DNA của từng loại gạo chuẩn, chỉ hai phút là phát hiện loại gạo đăng ký nhập khẩu vào EU có đúng tên không.
* Những trăn trở, khó khăn của ông gặp phải thời gian qua trong việc nghiên cứu lúa thơm, bảo vệ thương hiệu, giống… không phải ít. Ông có đề xuất gì với lãnh đạo ngành nông nghiệp?
- Nhiều người, nhiều tổ chức cũng hỏi tôi câu hỏi này. Thú thật, tôi đã nhiều lần chia sẻ những bức xúc, những gửi gắm tâm tư nhưng chưa được lắng nghe, thấu hiểu. Các ngành chức năng, các đơn vị đã nắm hết rồi, bây giờ nói nữa không hay. Mong rằng những trăn trở bấy lâu của tôi sớm được tháo gỡ, tôi vô cùng biết ơn.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận