TTCT - Để đối phó với đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, các biện pháp hạn chế mặc dù rất cần thiết như cách ly, đóng cửa trường học… đã dẫn đến xáo trộn trong tâm lý của nhiều người: bạo lực gia đình, lạm dụng chất kích thích, đặc biệt là rượu, gia tăng ở nhiều nước. Sau nhiều tháng cãi lộn và thường xuyên xung khắc với nhau tại nhà do Singapore áp dụng lệnh phong tỏa, vợ chồng Jack and Rose* (tên nhân vật đã được thay đổi) đã tính đến chuyện ly hôn do “những tổn thương sâu sắc” đến đời sống hôn nhân. John Shepherd Lim, giám đốc phúc lợi của Trung tâm tư vấn Singapore nói: “Người vợ, vốn là người nội trợ chính trong gia đình, đã rất bất mãn và mệt mỏi khi chồng không giúp đỡ việc nhà mặc dù giờ đây anh ở nhà thường xuyên”.Theo chuyên gia này, đây là một tình huống điển hình mà rất nhiều gia đình gặp phải trong thời gian phong tỏa do dịch COVID-19 và “mức độ tổn thương”, “căng thẳng” trong trường hợp này là do hai người không ngừng kể tội nhau. Người vợ gọi chồng là đồ vô dụng, hờ hững, khiến anh cảm thấy tủi thân vì mình vất vả làm việc nuôi gia đình nhưng không được ghi nhận. Ngược lại, người chồng chê vợ lắm mồm và gắt gỏng, khiến chị vợ bực bội vì chồng không hiểu cảm xúc của mình.Các nhà trị liệu và tư vấn tâm lý xác nhận với kênh Channel News Asia, Singapore rằng họ nhận thấy có sự gia tăng từ 30-40% số khách hàng là vợ chồng hoặc cá nhân cần tư vấn do gặp trục trặc trong các mối quan hệ trong 6 tháng qua, trùng với giai đoạn căng thẳng của dịch COVID-19. Bỗng dưng cuộc sống bị đảo lộn do đại dịch, nhiều người đã không thể giải thích những tâm lý phức tạp của mình. Thói quen hàng ngày của hai vợ chồng bị gián đoạn do phải làm việc ở nhà nhưng họ không kịp thích nghi, chưa xác định ranh giới phù hợp về không gian riêng, chia sẻ việc nhà, ai được dùng máy tính?...Nhà tư vấn Martine Hill cho biết: “Họ biết mình rất mệt mỏi, rã rời nhưng không thể diễn đạt thành lời những gì mình đang trải qua... Do đó, họ thường xuyên cáu kỉnh hoặc ít kiên nhẫn hơn với những người xung quanh. Không thể nói ra được trục trặc của mình, họ còn cảm thấy mọi người như đang cố làm mình phát điên”.Ông Lim cho rằng thiếu không gian cá nhân là yếu tố gây căng thẳng chính trong cao điểm dịch bệnh vừa qua. Trong các mối quan hệ, duy trì sự cân bằng giữa không gian riêng và chung là cần thiết. Không gian riêng cho phép mỗi người được lắng lại hoặc làm việc riêng. Đi làm có thể xem là một sự xa cách cần thiết để cả hai hạ hỏa, cải thiện tâm trạng để giải quyết xung đột một cách bình tĩnh khi về nhà. Nhưng do lệnh phong tỏa, việc phải đối diện với nhau trong thời gian dài tại nhà có xu hướng làm cho những người trong cuộc cảm thấy bực bội, giảm năng lực cảm xúc để bao dung và vui vẻ với người khác. Làm việc ở nhà đôi khi cũng “xóa mờ ranh giới giữa công việc và gia đình”, nảy sinh những kỳ vọng không nói ra như người xong việc muộn muốn người xong việc sớm hơn nấu cơm và bực bội khi người kia không làm như vậy.Nhiều yếu tố khác như áp lực tài chính, giảm việc, nghỉ việc không lương hoặc mất việc... cũng tạo ra bất đồng giữa các cặp vợ chồng. Người bị mất việc cảm thấy áp lực vì không biết khi nào có việc làm, kiếm được tiền trang trải cuộc sống gia đình trở lại. Thậm chí các cặp đôi có thể cãi nhau xem công việc của ai quan trọng hơn, kiếm được nhiều tiền hơn.Nhiều luật sư ở Singapore xác nhận họ nhận được nhiều yêu cầu về ly dị qua email, điện thoại hơn kể từ khi Singapore áp dụng các biện pháp phong tỏa. Một số công ty luật cho biết họ thấy số vụ ly dị tăng ít nhất 20% kể từ tháng 4-2020 và nhiều cặp xác nhận lý do ly hôn là do phong tỏa.Nếu vượt qua được những hục hặc trong thời gian cách ly, tình cảm vợ chồng sẽ thêm thắm thiết. Ảnh: AFPSuy sụp tinh thầnLiệu những cú sốc về kinh tế và tâm lý do đại dịch có làm gia tăng những trường hợp tự tử không là câu hỏi được đặt ra trên tạp chí The Economist. Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ thực hiện một khảo sát trong mùa hè qua với 5.400 người, ghi nhận trong 10 người lại có 1 người nghĩ nghiêm túc về tự tử trong vòng một tháng trước. Con số này gấp đôi so với khảo sát năm 2018. Ở nhóm người từ 18-24 tuổi, tỉ lệ này rất cao: cứ 4 người lại có 1 người có ý định tự tử. Khảo sát được CDC công bố vào tháng 8-2020 là một trong số nhiều nghiên cứu công bố gần đây cảnh báo về tác động mà đại dịch gây ra với sức khỏe tinh thần, tâm lý của con người.Đại dịch COVID-19 đã làm nhiều người bị giảm giờ làm, mất việc, trường học bị đóng cửa, trong khi các hoạt động tôn giáo, văn hóa... có tác dụng nâng đỡ tinh thần phải ngừng tổ chức. Lệnh phong tỏa để chống dịch và các hạn chế xã hội khác đã làm trầm trọng tình cảnh cô đơn, trầm cảm của nhiều người.Theo The Economist, vẫn còn quá sớm để khẳng định liệu xã hội chúng ta có đang ở mức báo động về sự gia tăng ý nghĩ tự sát do số liệu thống kê về tự tử được công bố ở hầu như tất cả các nước đều có độ trễ một hoặc hai năm.Những năm gần đây, tình trạng tự tử đã giảm xuống, trừ Mỹ, một ngoại lệ đáng chú ý. Tuy nhiên, thông tin từ cảnh sát, bệnh viện, nhân viên điều tra, tòa án và các nguồn khác phải được thu thập và nghiên cứu cẩn thận, vì đáng tiếc là có một số vụ báo cáo về ý định tử tự của người thân là có chủ đích hoặc không trung thực để khi người thân của họ qua đời, nhà chức trách có xu hướng coi đây là chết tự nhiên. Mặc dù bức tranh toàn cảnh về tự tử liên quan đến COVID-19 vẫn chưa xuất hiện, các chuyên gia có lý do để lo sợ điều tồi tệ nhất.Trao đổi với Tuổi Trẻ cuối tuần ngày 10-10, sư cô Thích Tâm Trí, chùa Đại Ân HONJO ở tỉnh Saitama - một trong 10 ngôi chùa, đạo tràng Việt Nam ở Nhật - cho biết ở thời điểm hiện tại, trong số 40 lao động Việt Nam gặp khó khăn phải tá túc tại chùa, có một người từng tự tử 2 lần bất thành và một thai phụ từng tự tử một lần. Cả hai đều là những lao động Việt Nam bị mất việc dài hạn ở Nhật, gặp áp lực nặng nề về cơm áo, gạo tiền trong khi không có chỗ dựa tinh thần từ người thân, bạn bè. Rất mừng là việc được an cư tại chùa đã giúp họ phần nào bình tâm trở lại.Tại Mỹ, số cuộc gọi đến đường dây nóng về tự tử đang tăng lên; ở một số nơi, tỉ lệ tăng là gấp 8 lần. Talkspace, một công ty ở New York chuyên trị liệu tâm lý trực tuyến, cho biết số cuộc tư vấn qua video của họ tăng 250% trong đại dịch. Số bệnh nhân bị lo âu trầm trọng tăng 40%, một con số nhảy vọt chưa từng có trong 9 năm kinh doanh của Talkspace.Tại Nhật Bản, thống kê ban đầu của Bộ Y tế về các vụ tự tử công bố vào tháng 8-2020 đưa ra con số 1.849, tăng 15,3% so với cùng kỳ năm ngoái. Ở Nepal, lực lượng cảnh sát quốc gia Nepal cho biết các vụ tự tử trong đại dịch dường như đã tăng thêm 1/5. Trong khi tại Thái Lan, Varoth Chotpitayasunondh, người phát ngôn của Bộ Y tế, lo ngại tỉ lệ 9/100.000 người Thái sẽ tự tử trong năm nay. Bộ này đang thiết lập hệ thống báo cáo mới để có được con số chính thức nhanh hơn vì đây là vấn đề cứu người, “chắc chắn không thể chậm trễ”.Một bài viết trên tạp chí y khoa Lancet ngày 8-10 khẳng định: Trong hoàn cảnh bình thường, sức khỏe tâm thần tốt có vai trò rất quan trọng đối với hoạt động của xã hội. Khi có đại dịch, yếu tố tâm lý sẽ ảnh hưởng đến cách chúng ta phản ứng và phục hồi. Trước dịch COVID-19, các vấn đề liên quan đến sức khỏe tâm thần chiếm khoảng 13% gánh nặng bệnh tật toàn cầu. Tuy nhiên, thế giới đã không được chuẩn bị để đối phó với tác động sức khỏe tâm thần của đại dịch này. Nhiều năm không đầu tư vào sức khỏe tâm thần, đặc biệt là ở các nước thu nhập thấp và thu nhập trung bình, đã khiến chúng ta dễ bị tổn thương. Khả năng ứng phó và phục hồi của chúng ta với đại dịch COVID-19 dựa vào vắcxin và phương pháp điều trị hiệu quả. Để giảm thiểu tác động của đại dịch, chúng ta phải giải quyết các nhu cầu về sức khỏe tâm thần, đặc biệt là tập trung giúp những người dễ bị tổn thương nhất.■Để giảm bớt căng thẳng trong gia đình, các nhà tư vấn khuyên các cặp vợ chồng nói chuyện để thống nhất về việc dành cho nhau thời gian và không gian riêng. Chẳng hạn, mỗi người sẽ làm việc riêng trong hai phòng khác nhau; vào một số thời điểm trong ngày, họ được ở một mình và tham gia sinh hoạt chung trong những giờ còn lại. Các cặp đôi nên nói chuyện với nhau trong hòa bình và cần đặt mình vào những khó khăn của người kia, để tạo điều kiện giải quyết xung đột. Ngoài ra, cần học thêm về cách quản lý lo lắng để không tạo thêm căng thẳng cho gia đình. Mặc dù COVID-19 có thể gây ra nhiều khó khăn cho chúng ta nhưng nếu mâu thuẫn được xử lý tốt, tình cảm sẽ còn nồng ấm, mạnh mẽ hơn sau đó. Tags: StressGia đìnhĐại dịchNắngCăng thẳng tâm lýKiểm soát cảm xúc
Metro định hướng cho tương lai đô thị ts nguyễn ngọc hiếu (Trường đại học Việt Đức) 25/12/2024 1607 từ
Hé lộ 6 phút trước 'thảm họa' máy bay Jeju Air THANH HIỀN 29/12/2024 Máy bay Jeju Air gặp nạn sáng 29-12 đã nhận được cảnh báo nguy cơ va chạm với chim và phi công cũng đã phát tín hiệu báo nguy.
Nhiều mặt bằng 'vàng' ở Hà Nội đìu hiu dịp cuối năm: Do xu thế ăn uống, mua sắm online? DANH KHANG 29/12/2024 Chuyên gia kinh tế cho rằng nguyên nhân dẫn đến mặt bằng cho thuê đìu hiu là do xu thế ăn uống, mua sắm online đã khiến những cửa hàng bán lẻ, địa điểm kinh doanh ở trung tâm thành phố vắng vẻ.
Các sân bay ngăn tai nạn máy bay do chim thế nào? HOÀNG THI 29/12/2024 Những cánh chim trời tưởng chừng vô hại nhưng đã trực tiếp hoặc gián tiếp gây ra nhiều vụ tai nạn máy bay.
10 thành tựu, hoạt động nổi bật của ngành giáo dục năm 2024 NGUYÊN BẢO 29/12/2024 Bộ Chính trị ban hành kết luận số 91-KL/TW, trình Quốc hội xem xét dự thảo Luật Nhà giáo... là những thành tựu, hoạt động nổi bật của ngành giáo dục năm 2024 vừa được Bộ Giáo dục và Đào tạo tổng kết.