Ban đầu khuyến khích, dần dần bắt buộc
Việc Chi cục Chăn nuôi và Thú y TP.HCM mới đây thông tin có thể thí điểm gắn chip quản lý chó, mèo ở một số nơi trong nội thành đang được nhiều người dân ủng hộ. Dưới dây là chia sẻ của một bạn đọc và một bác sĩ thú ý với Tuổi Trẻ Online xung quanh chuyện này.
Những người nuôi thú cưng như gia đình chúng tôi hết sức ủng hộ chủ trương trên. Chó, mèo đi lạc hoặc bị mất trộm, chủ nuôi có thể tìm lại được thú cưng của mình nhờ gắn chip.
Chúng tôi còn kỳ vọng việc gắn chip cho chó, mèo sẽ góp phần giải quyết vấn nạn chó thả rông cắn người, phóng uế bừa bãi. Nếu chó thả rông bị “tóm”, từ chip cơ quan chức năng sẽ dễ dàng truy ra ngay được thông tin của chủ nuôi, nhanh chóng có biện pháp xử lý.
Nếu việc gắn chip quản lý chó, mèo được thực thi sẽ tác động vào ý thức, tăng thêm trách nhiệm với người nuôi. Và quan trọng hơn là sẽ lập lại trật tự trong việc nuôi chó, mèo gây nhiều ảnh hưởng, bức xúc với nhiều người như thời gian vừa qua.
Lâu nay gia đình tôi và bạn bè đã xem sự hiện diện của chó, mèo như thành viên trong nhà. Thậm chí chó, mèo được yêu thương, lo lắng như đứa con cưng, nhất là mỗi khi sức khỏe chúng có vấn đề.
Tuy nhiên điều chúng tôi quan tâm là việc gắn chip này có ảnh hưởng gì đến sức khỏe của thú cưng hay không? Chip được sản xuất từ đâu, chi phí khoảng bao nhiêu, có phải kiểm tra định kỳ và thay chip mới...? Nếu có được những thông tin cụ thể, người nuôi chó, mèo làm thú cưng như chúng tôi sẽ yên tâm hơn.
Theo thống kê, TP.HCM hiện có hơn 184.000 con chó, mèo được gần 106.000 hộ gia đình nuôi dưỡng. Đây sẽ là một bài toán lớn với công tác quản lý chó, mèo sao cho hiệu quả, trật tự.
Muốn thực hiện tốt thì cần có sự chuẩn bị tổ chức thật chặt chẽ, khoa học để tránh phiền hà cho chủ nuôi của chó, mèo. Ngoài ra, chi phí gắn chip cũng cần vừa túi tiền để có thể triển khai đại trà sau này, khi việc gắn chip cho chó, mèo là bắt buộc, không còn khuyến khích nữa.
Gắn chip đơn giản, không gây đau đớn với chó, mèo
Bác sĩ thú y Trần Công Tiến Đạt (công tác tại một bệnh viện thú y ở Quảng Bình) cho biết: "Microchip là một thiết bị nhỏ được cấy vào dưới da của thú cưng, thường ở vùng cổ, và chứa một mã số duy nhất. Khi được quét bằng máy đọc microchip, mã số này sẽ hiển thị, giúp xác định chủ sở hữu của thú cưng nếu chúng bị thất lạc.
Quá trình gắn chip khá đơn giản và không gây đau đớn đối với thú cưng. Bác sĩ thú y sẽ sử dụng một ống kim nhỏ để cấy microchip dưới da của thú cưng. Sau khi microchip được cấy, nó sẽ giữ vững trong cơ thể của thú cưng suốt đời và không cần phải thay thế.
So với vòng cổ hoặc dây đeo, microchip không thể mất được. Nó được cấy sâu dưới da, vì vậy không có nguy cơ mất mát như các phụ kiện khác.
Microchip được cấy vào dưới da của thú cưng một cách an toàn sẽ không gây ra các vấn đề sức khỏe hay ảnh hưởng đến hoạt động hằng ngày của thú cưng.
Microchip có thể được quét bởi máy đọc microchip tại các phòng khám thú y, trung tâm cứu hộ, hoặc bởi cơ quan quản lý thú cưng. Quá trình quét nhanh chóng và dễ dàng, giúp xác định thông tin liên lạc của chủ nuôi.
Chi phí gắn microchip ban đầu vừa phải, khoảng từ 200.000 - 300.000 đồng. So với lợi ích mà nó mang lại, đây thường được coi là một khoản chi phí hợp lý. Việc gắn microchip là một biện pháp quan trọng nhằm bảo vệ và quản lý chó, mèo một cách hiệu quả".
Bình luận dưới bài viết Có thể thí điểm gắn chip quản lý chó, mèo ở TP.HCM, tài khoản lvng****@gmail.com nhấn mạnh: "Tại sao phải khuyến khích người nuôi chó, mèo gắn chip nhằm theo dõi quản lý? Cái này là phải bắt buộc thực hiện để quản lý, chứ khuyến khích thì có người thực hiện và cũng có người không thực hiện, việc quản lý bằng gắn chip sẽ không đạt được hiệu quả".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận