28/09/2022 11:42 GMT+7

'Gánh con' đi suốt cuộc đời - Kỳ 3: Ước mơ con bay trên vai gầy của mẹ

TÂM LÊ
TÂM LÊ

TTO - Chàng trai gầy gò, bé xíu như đứa trẻ, nằm ngọ nguậy một chỗ Đỗ Hà Cừ, chủ CLB "Không gian đọc hy vọng" và dự án chuỗi tủ sách cho người khuyết tật đã được nhiều người biết. Người âm thầm giúp anh hiện thực hóa giấc mơ là người mẹ của anh.

Gánh con đi suốt cuộc đời - Kỳ 3: Ước mơ con bay trên vai gầy của mẹ - Ảnh 1.

Cừ 39 tuổi nhưng ốm đau nên mẹ già hằng ngày vẫn chăm anh như đứa trẻ - Ảnh: TÂM LÊ

Bà luôn lặng lẽ bên anh trong hành trình cuộc đời ốm đau suốt 39 năm qua.

Làm đôi tay, đôi chân cho con

Ông Phạm Cường, chủ thư viện sách tư nhân ở TP.HCM khi nhắc đến Đỗ Hà Cừ đều dành nhiều cảm phục về người mẹ.

"Bà Kim Sơn, mẹ của Cừ, là người phụ nữ xứng đáng được ghi danh, bà rất giỏi. Cừ đạt được kỳ tích như vậy là nhờ có bà, bà luôn kiên trì và hết mực yêu thương con mình", ông Cường cho biết đã có lần cùng bà Sơn làm dự án mở tủ sách.

Trong nhiều bài viết về mình, Hà Cừ luôn nhắc đến mẹ, rồi anh làm thơ về mẹ. "Mẹ chính là một "phiên bản" của tôi biết đi, biết làm. Hơn thế mẹ còn là bạn, tri kỷ trong cuộc sống của tôi", Cừ nói lắp bắp không nghe rõ vì di chứng của bệnh, dường như anh đã dùng cả cơ thể để trình bày ý của mình.

Chỉ cần gõ địa chỉ "Không gian đọc hy vọng" vào Google map, bạn sẽ được dẫn đường tới tận nơi. Đó cũng chính là địa chỉ nhà riêng của Đỗ Hà Cừ và bố mẹ ở phường Trần Lãm, TP Thái Bình.

Ngôi nhà góc phố gắn biển hiệu nhỏ về không gian đọc, ngay phòng ngoài tầng trệt đã gặp sách. Giá sách dựng xung quanh tường, chia khu vực với đủ các thể loại.

Mẹ của Cừ, bà Nguyễn Kim Sơn, người cao gầy, niềm nở dẫn chúng tôi vào nhà trong. Bà cho biết đang tìm hai cuốn sách để Cừ tặng một thành viên tích cực của CLB, sách nằm trên kho nên hơi khó tìm.

Khu vực bếp ăn được biến thành góc riêng cho Cừ, với nhiều tiện ích để một người chỉ nằm một chỗ được thoải mái.

Thảm đệm kê sát mặt đất, máy tính to như màn hình tivi, phòng tắm được cơi nới rộng ra bên ngoài. Phòng bếp nhưng không có mùi dầu mỡ, nước tẩy rửa vì bà Sơn đã kê bếp nấu ra ngoài hành lang.

Mỗi ngày, hai mẹ con làm việc cùng nhau, tất cả đều liên quan đến sách. Công việc không có lợi nhuận nhưng lại khá bận rộn. Cừ chat máy tính với nhóm bạn, cùng lúc đó bà Sơn cũng liên tục chat bằng điện thoại, trả lời các cuộc gọi đến. Zalo, Facebook của Cừ cũng là của mẹ.

Cừ chỉ nhỏ như cậu bé 6 tuổi, chân tay co rúm, chỉ lật người thôi cũng thấy khó. Vậy mà Cừ đang lên kế hoạch mở tủ sách thứ 17, duyệt logo và khá bận rộn.

"Nghĩ thì đơn giản, nhưng mỗi lần mở tủ sách mới rất nhiều việc phải làm. Phải có kế hoạch, địa điểm, giá đựng, nguồn sách, vận chuyển, buổi ra mắt... Cừ thì muốn cái gì cũng phải chỉn chu", bà Sơn lắc đầu nhìn Cừ.

Cừ tạo ra ý tưởng, viết kế hoạch lên máy tính, bà Sơn lại bắt tay thực hiện từng việc nhỏ nhất. "Mẹ cũng là người duyệt, chỉnh sửa, bổ sung vào ý tưởng mới", Cừ vui vẻ nói.

"Sau dịch có nhiều việc phải làm, tôi muốn mở thêm nhiều tủ sách ở các vùng quê. Về lâu dài, tôi sẽ lập chuỗi kinh doanh về sách để sau này có thể sống được bằng nghề", Cừ đang rất nhiều năng lượng.

Bà Sơn lại lắc đầu, mắng yêu Cừ quá "tham vọng", nghĩ ra đủ thứ việc. Rồi quay nhìn đồng hồ nhẹ nhàng hỏi con uống nước, hay đi tiểu. Chỉ cần Cừ ra tín hiệu, bà Sơn sẽ nhanh chóng nhận ra con trai muốn gì.

Bữa cơm vừa dọn ra, bà Sơn đã lấy phần cơm canh bón cho Cừ ăn trước. "Nước thịt kho, cà muối, canh là những món Cừ thích ăn nhất". Nhưng bữa cơm có ngon cỡ nào thì Cừ chỉ ăn cầm chừng, anh sợ cân nặng mẹ sẽ không bế nổi lên xe lăn.

Gánh con đi suốt cuộc đời - Kỳ 3: Ước mơ con bay trên vai gầy của mẹ - Ảnh 2.

Cừ được mẹ chuẩn bị ra dạo phố - Ảnh: TÂM LÊ

Khúc ruột của mẹ

Từ khi sinh Hà Cừ, bà Sơn chưa bao giờ rời xa con mình nổi một ngày. Có lần bà đi vắng nửa ngày và Cừ không đi tiểu được dù có người khác giúp. Hỏi sao bà có thể làm được điều đó suốt mấy chục năm trời? Bà không chút suy nghĩ mà trả lời: "Đó là con mình sinh ra, là khúc ruột của mình mà!".

Năm 1984 Cừ chào đời, là trái chín tình yêu đầu của đôi vợ chồng trẻ, cô kỹ sư thủy lợi và chàng quân nhân xuất ngũ. Nhưng niềm vui chưa kéo dài được bao lâu, đứa trẻ của họ không thể ngồi, chỉ có thể nằm và đã nằm như vậy mãi.

Cừ được xác định bị di chứng chất độc da cam do bố anh đã nhiễm chất độc này trong hai năm chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị. Bốn năm sau, em trai Cừ chào đời, rất may cậu bé lành lặn, đôi vợ chồng trẻ có niềm tin vào cuộc sống. Nhưng với người mẹ, "cuộc chiến" giành sự sống cho con trai tật nguyền chỉ mới bắt đầu.

Bà Sơn làm ở Ty Thủy lợi trong thành phố, một nách hai con nhỏ. Chồng công tác xa nhà, con trai út đi nhà trẻ. Cừ không ai nhận trông, bà phải để nằm trong nhà khóa trái cửa.

Hằng ngày, bà Sơn đạp xe đi làm, nửa buổi lại đạp về thăm con. Một ngày đạp xe đi về 5 lần, cho Cừ uống nước, uống thuốc, đi vệ sinh, hoặc chỉ về thăm để yên tâm.

Cừ không thể đến lớp học, bà làm "giáo viên" giúp con tập đọc, tập viết từng chữ. Lúc giải lao, bà đọc sách cho Cừ nghe mỗi ngày, nhờ đó mà Cừ yêu sách. Trong công việc, nhờ được tiếp xúc với máy tính sớm nên bà đã dạy cho đứa con khuyết tật.

Được kết nối với những người bạn chung cảnh ngộ từ mọi miền đất nước, Cừ có ý tưởng mở CLB Không gian đọc hy vọng để các bạn tìm được niềm vui như mình.

Từ năm 2015 đến nay, hai mẹ con đã kêu gọi quyên góp đưa số đầu sách của CLB từ 300 lên 4.000 cuốn. Mở 16 tủ sách, trong đó có 12 tủ cho người khuyết tật, phần lớn số này họ tự quản lý.

"Cừ luôn muốn bản thân tốt hơn, cũng muốn làm điều tốt giúp mọi người nên tôi rất vui. Có những vất vả mà không phải ai cũng hiểu được, kể cả người trong gia đình. Nhìn lại chặng đường buồn vui đều có.

Không gian đọc giúp các bạn khuyết tật và bố mẹ các bạn ấy bớt mặc cảm, tự ti khi ra xã hội", bà Sơn kể. Có bạn rất thương, bố mẹ không muốn con ra đường, đi công viên chơi. Thăm họ hàng, bạn bè cũng để con ở nhà vì xấu hổ, nhưng sau khi tới không gian đọc thì bố mẹ đã đưa con đi khắp nơi.

Cuốn sổ dày để ký nhận mượn sách đã sắp kín trang. Bà Sơn luôn niềm nở chào đón người mượn sách, linh động theo ý nguyện của người mượn. Ai ở xa có thể mượn số lượng nhiều hơn, không có quyển cần mượn thì ghi lại tên sách để bà tìm ở kho...

Bà khoe, hai mẹ con vừa có chuyến đi 300km lên tận Cao Bằng để nhận bằng khen và giao lưu với bạn đọc. Những bằng khen treo trên tường, trên giá sách của Cừ đều có mẹ bên cạnh.

Bằng khen thủ lĩnh xuất sắc trong hoạt động tình nguyện của Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam năm 2018, Giải thưởng văn hóa đọc của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch trao năm 2019, Gương mặt tiêu biểu tình nguyện quốc gia năm 2020.

Chiều mát, Cừ được bế lên xe lăn điện để ra ngoài đi dạo phố. Bà Sơn đội mũ bảo hiểm cho con, nhét thêm cái điện thoại vào túi gần tay cầm của xe lăn. Mũ để Cừ ngã không bể đầu như lần trước bị ngã phải khâu bảy mũi. Điện thoại để Cừ nếu lạc đường sẽ gọi cho mẹ.

Chuẩn bị tươm tất như vậy nhưng bà Sơn vẫn chậm bước dõi theo con từ xa. Nhà văn Võ Bá Cường sống cùng khu phố với gia đình bà Sơn, hay cảm thán: "Nếu có vài tạ vôi xi măng, tôi sẽ đúc cho bà tượng người mẹ ở góc hè này. Bởi vì không có bà thì không có Cừ hôm nay, hiếm có người mẹ nào làm được như vậy".

"Tôi muốn làm nhiều thứ nữa nhưng sức khỏe của mẹ yếu rồi, làm từ từ để mẹ còn nghỉ ngơi. Tôi nhờ thêm các bạn trong CLB giúp mà vẫn không ai thay mẹ được", Cừ cười nói khó nhọc. Em trai Cừ đã lập gia đình và ra ở riêng, Cừ chỉ nhờ cả vào mẹ, thi thoảng có trợ giúp của bố.

Bàng hoàng nhận ra bệnh tự kỷ của con sẽ phải sống chung suốt đời, người mẹ đã bỏ việc để toàn thời gian bên con và cùng con "chiến đấu" với bệnh.

Kỳ tới: Mẹ "gánh" bệnh tự kỷ cùng con

'Gánh con' đi suốt cuộc đời - Kỳ 2: Thương đứt ruột những đứa con lớn ngược

TTO - Hai đứa bé tuổi 9-10 đang lớn nhanh, bỗng một trận sốt làm cơ thể, chân tay cứ thế nhỏ lại, yếu dần. Người mẹ hơn 30 năm chịu đựng bao khó nhọc, đắng cay phận người để làm đôi tay, đôi chân cho các con.

TÂM LÊ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên