Thời điểm cuối năm, gần Tết Nguyên đán, nhu cầu làm đẹp của người dân tăng cao, kéo theo nhiều trường hợp tai biến do làm đẹp tại các cơ sở kém chất lượng, trong đó tai biến xăm chiếm tỷ lệ cao. Có ngày Khoa Thẩm mỹ da – Bệnh viện Da Liễu TP.HCM tiếp nhận 5-6 trường hợp tai biến sau xăm môi, xăm chân mày và không phải trường hợp nào cũng có thể điều trị trở về như ban đầu.
Quá hoảng sợ sau khi xăm môi
Các bác sĩ Khoa Thẩm mỹ da - Bệnh viện Da Liễu TP.HCM cho biết Bệnh viện vừa tiếp nhận một trường hợp bị tai biến do xăm môi. Đó là chị T.T.T (27 tuổi, ngụ ở Đồng Nai) . Chị T. đến Khoa Thẩm mỹ da – Bệnh viện Da Liễu TP.HCM trong tình trạng môi trên sưng to, chảy mủ, môi dưới đóng mài, bong tróc gây đau nhức kèm sốt. Do chị T. bị tai biến nặng, nên các bác sĩ đã chỉ định cho chị nhập viện điều trị.
Vì muốn có một cặp môi hồng, gợi cảm đón xuân nên trước đó 2 tuần chị T. đã đến một thẩm mỹ viện tại huyện Định Quán (Đồng Nai) và được tư vấn xăm môi với giá 2 triệu đồng.
Sau khi xăm môi một tuần, môi dưới của chị bỗng bị nổi mụn. Ngày hôm sau môi trên cũng xuất hiện nhiều nốt mụn mủ sưng to, gây đau nhức kèm sốt. Chị T. liên hệ lại thẩm mỹ viện, nơi chị đã xăm môi, thì được hướng dẫn đến một phòng khám đa khoa gần đó để khám.
Tại phòng khám đa khoa, chị T. được chẩn đoán nhiễm trùng sau xăm và được kê thuốc kháng sinh, nhưng tình trạng không đỡ mà môi càng sưng to hơn kèm chảy mủ. Quá hoảng sợ, chị vội đến Khoa Thẩm mỹ da - Bệnh viện Da Liễu TP.HCM khám và được chỉ định nhập viện.
Nên đến các cơ sở xăm uy tín
Ths.BS Nguyễn Duy Quân – Khoa Thẩm mỹ da – Bệnh viện Da Liễu TP.HCM nhận định có thể chị T. bị dị ứng với mực xăm, bởi mực xăm màu đỏ thường dùng để xăm môi có tỷ lệ dị ứng cao. Hơn nữa, bệnh nhân còn bị nhiễm trùng nặng, môi sưng phù, kèm theo chảy nhiều dịch mủ, tình trạng này có thể là hậu quả của việc xăm môi với kĩ thuật xăm không đảm bảo điều kiện vô trùng, cộng với việc chăm sóc và xử trí sau đó không thích hợp.
Còn BS.CK2 Võ Thị Đoan Phượng – Trưởng khoa Lâm sàng 1- Bệnh viện Da Liễu TP.HCM cho biết bệnh nhân được điều trị bằng thuốc kháng sinh, kháng viêm. “Dự kiến quá trình điều trị cho chị T sẽ mất nhiều thời gian, và bệnh nhân phải chịu những đau đớn nhất định. Ngoài ra, tình trạng viêm da tiếp xúc dị ứng sau xăm có thể kéo dài hàng năm trời, và có thể bị tái phát lại nhiều lần do những chất xăm môi đã vào trong môi, nên không thể lấy ra được.” BS Đoan Phượng nhấn mạnh.
“Xăm là một thủ thuật xâm lấn, vì vậy để đảm bảo an toàn, chị em phụ nữ cần hết sức lưu ý khả năng dị ứng với mực xăm màu đỏ. Khi quyết định xăm hãy đến các cơ sở xăm uy tín, đảm bảo các trang thiết bị và quy trình vô trùng; khi có bất thường xảy ra, hãy đến khám ngay tại các bệnh viện có chuyên khoa da liễu, thẩm mỹ để được điều trị kịp thời, tránh những xử lí sai dẫn đến các tổn thương nặng nề hơn, khó hồi phục.” BS Nguyễn Duy Quân khuyến cáo.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận