Các diễn viên trong phim - Ảnh: T.L.
Trước đó, Gạo nếp gạo tẻ đã trở thành bộ phim truyền hình Việt đứng thứ hai được tìm kiếm trên Google nhiều nhất năm 2018.
Đây cũng là bộ phim Việt duy nhất nằm vị trí thứ 9 trong top 10 hot trend của Việt Nam (các nội dung khác là phim hài, web drama, ca nhạc show...) do YouTube đánh giá trong năm 2018. Với 109 tập phim, đến nay lượt người xem Gạo nếp gạo tẻ đã đạt đến con số 1 tỉ.
Từ "hiện tượng" của hai bộ phim này, có thể tìm câu trả lời cho câu hỏi: Đâu là công thức tạo "hot trend" (xu hướng thịnh hành) của phim truyền hình?
Đã lâu rồi tôi không xem phim Việt vì thấy chán từ câu chuyện cũ kỹ đến diễn viên diễn nhạt nhẽo... Nhưng kể từ sau Quỳnh búp bê hay bây giờ là Về nhà đi con, tôi thấy phim Việt hay hơn hẳn. Tôi thấy việc đưa diễn viên miền Nam ra đóng phim miền Bắc cũng là một cách mở rộng thị phần khán giả miền Nam, tạo sự tò mò.
Tiến Dũng (khán giả TP.HCM)
Teaser Gạo nếp gạo tẻ
Lượt xem đột biến
Theo Trung tâm quảng cáo của Đài truyền hình Việt Nam, Về nhà đi con đã tạo nên rating (lượt người xem) đột biến cho khung giờ dành cho phim truyền hình của VTV1. Rating của phim này đang là mức 4.7 trên toàn quốc và rất hút quảng cáo.
Nhưng vì khung quảng cáo chỉ có giới hạn theo Luật quảng cáo, nhà đài phải tăng giá quảng cáo lên 120 triệu đồng/spot quảng cáo 30 giây để hạn chế số lượng.
Trailer Về nhà đi con
Trong vài năm trở lại đây, Trung tâm sản xuất phim truyền hình VN (VFC) liên tục tạo ra được những bộ phim "hot" như: Người phán xử, Sống chung với mẹ chồng, Quỳnh búp bê... VFC cũng rất nhanh nhạy trong việc quảng bá sản phẩm trên mạng xã hội.
Chất lượng một bộ phim phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, từ kịch bản, dàn diễn viên, êkip sáng tạo, thiết bị, công nghệ sản xuất... Tuy nhiên, một yếu tố vô cùng quan trọng là phải luôn lắng nghe phản hồi của khán giả qua nhiều hình thức, nhiều nền tảng và phân tích các nhu cầu mong muốn của khán giả để điều chỉnh cách làm phim tốt hơn.
Ông Đỗ Thanh Hải - giám đốc VFC
Một tín hiệu vui khác đến từ Hãng phim Truyền hình TP.HCM (TFS). Sau một thời gian "ẩn mình", đầu năm 2019 TFS đánh dấu sự trở lại với bộ phim Mùa cúc susi khá dễ thương. Sau đó là một loạt phim như Những chuyên án lạ, Sóng mồ côi...
Dù giờ phát sóng khá khuya (22h trên HTV9) nhưng lượng quảng cáo của khung giờ này đã dần ổn định. "Nếu như phim Mùa cúc susi chỉ có khoảng vài chục ngàn lượt người xem mỗi tập thì đến Sóng mồ côi đã lên đến vài trăm ngàn lượt trên YouTube (H+ films)" - ông Việt Phước, trưởng phòng TFS, lạc quan khoe.
Các bộ phim như Mê cung, Nàng dâu order, Xin chào hạnh phúc cũng đang "ăn" rating rất tốt trên kênh. Xin chào hạnh phúc thậm chí còn cao hơn Về nhà đi con với mức rating 5.5.
Còn theo ý kiến của một người làm nghề, công thức để tạo sự chú ý là lấy những đoạn nhỏ hay nhất (bestcut) có nội dung là những chủ đề tạo sự tranh luận như: ngoại tình, mẹ chồng nàng dâu, quan hệ con cái - bố mẹ... đưa lên Facebook để tạo sự quan tâm của cộng đồng mạng.
Nội dung bestcut đó nếu thật sự đánh trúng tâm lý khán giả thì lập tức sẽ có sự lan tỏa rất mạnh, tạo thành "hot trend".
Cảnh trong phim Gạo nếp gạo tẻ - Ảnh: T.L.
Loại trừ "nhanh, rẻ và bất chấp"
Giờ đây khán giả có quá nhiều lựa chọn từ phim nước ngoài như Thái Lan, Philippines, Ấn Độ, Hong Kong, Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ...
Nếu phim truyền hình Việt không nâng chất lượng thì không có cách gì cạnh tranh nổi. Các đơn vị sản xuất truyền hình hiện tại bắt đầu thấm thía slogan "nội dung là vua".
Trước khi có một bộ phim hay hãy làm một bộ phim tử tế. Sự tử tế đến từ đạo đức kinh doanh của những nhà đầu tư phim và lòng tự trọng của những người làm nghề. Kinh doanh là phải sinh lời nhưng xin các nhà đầu tư làm phim nên nhớ rằng họ đang kinh doanh sản phẩm văn hóa, nó có tác động trực tiếp và rất mạnh mẽ đến xã hội nên khi đã chọn kinh doanh ngành này thì hãy loại trừ tư tưởng "nhanh, rẻ và bất chấp" để câu khách.
Hoàng Anh - biên kịch đồng thời đồng đạo diễn phim Gạo nếp gạo tẻ - khẳng định
Làm thế nào để đi được đường dài là một câu chuyện không đơn giản đối với nền sản xuất phim truyền hình lúc trồi lúc sụt. VFC hiện đang là đơn vị sản xuất thống trị khu vực phía Bắc, những năm qua không ngừng nỗ lực để hoàn thiện bộ máy sản xuất nhưng vẫn phải chạy mướt mồ hôi để tránh "thủng" sóng.
Về nhà đi con được quay theo phương pháp cuốn chiếu, biên kịch đang viết thì đoàn làm phim đã lên đường đi quay nên rất áp lực. Đội ngũ biên tập viên của VFC kiêm nhiệm luôn cả vai trò biên kịch, và làm thế nào để xây dựng được nguồn kịch bản tốt để có phim hay là vấn đề nan giải.
Các trung tâm sản xuất phim truyền hình lớn của Nhà nước như TFS, VFC trước kia rất chú trọng sản xuất những bộ phim chính luận, chỉn chu, nay cũng phải thay đổi để nắm bắt nhu cầu đa dạng của khán giả.
Hãng đang bắt đầu có sự chuyển mình, cố gắng làm sao để làm ra những bộ phim thu hút được khán giả bằng đề tài gần gũi đời sống nhưng vẫn mang được dấu ấn TFS. Sắp tới đây là bộ phim Đảo khát của đạo diễn Phương Nam rất được chăm chút hình ảnh và câu chuyện gần gũi về người dân sống trên đảo Lý Sơn.
Ông Lý Quang Trung - giám đốc TFS
Chia sẻ về hướng đi của VFC, ông Đỗ Thanh Hải nhấn mạnh việc VFC cố gắng xây dựng thương hiệu cho phim truyền hình Việt của VTV, đáp ứng nhu cầu giải trí và lồng ghép những thông điệp nhẹ nhàng, ý nghĩa.
"Xa hơn nữa là cùng các đơn vị sản xuất khác tạo dựng nên một nền công nghiệp sản xuất phim Việt, vừa phục vụ nhu cầu khán giả vừa hội nhập với thị trường khu vực. Từ đó, trao đổi bản quyền, xuất khẩu phim để quảng bá hình ảnh, đời sống xã hội Việt Nam đến các nước. Đây cũng là mục tiêu mà nhiều nước khác đã và đang thực hiện" - ông Hải nói.
Mạng xã hội là kênh quảng bá tốt
Đạo diễn, biên kịch phim Gạo nếp gạo tẻ Hoàng Anh cho rằng phim muốn được khán giả chú ý phải đậm chất văn hóa Việt và phải phản ánh được cuộc sống hiện tại một cách chân thật nhất. Phát hành phim đa nền tảng, ngoài truyền hình còn phát trên các ứng dụng xem phim, mạng Internet... và phải đẩy mạnh việc "tiếp thị", trong đó mạng xã hội là một kênh quảng bá rất tốt.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận