07/06/2020 09:01 GMT+7

Gánh nặng lớn nhất là học phí, may có học bổng báo Tuổi Trẻ

HÀ THANH
HÀ THANH

TTO - Suốt hai tuần lễ liền, mặc trời nắng rát, Đàm Phú Sơn (sinh viên năm nhất khoa kinh tế và quản lý xây dựng Trường ĐH Xây dựng Hà Nội) lang thang khắp các con phố Hà Nội, gõ cửa nhiều hàng quán xin bưng bê nhưng chỉ nhận được cái lắc đầu.

Gánh nặng lớn nhất là học phí, may có học bổng báo Tuổi Trẻ - Ảnh 1.

Suốt hai tuần qua, Đàm Phú Sơn lang thang khắp các con phố Hà Nội để xin việc làm thêm nhưng chưa kiếm được việc - Ảnh: Hà Thanh

Bố vừa qua đời vì bạo bệnh, mẹ ra chợ bán mớ rau chỉ đặng qua ngày gian khó, Sơn nhẩm tính với 29 tín chỉ (tương đương 8 triệu đồng), có xoay xở thế nào cũng chẳng kiếm đủ tiền học.

Tôi chưa xin được việc vì người ta kêu làm từ sáng đến tối, trong khi mình vẫn ưu tiên chuyện học hàng đầu. Không có xe đi lại, tôi đi bộ khắp nơi. Trời nắng quá nhưng hễ nghe bạn bè chỉ chỗ nào là mình đến ngay.

Đàm Phú Sơn

Nỗi đau ập đến

Dịp tết, bố của Sơn phát hiện bị ung thư gan. Ông qua đời hai tháng sau đó, để lại ba mẹ con. Nỗi đau mất đi chỗ dựa tinh thần chưa kịp nguôi ngoai thì dịch bệnh liền đến, đẩy mẹ con Sơn đối mặt với gánh nặng cơm áo gạo tiền.

Ánh mắt cậu sinh viên nghèo chùng xuống khi nhớ về quãng thời gian sau 49 ngày chịu tang bố. Mẹ Sơn - bà Ninh Thị Châm (44 tuổi) - tất tả từ sáng sớm ra chợ bán rau củ quả mưu sinh. Nếu như ngày thường bán chạy sẽ kiếm chừng 50.000-70.000 đồng, đủ cho bữa cơm gia đình. Song trong mùa dịch COVID-19, bà ngồi cả ngày mà chẳng kiếm nổi một đồng. Mâm cơm của cả nhà chỉ toàn rau hái trong vườn cho xong bữa.

"Con không cha như nhà không nóc", Sơn chẳng còn bố để cùng sẻ chia gánh nặng trên chặng đường chạm tay vào ước mơ. "Bố mất rồi, nhà khó khăn lắm, chỗ dựa tinh thần cũng không còn" - giọng Sơn lạc đi khi kể về cha.

Mùa dịch, phải học online mà cậu chỉ có chiếc điện thoại mạng chập chờn, hàng xóm hay tin nên cho cậu sang học nhờ. Sau dịch, trước ngày Sơn khăn gói lên lại giảng đường, anh em họ hàng gom góp mỗi người một ít cho Sơn chút tiền lận lưng. Lên Hà Nội, biết Sơn vừa trải qua nỗi đau lớn, nhóm bạn cùng quê quyết định gọi Sơn về ở tạm mà không lấy tiền trọ.

19 tuổi, cậu sinh viên nặng chưa đầy 48kg, dáng người nhỏ thó tập đương đầu với sóng gió cuộc đời.

Nguy cơ dừng bước giảng đường

Trong lá thư xin học bổng gửi về báo Tuổi Trẻ, những dòng chữ của Sơn chất chứa nỗi lo: "Đứng trước hoàn cảnh hiện nay, rất có thể tôi phải nghỉ học để đi làm thêm, nhường cơ hội học tập lại cho em gái". Sơn từng nuôi ước mơ trở thành thầy giáo nhưng đành rẽ hướng bởi giọng nói không tròn vành rõ chữ. Cậu đậu đại học với số điểm khá cao 24,75 điểm, chọn vào Trường ĐH Xây dựng vì học phí ít hơn các trường tốp đầu.

Khi mới vào trường, Sơn xin việc tại một nhà sách, làm chuyên viên tư vấn cho độc giả, rồi thêm mảng marketing, mỗi giờ được trả 25.000 đồng. Mỗi tháng Sơn nhận 2 triệu đồng, đủ trang trải chi phí sinh hoạt, ăn uống hằng ngày nơi thủ đô đắt đỏ, còn tiền học có bố hỗ trợ. Vậy mà đúng đợt dịch thì bố qua đời, chàng sinh viên trở lại thủ đô chẳng thể bắt kịp được với công việc. Chưa kể nhà sách chuyển sang địa điểm cách trường hơn chục cây số, Sơn lại không có phương tiện di chuyển.

Mấy ngày nay Sơn khá vất vả, bởi vừa tan học buổi sáng là cậu đón xe ngay về quê nhà Ninh Bình để theo dõi tình trạng sức khỏe của mẹ. Mẹ Sơn bị viêm amidan, đang chờ làm phẫu thuật cắt bỏ. Bố mất, em gái còn nhỏ, là con trai cả nên hễ có chuyện trong nhà, Sơn phải về ngay. Mỗi lần về quê đón xe khách, chi phí đi lại tốn mất 150.000 đồng.

Nhưng khó khăn hơn hết vẫn là gánh nặng học phí. Số tiền 8 triệu đồng quá sức đối với gia đình Sơn. "Ngày bố mất, tôi hứa với bố sẽ cố gắng học tập cho dù sau này có khó khăn thế nào. Nhưng giai đoạn này có lẽ lời hứa đó chưa thể thực hiện được... Tôi có thể phải bỏ học giữa chừng hoặc xin bảo lưu kết quả để đi làm thêm", cậu bộc bạch.

Sơn đã vạch ra lộ trình tiếp theo. Nếu bảo lưu kết quả học tập, cậu có thể đi làm một vài năm để kiếm tiền, sau đó "tiếp tục học một nghề gì đó" chứ nhất quyết không từ bỏ con chữ. "Mong nhất là nhà trường miễn giảm một phần học phí để tôi tiếp tục con đường học tập.

Đoàn trường thông báo có học bổng của báo Tuổi Trẻ, tôi sẽ cố gắng trong năm học này, có thể vay vốn ngân hàng cho sinh viên. Hiện tôi đang tìm hiểu thủ tục vay vốn. Tôi cũng sẽ đi làm thêm, gắng học tiếp để mang lại niềm tin cho mẹ" - Sơn quả quyết.

"Sơn học tốt lắm, tôi chỉ mong em học thành nghề, làm đúng nghề mong ước. Tôi đang nằm viện không làm lụng được gì, chỉ mong nhà trường, nhà hảo tâm hỗ trợ cho con thêm một chút" - bà Châm ngậm ngùi.

Tặng học bổng cho hơn 200 HSSV khu vực phía Bắc

Sáng nay 7-6 tại Hà Nội, báo Tuổi Trẻ phối hợp với Thành đoàn Hà Nội trao học bổng "Tiếp sức đến trường" cho hơn 200 học sinh, sinh viên khu vực miền Bắc có hoàn cảnh khó khăn, bị ảnh hưởng vì dịch COVID-19, với kinh phí hơn 530 triệu đồng. Mỗi suất dành cho học sinh trị giá 1,5 triệu đồng và sinh viên là 3 triệu đồng, kèm quà tặng.

Trước đó, học bổng đã trao đến tay các em học sinh, sinh viên khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ, miền Trung. Tổng kinh phí học bổng khoảng 2,2 tỉ đồng, được trích từ chương trình "Cùng Tuổi Trẻ chống dịch COVID-19" do báo Tuổi Trẻ và Hội Doanh nhân trẻ TP.HCM phát động.

Trao 211 suất học bổng 'Tiếp sức đến trường' khu vực Đông Nam bộ Trao 211 suất học bổng "Tiếp sức đến trường" khu vực Đông Nam bộ

TTO - Sáng 30-5, tại Nhà Văn hóa Thanh niên TP.HCM, báo Tuổi Trẻ và Thành đoàn TP.HCM đã trao tặng 211 suất học bổng "Tiếp sức đến trường" cho học sinh, sinh viên vượt khó của khu vực Đông Nam bộ bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

HÀ THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên