16/04/2020 12:17 GMT+7

Gạo nằm chờ... hải quan

H.T.DŨNG - C.QUỐC - B.ĐẤU
H.T.DŨNG - C.QUỐC - B.ĐẤU

TTO - Ngày 15-4, Hiệp hội Lương thực VN (VFA) đề nghị cần có biện pháp chế tài với các doanh nghiệp (DN) tranh thủ đăng ký tờ khai để... giữ chỗ, đồng thời tạo điều kiện để thông quan gần 300.000 tấn gạo đang nằm tại cảng...

Gạo nằm chờ... hải quan - Ảnh 1.

Một sà lan chuẩn bị sang gạo để xuất khẩu đến thị trường Philippines tại cảng Mỹ Thới, TP Long Xuyên, An Giang - Ảnh: BỬU ĐẤU

Ghi nhận của Tuổi Trẻ cho thấy nhiều DN bị thiệt hại nặng do bị đối tác xử phạt vì không giao hàng đúng hạn theo hợp đồng cùng gánh nặng chi phí sà lan, tàu, container… trong thời gian hàng nằm chờ tại cảng.

Mất tiền tỉ do gạo nằm cảng

Ngày 15-4, ghi nhận tại cảng Mỹ Thới (An Giang) cho thấy có trên 20 tàu chở gạo đang neo đậu và hàng trăm container của nhiều DN đã đưa gạo vào đóng thùng nhưng chưa xuất được.

Phía dưới sông Hậu, hàng chục ghe đang neo đậu chờ lệnh xuất hàng đã nhiều ngày nay nhưng chưa đi được. Trong khi đó, các DN xuất khẩu gạo phải bồi thường hàng ngàn đôla khi tàu nằm chờ xuất khẩu.

Anh Việt - cán bộ phụ trách xuất khẩu của Công ty CP Xuất nhập khẩu An Giang (Agimex) - cho biết nhiều tàu chở gạo xuất khẩu đã nằm chờ kể từ thời điểm tạm ngừng xuất khẩu gạo vào cuối tháng 3 đến nay, dù hàng hóa của các DN đã sẵn sàng. 

Trong khi đó, theo quy định phòng chống dịch COVID-19, thủy thủ các tàu không được lên bờ, phải nhờ người khác mua hộ hoặc đặt hàng qua số điện thoại mới có đồ ăn.

Theo anh Lê Ngọc Vinh - thuyền trưởng tàu Giang Hải 09 đến từ TP Hải Phòng, thông thường chỉ mất 7-10 ngày là có thể xuất hàng hóa đi, nhưng từ ngày 28-3 đến nay tàu phải neo tại cảng chứ chưa thể xuất khẩu, dù gạo đã sẵn sàng. 

Trên tàu này hiện có 17 thủy thủ, hằng ngày phải nhờ người mua giùm đồ ăn thức uống. "Tàu đã ở đây 20 ngày nay, chi phí ăn uống gần 2 triệu đồng/ngày cho toàn thể anh em. Khó khăn nhất vẫn là việc không được lên bờ" - anh Vinh nói.

Ông Trần Hồ Hiền - giám đốc chi nhánh Công ty CP Lương thực Bình Định (Bidifood) - cho biết DN này có 2 tàu (Hòa Bình 54 và Đức Đạt 666) neo đậu tại cảng Mỹ Thới từ ngày 23-3 đến nay và đã làm tờ khai hải quan xuất khẩu cho 9.700 tấn gạo đi Philippines. 

Tuy nhiên, ngày 24-3 có lệnh dừng xuất khẩu gạo khiến DN bị thiệt hại nặng. Hằng ngày đơn vị phải chi ra gần 200 triệu đồng cho các chi phí sà lan, tàu, container… nằm chờ.

"Bây giờ chúng tôi bồi thường 5.000 USD cho 2 tàu và gần 30 triệu đồng cho 21 sà lan đang neo đậu tại cảng Mỹ Thới. 

Điều chúng tôi lo lắng là chất lượng gạo tại các sà lan sẽ bị ảnh hưởng nếu để lâu, giao cho đối tác không được, mà mang về sấy cũng không xong. 

Nếu không cho xuất khẩu sớm, công ty sẽ mất thị trường, không còn khả năng trả nợ ngân hàng đúng hạn, công nhân mất việc làm khi chúng tôi không mua lúa gạo nữa", ông Hiền nói.

Một lãnh đạo Chi cục hải quan cửa khẩu cảng Mỹ Thới cho biết đã có 2 DN bị xóa 4 tờ khai hải quan trước đó. 

"Chúng tôi đã có văn bản hỏi Tổng cục Hải quan vì sao xóa các tờ khai này nhưng vẫn chưa nhận được câu trả lời" - vị này nói.

Gạo nằm chờ... hải quan - Ảnh 2.

Hàng trăm container đã đóng hàng nhiều ngày qua nằm chờ xuất khẩu tại cảng Mỹ Thới, TP Long Xuyên, An Giang - Ảnh: BỬU ĐẤU

Phải xử nghiêm với thương nhân gian lận

Thông tin từ Sở Công thương TP Cần Thơ cho biết theo hợp đồng đã ký kết với đối tác, các DN TP Cần Thơ phải giao hơn 216.700 tấn gạo, trong đó các DN đã chuyển đến cảng 25.965 tấn (chưa mở tờ khai hải quan) nhưng đang bị kẹt, chưa xuất đi các thị trường như Indonesia, Philippines, Malaysia, Mỹ, Nga, UAE, Ghana…

Trong khi gạo đang nằm tại cảng, mỗi DN phải tốn 260-350 triệu đồng/ngày cho các chi phí lưu container, lưu bãi, tiền phạt chậm giao hàng, lãi suất ngân hàng, đáo hạn ngân hàng, tiền vốn bị đọng không thể trả cho nông dân, trong khi DN đã đặt cọc tiền mua lúa vụ tới...

Một lãnh đạo Sở Công thương TP Cần Thơ đề xuất các bộ ngành cần sớm có giải pháp cho phép giải phóng lượng hàng hóa kẹt tại cảng theo hướng ưu tiên số 1 là mở tờ khai và thông quan cho những DN đăng ký từ ngày 23 đến 30-3 (tổng số lượng 25.965 tấn), và ưu tiên thứ 2 là cho một số DN mở tờ khai từ ngày 1 đến 10-4 với tổng số lượng 50.000 tấn.

Ngày 15-4, trong báo cáo nhanh gửi Văn phòng Chính phủ cùng một số bộ ngành, VFA kiến nghị tạo điều kiện cho thông quan hết số lượng hàng hóa, không quá 300.000 tấn, đang nằm trên cảng trong thời gian sớm nhất có thể. 

Đặc biệt, cho phép xuất khẩu gạo nếp và các mặt hàng gạo hữu cơ không giới hạn số lượng do không ảnh hưởng tới cân đối cung cầu lương thực trong nước.

Với hạn ngạch 400.000 tấn, VFA đề nghị tổ chức kiểm hóa thực tế với các thương nhân đã truyền tờ khai, kiểm tra số container và số seal thực tế của container hàng có đúng với số container và số seal đã được truyền qua mạng để mở tờ khai hay không. 

Sau đó, cần áp dụng các biện pháp chế tài đối với các thương nhân đã truyền tờ khai nhưng không xuất trình đúng, đủ số lượng hàng hóa, số container đóng hàng xong như đã khai báo.

Hủy bỏ toàn bộ tờ khai được truyền của thương nhân nếu phát hiện việc khai khống số lượng, khai khống số container, không xuất trình được hàng hóa khi kiểm hóa... 

Đặc biệt, hải quan phải công khai, minh bạch về thời gian mở hệ thống, có văn bản triển khai cụ thể để cục hải quan địa phương, chi cục hải quan cửa khẩu và thương nhân biết để thực hiện. 

Ngoài ra, VFA cũng kiến nghị miễn giảm thuế, giảm lãi suất ngân hàng để giúp các thương nhân xuất khẩu gạo vượt qua khó khăn hiện nay, tạo điều kiện cho họ tiếp tục thực hiện các hợp đồng bao tiêu, tiêu thụ lúa gạo với nông dân.

Nhiều bất thường trong đăng ký tờ khai

Ngày 15-4, trong báo cáo nhanh gửi Văn phòng Chính phủ, Bộ Công thương, Bộ Tài chính, Bộ NN&PTNT và Tổng cục Hải quan, VFA cho biết vào rạng sáng 12-4, một số thương nhân truyền được tờ khai để... giữ chỗ, dù chưa tập kết hàng ở cảng hoặc tập kết chưa đủ.

Trong khi đó, nhiều DN đã tập kết hàng hóa sẵn sàng (đủ điều kiện để đăng ký tờ khai chờ thông quan) đang xếp hàng lên tàu, đóng container, thậm chí có lô hàng đã đóng container trước ngày 24-3 (trước thời điểm Thủ tướng Chính phủ quyết định tạm ngưng xuất khẩu gạo - PV).

Theo VFA, đến nay đã hơn 20 ngày container lưu bãi nhưng vẫn chưa truyền được tờ khai hải quan, khiến DN bị thiệt hại nặng do phải gánh chịu các chi phí phát sinh tại cảng.

Bồi thường hàng ngàn USD/ngày cho 20 tàu nằm chờ xuất khẩu gạo Bồi thường hàng ngàn USD/ngày cho 20 tàu nằm chờ xuất khẩu gạo

TTO - Có trên 20 tàu chở đầy gạo đang neo đậu và hàng trăm container đã chứa hàng hóa tại cảng Mỹ Thới chưa xuất đi được vì hết hạn ngạch. Doanh nghiệp phải bồi thường hàng ngàn đôla khi tàu nằm chờ xuất khẩu.

H.T.DŨNG - C.QUỐC - B.ĐẤU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên