Ba tác giả được giải thưởng: Xuân Phượng, Bùi Quang Lâm, Cao Xuân Sơn (thứ 2, 3, 4 từ trái qua) và đại diện Ban chấp hành Hội Nhà văn TP.HCM tại lễ trao giải - Ảnh: L. ĐIỀN
Gánh gánh gồng gồng của đạo diễn Xuân Phượng từng gây được chú ý trong cộng đồng bạn đọc ngay từ khi xuất bản.
Ghi nhận chất lượng tác phẩm này, nhà văn Bích Ngân - chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM - cho rằng "Gánh gánh gồng gồng là tác phẩm văn chương đầu tiên của Xuân Phượng được xuất bản ở Việt Nam. Đọc ác phẩm của nhà văn Xuân Phượng thấy lát cắt của số phận của cả một dân tộc. Bà đã tìm được một lối thể hiện để độc giả thấy được giá trị văn chương óng ánh trên từng trang viết".
Ảnh: T.ĐIỂU
Nhà văn Trầm Hương cũng chia sẻ cảm nhận: "Gánh gánh gồng gồng đậm chất trữ tình, xót xa, bi phẫn. Nhưng trên tất cả là niềm tự hào về người phụ nữ Việt Nam không cúi đầu khuất phục nghịch cảnh, một người mẹ tràn ngập tình mẫu tử cao đẹp, một nghị lực phi thường vượt qua những khúc quanh nghiệt ngã của lịch sử và số phận. Một hồi ký nhưng đậm chất điện ảnh, sâu thẳm nhân sinh...".
Nhà văn Bùi Quang Lâm là gương mặt mới của giải thưởng Hội Nhà văn TP.HCM, dịp này anh nhận một lượt hai tin vui: Quyển Đất K đoạt giải thưởng và tác giả được kết nạp thành hội viên mới của Hội Nhà văn TP.HCM.
Ảnh: L.Điền
Đất K của Bùi Quang Lâm chính là truyện ký độc đáo của một người Sài Gòn đã tham chiến trong những tháng ngày ác liệt tại chiến trường K.
Ban tổ chức giải ghi nhận giọng văn của Bùi Quang Lâm: Kể chuyện nhẹ tênh nhưng bạn đọc và đồng đội nhìn thấy bao ác liệt của chiến trường, những mất mát hi sinh, và còn đó nhiều vết thương cả thể xác - tâm hồn đang dằn vặt những người con thời hậu chiến...
Nhà văn Trầm Hương cũng tinh ý nhận ra những chỗ trong tác phẩm Đất K còn "gây hẫng" cho bạn đọc, đó là cách chuyển trường đoạn quá nhanh, hoặc những thân phận con người lẽ ra cần dừng lại, dụng công viết sâu hơn thì anh lại lướt qua khiến người đọc có cảm giác tiếc nuối...
Bấm chân qua tuổi dại khờ, nói như nhà thơ Cao Xuân Sơn, là tập thơ ra đời khi thoạt đầu không có ý định in thơ.
"Nhưng vì nhiều bạn bè đọc thấy lẻ tẻ trên mạng xã hội, có ý đề nghị, và cũng vì sau khi đọc lại những bài thơ làm lúc tuổi còn hăng hái, thấy phần lớn thơ đã công bố đều không đáng được tuyển, nên bèn chọn 110 bài làm tập thơ này. Vậy mà không ngờ được đông đảo bạn bè đồng nghiệp và người yêu thơ bày tỏ niềm yêu thích và đồng cảm" - nhà thơ chia sẻ.
Nhà văn Bích Ngân cũng cho rằng "ngay cái tên tập thơ - Bấm chân qua tuổi dại khờ - cũng đầy tính triết lý trong đó". Theo chị, trong tập thơ này, có những bài "khiến chúng ta phải đọc chậm, đọc nhiều lần".
Bên cạnh giải thưởng, theo truyền thống, Hội Nhà văn TP.HCM còn có hạng mục tặng thưởng, năm 2020 có 3 tác phẩm được nhận tặng thưởng gồm:
Chúng tôi - một thời mũ rơm mũ cối (hồi ký của tác giả Huỳnh Dũng Nhân),
Đoản khúc chiều phù dung (tập truyện ngắn của Vũ Văn Song Toàn),
Đi tìm mỹ cảm văn chương (tiểu luận phê bình của Trần Hoài Anh).
Dịp này, Hội Nhà văn TP.HCM cũng công bố danh sách hội viên mới vừa được kết nạp gồm 21 tác giả.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận