Phóng to |
Minh họa: Nguyễn Thanh |
Mẹ tôi là một người bình thường như bao người phụ nữ khác. Mẹ dịu dàng, đảm đang, hết mực thương yêu chồng con. Nhớ những ngày tôi còn bé, ba bỏ đi theo tiếng gọi tình yêu, mẹ vẫn làm tròn nghĩa vụ nuôi ba chị em tôi khôn lớn.
Ngày đó, trong căn nhà lá đơn sơ, mẹ tôi vất vả vô cùng. Cứ ba giờ sáng là mẹ thức dậy nấu xôi nếp gánh ra chợ bán. Bữa nào bán hết thì mẹ mua cho chị em tôi những phần quà nhỏ, bữa nào không hết mẹ quảy gánh xôi đi khắp đường làng ngõ xóm năn nỉ người mua. Bé Ba thấy mẹ cực nhọc quá nên nó hỏi mẹ là sao mẹ không bán cái gì mà khỏi gánh cho đỡ mệt. Mẹ cười và bảo: “Tại mẹ thích gánh xôi bán như bà ngoại hồi còn sống. Vì chính những gánh xôi này mà ngoại đã nuôi lớn mẹ và các cậu”. Nay mẹ lại nối nghiệp ngoại nuôi ba chị em con thôi. Nghe mẹ kể mà tôi thấy thương mẹ quá đỗi, rồi ba chị em tôi sà vào lòng mẹ mà niềm hạnh phúc lan tỏa quanh nhà.
Năm tôi học lớp mười hai, bài vở và tiền học thêm rất nhiều. Tôi thấy giấc ngủ của mẹ ít đi, mẹ thức sớm hơn, gánh xôi lại thêm oằn vai. Vậy mà sau buổi chợ làng, mẹ còn nhận lời người ta cắt lúa mướn hay nhổ cỏ thuê để tăng thêm thu nhập. Thấy mẹ vất vả quá, tôi đắng lòng mà không nói được lời nào, thương mẹ nhiều hơn. Vì vậy, sau giờ học là ba chị em tôi ra sau vườn rọc lá chuối rồi cắt theo kích thước mẹ dặn để mẹ gói xôi. Còn chiếc muỗng bằng bẹ chuối thì phải tự tay mẹ làm mới vừa ý, vốn dĩ tính mẹ rất tỉ mỉ, cẩn thận.
Nhớ có hôm, đang ngồi trong lớp học, tôi nghe tiếng rao ngoài cổng trường:
- Ai ăn xôi hôn?
Tôi như nghe cổ họng mình nghẹn lại, thương mẹ rồi quyết tâm học cho tốt để đỡ đần giúp mẹ và nuôi hai đứa em còn cái tuổi ăn chưa no, lo chưa tới…
Có những đêm, tôi thức sớm học bài. Dù cố gắng bước xuống giường thật nhẹ nhàng để không làm mẹ thức giấc, nhưng lúc nào mẹ cũng cùng thức để thắp nến cho tôi. Rồi mẹ lại bắt đầu nhóm bếp nấu xôi, tôi lại học từng câu chữ trên trang vở, chốc chốc tôi lại lén nhìn dáng mẹ ngồi một mình bên ánh lửa bập bùng chờ cho xôi chín. Một lần tôi đến bên mẹ xin mẹ chỉ cho cách nấu xôi. Mẹ nhìn tôi rồi mắng cho một trận, bảo cả đời mẹ vì ít chữ nên đôi vai phải nhọc nhằn vất vả ngày chạy gạo, mẹ không muốn chị em tôi phải giống mẹ. Ánh mắt mẹ lúc ấy đượm buồn, khiến tôi không dám nói thêm một lời nào nữa. Tôi thấy mình có lỗi, rụt rè đến bên bàn học, trang sách lại mở ra, tô hồng thêm ước mơ vào giảng đường đại học. Nhìn tôi ngoan ngoãn ôn bài, mẹ lại tiếp tục canh lửa nấu xôi. Trời vừa tờ mờ sáng, mẹ đặt hai thau xôi vào quang gánh rồi tất bật với cuộc mưu sinh. Chị em tôi nhìn dáng mẹ và tiếng rao khuất dần trong làn sương sớm mà thấy bùi ngùi. Cũng từ đó, bài học thương mẹ được ba chị em tôi thuộc nằm lòng…
Rồi những vất vả của tôi bên trang sách cũng được đền bù xứng đáng. Ngày tôi tốt nghiệp ra trường, mẹ mừng rơi nước mắt. Khi công việc ổn định, tôi không cho mẹ vất vả bên gánh xôi nữa. Mẹ lại nhìn tôi cười đôn hậu mà nói: “Còn bé Ba và thằng Út chưa học xong…”.
Ôi, tình mẹ thật bao la. Mẹ chưa một lần ăn ngon, mặc đẹp, mẹ đánh đổi những giọt mồ hôi với gánh xôi trên đôi vai gầy nuôi lớn ba chị em tôi. Với tôi, mẹ mãi là thần tượng trong trái tim.
Giờ đây, mẹ tôi đã già, bé Ba và thằng Út cũng đã có việc làm. Chúng tôi khuyên mãi mẹ mới không bán xôi nữa. Song đôi quang gánh ngày xưa mẹ vẫn còn lưu giữ và mỗi lần chị em tôi sum họp trong những dịp về quê thì cứ nhìn thấy đôi quang gánh lòng chúng tôi dậy lên bao cảm xúc, thương cho cả đời mẹ hết lòng nuôi lớn chúng tôi.
Mưa thu đã về, phương này tôi lại gởi về quê nỗi nhớ mẹ ngập lòng. Tiếng rao của người bán xôi vừa qua khỏi sân nhà mời gọi như đánh thức nỗi niềm trong tôi. Nhớ quá, tôi vẫy tay gọi người bán xôi vào nhà mua một gói cho đỡ thèm. Vẫn những hạt nếp dẻo thơm và béo ngậy của đậu xanh mà sao mùi vị của xôi ở đây không giống như của mẹ tôi? Xôi được đựng trong hộp giấy và chiếc muỗng nhựa nhân tạo thấy không bắt mắt bằng xôi được gói trong lá chuối và chiếc muỗng bằng bẹ chuối. Tôi lại ước một lần trở lại quê nhà thưởng thức món xôi của mẹ.
Áo Trắng số 18 ra ngày 01/10/2012 hiện đã có mặt tại các sạp báo. Mời bạn đọc đón mua để thưởng thức được toàn bộ nội dung của ấn phẩm này. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận