04/10/2023 13:50 GMT+7

Gánh khoai mì gánh cả giấc mơ

Khi mẹ và cha lần lượt qua đời do căn bệnh ung thư, cô bé Diệu Linh (Quảng Bình) về ở với cậu. Nhưng số phận vẫn chưa ngừng thử thách cô tân sinh viên Trường cao đẳng Y tế Quảng Bình này.

Linh cùng cậu thu hoạch đám khoai mì để bán lấy tiền cho Linh nhập học - Ảnh: QUỐC NAM

Linh cùng cậu thu hoạch đám khoai mì để bán lấy tiền cho Linh nhập học - Ảnh: QUỐC NAM

Mới 2 tuổi, mẹ mất do ung thư máu, 11 tuổi ba cũng qua đời vì ung thư dạ dày, cô học trò Bùi Thị Diệu Linh, thôn Tú Loan 1, xã Quảng Hưng (Quảng Trạch, Quảng Bình) phải quệt nước mắt khăn gói về ở với người cậu vì không còn ai bấu víu.

Nhưng dường như số phận vẫn chưa hết nghiệt ngã với Linh. Người cậu mới đây cũng bị phát hiện mắc ung thư bàng quang đúng lúc Linh bước vào khoa điều dưỡng, Trường cao đẳng Y tế Quảng Bình. Con đường đi học của cô học trò nhỏ vì thế đang gập ghềnh hơn bao giờ hết.

Ngôi nhà của ba số phận

Những ngày đầu tháng 10, ông Võ Ngọc Hùng, 60 tuổi - cậu của Linh - vừa đi bệnh viện về được mấy hôm đã phải gượng dậy cùng vợ ra rẫy khoai mì sát nhà để thu hoạch. 

Nói là rẫy nhưng đám khoai mì cũng chỉ được hơn trăm mét vuông. Đúng hai ngày cuối tuần, Linh cũng từ trường tại TP Đồng Hới nhảy xe buýt về nhà phụ giúp cậu.

Quần quật suốt buổi sáng, đám khoai mì đã được nhổ xong. Linh nhận phần việc tách củ khoai mì ra khỏi thân, gom lại để cậu chở đi bán. Theo ông Hùng, lứa khoai mì này củ còn nhỏ nhưng ông phải nhổ bán sớm hơn bình thường.

Phần vì sắp vào mùa mưa, cũng là lúc Linh sắp vào tháng thứ hai của đời sinh viên, phải kịp lo chi phí cho cháu ăn học. Mồ hôi đẫm lưng áo, nhưng ông Hùng vẫn cười tươi vì rẫy mì này chính là vừa đủ tiền đi học của Linh trong cả tháng tới.

Ông Hùng đưa Linh về nuôi tính đến nay đã tròn 7 năm. Linh không còn bố mẹ, nên gần như một tay ông Hùng bảo bọc nuôi dưỡng Linh từ khi Linh vừa lên cấp hai. Vợ chồng ông có hai người con ruột, thêm Linh nữa thành ba. 

Hai sào ruộng vì thế không thể lo đủ cho ba đứa nhỏ ăn học. Nên ông phải vừa đi làm "thợ đụng" quanh làng, vừa tranh thủ trồng thêm khoai mì trên mảnh vườn sát nhà mình để có thêm tiền nuôi con nuôi cháu. "Cuộc đời đã quá nghiệt ngã với cháu rồi. Cực mấy tui cũng gắng cưu mang cháu. Răng tui đành lòng nhìn cháu bơ vơ được", ông Hùng nói.

Sau khi đưa Linh về nuôi dưỡng vài năm thì bà ngoại 90 tuổi của Linh cũng bệnh tật già yếu. Ông Hùng không đành lòng, đưa luôn về nhà mình chăm sóc. Được thêm một thời gian, người anh trai của ông Hùng vốn không có vợ con cũng ngã bệnh ung thư tiền liệt tuyến.

Ngôi nhà vốn chật chội từ đó trở thành nơi cưu mang đến ba số phận bất hạnh.

"Ngày có kết quả thi, cháu cũng tính không đi học nữa vì thấy cậu quá cực khổ. Nhưng tui nghĩ cháu đã quá thiệt thòi khi mất cha mẹ quá sớm rồi. Tui gắng được ngày nào thì sẽ gắng hết sức cho cháu đi học ngày đó…", ông Hùng nói - Ảnh: QUỐC NAM

"Ngày có kết quả thi, cháu cũng tính không đi học nữa vì thấy cậu quá cực khổ. Nhưng tui nghĩ cháu đã quá thiệt thòi khi mất cha mẹ quá sớm rồi. Tui gắng được ngày nào thì sẽ gắng hết sức cho cháu đi học ngày đó…", ông Hùng nói - Ảnh: QUỐC NAM

Mới đây, tai ương một lần nữa đổ xuống ngôi nhà này. Ông Hùng sau nhiều năm gồng gánh những người thân thì cũng ngã quỵ. Ông được chẩn đoán mang tế bào ung thư bàng quang. Cơn bệnh khiến cả năm qua ông phải lui tới bệnh viện cả chục lần. 

Ngày Linh nhận giấy báo đậu vào Trường cao đẳng Y tế Quảng Bình, ông nhìn cháu mà ứa nước mắt.

Học để báo đáp ân tình

Khi bố mẹ qua đời, ngoài Linh còn có một người anh trai tên Bùi Văn Kỷ. Vì không nơi nương tựa, nên người anh trai học đến năm lớp 9 đã phải bỏ học. Sau đó, người này theo bạn vào miền Nam làm công nhân để hỗ trợ thêm cho em gái ở quê đi học. 

Đến khi dịch bệnh xảy ra, Kỷ phải về lại quê, ở trong ngôi nhà cũ của bố mẹ để lại rồi xin đi theo các nhóm thợ trong làng đi phụ hồ. Công việc bữa được bữa mất khiến Kỷ rơi vào cảnh khó khăn. Ngôi nhà cũ ngoài bàn thờ của bố mẹ giờ chỉ có đúng một chiếc giường ọp ẹp.

Linh thấu hiểu cảnh này nên tự khuyên nhủ mình phải gắng học. Mỗi ngày, ngoài buổi đi học về Linh không nề hà việc ruộng vườn giúp cậu. Tối đến, Linh chong đèn miệt mài đến khuya. 

Khi yếu đuối nhất, cô học trò nhỏ lại lủi thủi đi bộ về ngôi nhà cũ của bố mẹ, đứng trước di ảnh bố mẹ để có thêm tinh thần. "Không thể để mình gục ngã. Mình không cố gắng thì không thể thay đổi số phận được. Rồi cũng luẩn quẩn với rẫy mì", Linh tự động viên.

Linh biết cậu đã hy sinh và cực khổ quá nhiều, nên càng quyết tâm đi học. Ngành điều dưỡng Linh chọn cũng bắt đầu từ ám ảnh của ký ức những ngày bố mẹ đều bệnh tật nằm liệt giường. "Cậu nuôi dưỡng em nhưng coi em như con. Giờ cậu cũng đổ bệnh nên em cũng muốn học để sau này có thể chăm sóc cậu", Linh thổ lộ.

Hơn 1,3 tỉ đồng học bổng cho tân sinh viên Bắc Trung Bộ

Sáng 5-10, báo Tuổi Trẻ sẽ phối hợp cùng Tỉnh Đoàn Nghệ An tổ chức lễ trao học bổng Tiếp sức đến trường dành cho 86 tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn của 4 tỉnh khu vực Bắc Trung Bộ: Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Bình.

Đây là điểm trao thứ hai trong chương trình học bổng Tiếp sức đến trường năm 2023 dành cho tân sinh viên thuộc chương trình "Vì ngày mai phát triển" lần thứ 568 của báo Tuổi Trẻ.

Tổng kinh phí chương trình hơn 1,3 tỉ đồng (chưa bao gồm kinh phí hỗ trợ đi lại, ăn ở và quà tặng từ chương trình), mỗi suất học bổng trị giá 15 triệu đồng tiền mặt và suất đặc biệt 50 triệu đồng suốt 4 năm học do Quỹ "Đồng hành nhà nông" - Công ty cổ phần phân bón Bình Điền tài trợ.

Công ty TNHH Nestlé Việt Nam đã tài trợ quà tặng balo cho tân sinh viên, 4 tân sinh viên khó khăn còn thiếu thiết bị học tập sẽ được trao 4 laptop (trong đó, Quỹ Khuyến học Vinacam - Công ty cổ phần tập đoàn Vinacam tài trợ 03 laptop, Công ty cổ phần bán lẻ kỹ thuật số FPT hỗ trợ một laptop).

Chương trình học bổng Tiếp sức đến trường năm 2023 của báo Tuổi Trẻ dành cho hơn 1.200 tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn của cả nước, với tổng kinh phí hơn 19 tỉ đồng. Ngoài 86 tân sinh viên có hoàn cảnh khó khăn của 4 tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Bình trong đợt trao ngày 5-10, chương trình Tiếp sức đến trường còn được tổ chức trao theo các khu vực: miền Trung, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long; các tỉnh, thành phía Bắc và Bắc Trung Bộ.

Đồ họa: SONG UYÊN

Đồ họa: SONG UYÊN

Các bạn đăng ký học bổng Tiếp sức đến trường 2023 TẠI ĐÂY

Các bạn đăng ký học bổng Tiếp sức đến trường 2023

Nỗ lực vào giảng đường đại học của anh công nhân thời vụNỗ lực vào giảng đường đại học của anh công nhân thời vụ

Gần tháng trời làm công nhân thời vụ tiếp sức cho chặng đường đại học, Lò Văn Lâm... tiếc nuối từ bỏ, bởi việc học là quan trọng nhất với Lâm lúc này để có tương lai tươi sáng hơn.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên