Công nhân dọn dẹp vệ sinh, bóc dỡ đất để làm phát lộ gành đá mới ở - Ảnh: HÂN NGỌC
Từ đầu tháng 8-2018 đến nay, hằng ngày nhiều công nhân cần mẫn dùng cuốc, bay, tay... nhẹ nhàng móc từng lớp đất nâu đỏ ở khu vực vách đá bên cạnh danh thắng quốc gia gành Đá Dĩa (xã An Ninh Đông, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên).
Một nhóm khác kéo đất vừa nạo ra để chở đi đổ nơi khác, một nhóm nữa dọn bỏ những cụm cây dại, rác rưởi che khuất các gành đá rồi dùng nước phun xịt để những chồng đá lộ ra.
Nâng cao giá trị danh thắng
Sáng 20-8, ông Phan Đình Phùng - phó chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên - đến hiện trường kiểm tra việc thi công công trình phát dọn, bóc dỡ, vệ sinh khu vực gành Đá Dĩa.
Ông tỏ ra khá hài lòng với việc một diện tích lớn những cột đá độc đáo hình lục giác vừa được phát lộ làm danh thắng này "nở" rộng hàng chục mét vuông ở phía nam. Ở phía tây bắc, các dãy đá nằm xiên, dãy cột đá thẳng cũng dần lộ ra.
Ông Phùng cho biết đầu năm 2017, các cán bộ của Sở VH-TT&DL đi khảo sát tại gành Đá Dĩa và báo cáo với UBND tỉnh là ở đó có nhiều vách đá, cột đá đẹp, độc đáo như gành đá hiện tại nhưng bị đất vùi lấp hoặc cây dại che khuất.
"UBND tỉnh đã thành lập ngay một đoàn, bên cạnh đại diện các sở ngành liên quan, còn mời cả chuyên gia địa chất để đi khảo sát thực địa và thấy rằng cần thiết phải phát dọn cây dại, bóc lớp đất che phủ các gành đá và vệ sinh khu vực này để mở rộng danh thắng ngay trong phạm vi khu vực bảo vệ 1" - ông Phùng cho hay.
Theo báo cáo kinh tế kỹ thuật đầu tư xây dựng được phê duyệt, công trình phát dọn, vệ sinh khu vực gành đá mới phát lộ tại danh thắng gành Đá Dĩa đoạn từ vách đá phía tây bắc đến phía nam dài 70m, rộng 50m.
ổng mức đầu tư dự án hơn 771 triệu đồng, từ nguồn thu phí tham quan danh thắng này. Theo Ban quản lý di tích danh thắng tỉnh Phú Yên, thời gian thực hiện công trình từ nay đến hết năm 2018.
Nói thêm về dự định sau khi hoàn thành công trình, ông Hồ Văn Tiến - giám đốc Sở VH-TT&DL Phú Yên - cho hay "sẽ đề xuất làm một hành lang đi bộ xung quanh danh thắng, du khách chỉ đi trên đó ngắm danh thắng, chụp ảnh lưu niệm mà không trực tiếp leo trèo lên mặt đá như hiện nay".
Là người được mời tham gia cùng đoàn khảo sát của tỉnh trước khi thực hiện công trình, ông Trần Đắc Lạc - chuyên gia địa chất - nói rằng đợt phát lộ này có nhiều vị trí đá nằm nghiêng hoặc choài ra ngoài là do núi lửa có nhiều đợt phun trào, đợt này xô đợt kia, tạo thêm những cảnh mới, lạ cho danh thắng.
"Mạch đá đã nằm như vậy hàng ngàn năm nay, vững chắc chứ không dễ trượt, sạt. Tuy nhiên, tôi có đề nghị khi thi công, cần cẩn trọng để không gây hỏng đá tự nhiên. Một vài nơi có những trụ đá cheo leo cần có giải pháp để gia cố cho bền vững" - ông Lạc đề nghị.
Đúng và sai trong dự án tại gành Đá Dĩa
Trong khi địa phương phấn khởi trước việc gành Đá Dĩa sẽ trở nên hấp dẫn hơn, kiến trúc sư Cao Thành Nghiệp (Hội Kiến trúc sư TP.HCM) bày tỏ sự lo ngại về dự án này. Ông chia sẻ: "Qua thực tế thực hiện tôi thấy có nhiều cái sai.
Việc bạt taluy, bạt núi để làm đường tác động đến di sản quá lớn. Khi làm phát lộ các cột đá không chân và các cột đá này có nguy cơ bị sạt lở trong mùa mưa lũ thì đơn vị thi công đã không có cách ứng xử đúng để bảo vệ di sản theo quy định hiện hành.
Qua thực tế đã thấy có một số đá bị sạt lở và được chất phía dưới nhưng đơn vị thi công vẫn tiếp tục làm là chưa ổn, thay vì dừng dự án, báo cáo với chủ đầu tư, lập hội đồng đánh giá lại...
Thời điểm thi công dự án này cũng chưa hợp lý vì thi công ngay trong mùa du lịch cao điểm, sắp tới là mùa mưa bão. Như vậy, khả năng tác động đến môi trường du lịch, khả năng bị nước mưa làm xói lở dẫn đến tuột các cột đá là rất lớn".
Theo kiến trúc sư Cao Thành Nghiệp, trong quá trình thi công trên các cột đá phải có biện pháp thi công thích hợp, có hành lang thi công để tác động vào vách đá chứ không phải đào đường, bạt vách núi để thi công trên đá.
Trả lời báo Tuổi Trẻ, đại diện Cục Di sản văn hóa (Bộ VH-TT&DL) cho biết ngày 10-10-2017, Bộ VH-TT&DL đã có văn bản đồng ý thống nhất với đề nghị của UBND tỉnh Phú Yên về việc phát dọn vệ sinh khu di tích thắng cảnh quốc gia gành Đá Dĩa.
Theo vị đại diện này, về mặt pháp lý, UBND tỉnh Phú Yên đã làm đúng quy định của pháp luật và Sở VH-TT&DL Phú Yên phải kiểm soát quá trình thực hiện dự án.
"Trong trường hợp tỉnh Phú Yên chỉ cho dọn vệ sinh, bóc dỡ đất đá vụn, bóc dỡ hết đất bề mặt để lộ nền đá, vệ sinh sạch mặt đá... mà đòi hỏi người thực hiện phải có chứng chỉ hành nghề tu bổ di tích là không cần thiết" - đại diện Cục Di sản văn hóa nói.
Vị đại diện này cũng chia sẻ: "Cục Di sản văn hóa rất muốn vào xem tình hình thực tế, kiểm tra việc thực hiện của Phú Yên, nhân thể hướng dẫn tỉnh này thực hiện luôn thì quá tốt, nhưng chúng tôi ít người quá".
Danh thắng địa chất độc đáo
Gành Đá Dĩa là danh thắng rất nổi tiếng ở Phú Yên, được Bộ Văn hóa - thông tin (nay là Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch) công nhận là danh thắng thiên nhiên cấp quốc gia năm 1998.
Những cột đá màu đen tuyền, hình lục giác xếp chồng lên nhau như những chồng dĩa khổng lồ, lạ lùng bên biển biếc đã tạo nên sự độc đáo, hấp dẫn của danh thắng này.
Phần lớn đá nứt theo mạch dọc, tạo thành những cột thẳng đứng hoặc xiên, cũng có những đường xiết ngang cắt cột đá thành những hình dạng khác nhau.
Trên thế giới, ngoài Phú Yên chỉ có một vài nơi khác có kiểu đá như Đá Dĩa là các ghềnh đá Giant's Causeway (Bắc Ireland, Vương quốc Anh), Los Órganos (Tây Ban Nha), Fingal (Scotland)...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận