09/01/2014 10:09 GMT+7

Gắn kết du lịch TP.HCM - Vũng Tàu

LÊ NAM - ĐÔNG HÀ thực hiện
LÊ NAM - ĐÔNG HÀ thực hiện

TT - Theo nhiều doanh nghiệp, việc đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây vừa đưa vào sử dụng đoạn TP.HCM - Long Thành đã tạo cơ hội rất lớn cho tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát triển, đặc biệt là lĩnh vực du lịch, khi khoảng cách đi lại của du khách giữa hai địa phương chỉ còn 1 giờ 30 phút.

kqxHSV7j.jpgPhóng to
Xe qua trạm thu phí Long Phước (Q.9) đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây chiều 8-1 - Ảnh: Lê Nam

Liệu Bà Rịa - Vũng Tàu có tận dụng được lợi thế này? Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Hồ Văn Lợi, giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, nói:

tCxVY0Yj.jpg
Ông Hồ Văn Lợi - Ảnh: Đông Hà

- Đây là cơ hội lớn, thuận lợi để ngành du lịch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát triển. Rõ nhất là thời gian di chuyển từ TP.HCM đến Bà Rịa - Vũng Tàu đã rút ngắn chỉ còn khoảng 1 giờ 30 phút. Nhiều năm qua, các công ty lữ hành quốc tế ít đưa khách đến Bà Rịa - Vũng Tàu do thời gian di chuyển từ TP.HCM quá lâu, thường xuyên xảy ra kẹt xe.

Nay thời gian rút ngắn, cơ hội sẽ mở ra cho các doanh nghiệp du lịch lữ hành gắn kết, làm đa dạng sản phẩm du lịch nối tuyến giữa TP.HCM với Bà Rịa - Vũng Tàu, từ đây thúc đẩy hoạt động dịch vụ vận chuyển, thương mại, lưu trú, ăn uống và vui chơi giải trí..., thu hút thêm nhà đầu tư, kinh doanh đến làm ăn.

* Rút ngắn khoảng cách giữa hai địa phương là cơ hội, nhưng nếu hệ thống dịch vụ du lịch không tốt như xảy ra tình trạng “chặt chém”chắc chắn sẽ khó lòng kéo dài thời gian lưu trú của du khách, thưa ông?

- Có thể sẽ có một số doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh du lịch, dịch vụ không chuẩn bị kịp hàng hóa, chưa kịp nâng cấp chất lượng dịch vụ tương ứng khi du khách tăng đột biến. Tình hình an ninh trật tự, môi trường du lịch bị ảnh hưởng, giao thông đi lại trong các khu du lịch, nghỉ dưỡng, bãi tắm sẽ khó khăn hơn... Những khó khăn này chúng tôi có thể nhìn thấy trước được nhưng không thể chủ quan và luôn nhắc nhở các doanh nghiệp phải chủ động hơn. Chúng tôi cũng tập hợp danh sách “những địa chỉ du lịch tin cậy” công bố trên Internet để du khách có thể tham khảo.

Phải nói thẳng trong thời gian qua, sự phối hợp giữa cơ quan quản lý ngành du lịch, địa phương, các ngành chức năng khác chưa chặt chẽ, nhịp nhàng dẫn đến một vài điểm xảy ra tình trạng “chặt chém” du khách. Sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước với các doanh nghiệp du lịch chưa thống nhất, hỗ trợ nhau nhiều. Bản thân các doanh nghiệp hợp tác, liên kết với nhau cũng chưa mạnh dẫn đến sản phẩm du lịch của Bà Rịa - Vũng Tàu còn nghèo nàn, không hấp dẫn du khách. Việc giới thiệu, quảng bá các điểm đến, ưu thế, đặc trưng của du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu ra bên ngoài còn rất yếu, thiếu sản phẩm du lịch thể hiện sự khác biệt của Bà Rịa - Vũng Tàu với các địa phương khác.

* Bà Rịa - Vũng Tàu là địa phương ở sát TP.HCM - thị trường có gần 10 triệu dân, cảng hàng không lớn nhất VN, tỉnh sẽ làm gì để phát huy lợi thế này?

- TP.HCM đúng là thị trường khách trọng điểm, giàu tiềm năng của Bà Rịa - Vũng Tàu. Có thể nói mỗi địa phương đều có lợi thế riêng và hoàn toàn có thể cùng nhau phối hợp, liên kết để phát triển. Thế mạnh của Bà Rịa - Vũng Tàu là bãi tắm đẹp, nhiều di tích lịch sử, thắng cảnh quốc gia. Văn hóa ẩm thực của Bà Rịa - Vũng Tàu cũng có nhiều món đặc sắc như bánh khọt Vũng Tàu. Chúng tôi đã xác định liên kết, hợp tác với TP.HCM và các doanh nghiệp lữ hành quốc tế và nội địa để phát triển du lịch, đưa du khách từ TP.HCM hoặc quá cảnh tại đây sẽ đến Bà Rịa - Vũng Tàu là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong những năm tới phải đẩy mạnh và thực hiện.

Hiện nay, khu nghỉ dưỡng phức hợp Hồ Tràm Strip (xã Phước Thuận, huyện Xuyên Mộc) đã khai trương và đón nhiều khách quốc tế đến đây nghỉ dưỡng, vui chơi. Dự án đã và sẽ là “điểm sáng” trong việc thu hút du khách quốc tế đến với Bà Rịa - Vũng Tàu nhờ cơ chế quản lý chuyên nghiệp, dịch vụ sang trọng, đầy đủ, đáp ứng được đòi hỏi cao của người nước ngoài. Ngoài ra, loại hình du lịch nghỉ dưỡng cao cấp dành cho khách nước ngoài còn có khu du lịch Carmelina, khu du lịch Hồng Phúc của Vietsovpetro, Six Senses Côn Đảo.

Trong thời gian tới, chúng tôi cũng sẽ tập trung thu hút du khách Nhật Bản đến Bà Rịa - Vũng Tàu vì hiện tại các khu công nghiệp chuyên sâu, hỗ trợ dành cho các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản đang được triển khai xây dựng gấp rút. Trung tâm xúc tiến du lịch cũng đang hoàn chỉnh kế hoạch thu hút khách Nhật Bản đến tỉnh, trình UBND tỉnh phê duyệt.

Ông Lã Quốc Khánh (phó giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch TP.HCM):

Sẽ tạo sức hấp dẫn hơn

Vấn đề giao thông là mấu chốt trong việc phát triển các sản phẩm du lịch. Đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây đưa vào hoạt động sẽ tiết kiệm thời gian, khoảng cách, chi phí các chương trình du lịch của các công ty lữ hành. Thời gian đến các điểm đến ở Bà Rịa - Vũng Tàu đã ngắn hơn sẽ tạo sức hấp dẫn, thu hút du khách, đặc biệt là dòng khách du lịch cuối tuần đến với Bà Rịa - Vũng Tàu dễ dàng hơn.

Nếu ngành du lịch hai địa phương hợp tác chặt chẽ chắc chắn sẽ thúc đẩy lượng khách đến Bà Rịa - Vũng Tàu, đặc biệt là chương trình chào hè sẽ diễn ra trong sự kiện Ngày hội du lịch mà Sở Văn hóa - thể thao và du lịch TP.HCM đang chuẩn bị. Khách du lịch tại TP.HCM cần phải biết thêm những thông tin, trải nghiệm về tiềm năng du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu. Ngành du lịch TP.HCM cam kết sẽ hỗ trợ, hợp tác để thúc đẩy phát triển du lịch giữa hai địa phương.

Tọa đàm “Du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu kết nối du lịch TP.HCM”

Ngày 11-1, tại Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ diễn ra buổi tọa đàm “Du lịch Bà Rịa - Vũng Tàu kết nối du lịch TP.HCM” do UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, báo Tuổi Trẻ chủ trì. Buổi tọa đàm dự kiến có sự tham gia của hơn 100 đại biểu là đại diện các cơ quan ban ngành của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, TP.HCM, các doanh nghiệp lữ hành quốc tế và nội địa... trên địa bàn TP.HCM và Bà Rịa - Vũng Tàu bàn về các tiềm năng, cơ hội khai thác thị trường du lịch của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Đồng thời đề xuất các giải pháp về đầu tư cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất, đào tạo nguồn nhân lực, phát triển sản phẩm mới.

* Theo Ban quản lý dự án đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, sau năm ngày đưa đường cao tốc vào hoạt động, bình quân mỗi ngày có 7.500-8.300 ôtô (dưới 10 tấn) lưu thông đoạn từ đường vành đai 2 (Q.9, TP.HCM) đến quốc lộ 51 (thị trấn Long Thành, Đồng Nai).

Trong khi đó, ông Trần Minh Thành - giám đốc Xí nghiệp bến phà Cát Lái - cho biết kể từ khi thông xe đường cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, lượng ôtô từ 30 chỗ ngồi trở xuống đi qua phà giảm 40-50% so với trước đó.

LÊ NAM - ĐÔNG HÀ thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên