Một tài xế mua bình chữa cháy tại một cửa hàng trên đường An Dương Vương, Q.5, TP.HCM - Ảnh: Tự Trung |
Ở Hà Nội, nhiều chủ xe cho biết việc trang bị cho ôtô chủ yếu là để tránh bị phạt nhưng chưa an tâm với chất lượng các loại bình.
Anh Nguyễn Văn Thái (P.Dịch Vọng, Q.Cầu Giấy) nói trên thị trường chỉ có bình chữa cháy của Trung Quốc, giá bán mỗi nơi một kiểu, muốn có tem phải trả thêm tiền nhưng chất lượng chưa biết thế nào.
Tương tự, anh Tuấn Anh (Q.Hai Bà Trưng) cho biết để trong xe loại bình chữa cháy của Trung Quốc cũng không yên tâm.
“Nhưng không mua để gắn trong xe thì bị phạt nên đành phải chấp nhận rủi ro” - anh Tuấn nói.
Một trong những lý do khiến nhiều chủ xe băn khoăn về tính an toàn của bình chữa cháy này vì trên các bình đều ghi “phải được bảo quản ở nhiệt độ không quá 50-55oC”, trong khi xe để ở ngoài trời nắng vào mùa hè thì nhiệt độ trong xe chắc chắn cao quá ngưỡng này.
Đại tá Nguyễn Văn Sơn - phó giám đốc Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy Hà Nội - xác nhận trên thị trường có rất nhiều loại bình chữa cháy, đồng thời khuyến cáo không nên mua các loại bình không có tem.
Theo ông Sơn, thường những loại bình nhập về đều đã được Bộ Công an kiểm định, có tem của cả Cảnh sát phòng cháy chữa cháy, riêng hàng nhập lậu sẽ không qua cơ quan kiểm định.
“Việc kiểm định thường được thực hiện theo lô hàng. Một lô hàng nhập về hàng nghìn bình nhưng khi kiểm tra cũng chỉ xác suất một vài cái, sau đó tem kiểm định được dán thẳng vào bình” - ông Sơn nói.
Ông Sơn cho rằng mỗi bình chữa cháy đều có khóa chốt hãm ở tay cò nên khi nhiệt độ và áp suất lên cao, bình có van tự xả, nguy cơ nổ bình là rất hiếm.
“Tôi cũng để bình trong xe, đã sử dụng không sao. Còn về nắng nóng, yên tâm là bình không nổ” - ông Sơn khẳng định. Tuy nhiên, ông Sơn cho biết do đây là quy định khá mới tại VN nên ngành phòng cháy chữa cháy sẽ lắng nghe phản hồi từ người dân.
PGS.TS Phạm Hữu Nam (nguyên trưởng phòng thí nghiệm bộ môn ôtô và xe chuyên dụng ĐH Bách khoa Hà Nội) cho rằng đứng ở góc độ an toàn, cần phải có bình chữa cháy nhưng có những môi trường không phù hợp. Nếu cháy ở động cơ, chỗ chứa xăng thì có khả năng gây nổ, lúc đó có nên mở capô ra để dập không? “Ai cũng khuyến cáo là nên tránh xa nếu xảy ra cháy nổ ở động cơ. Chỉ với những vụ cháy như xuất phát ở khoang hành khách, vị trí ngoài động cơ thì bình cứu hỏa có thể dập được” - ông Nam nói.
Dán tem kiểm định trả thêm 20.000 đồng Trong ngày 7-1, đông người tìm mua bình chữa cháy cho ôtô đổ về phố Yết Kiêu, Nguyễn Du (Hà Nội)... Hầu hết khách hàng đều không có thời gian kiểm tra bình, cũng không được giải thích về chất lượng sản phẩm, chỉ hỏi giá, trả tiền và nhận sản phẩm vì sợ người khác mua trước. Tại một điểm bán trên đường Nguyễn Du, do giá bán chỉ có 120.000 đồng/bình chữa cháy loại 1kg nên nhiều khách hàng tranh nhau mua. “120.000 đồng là giá bán bình không có tem kiểm định. Nếu dán thêm tem thì trả thêm 20.000 đồng” - một nữ nhân viên bán hàng nói. Hều hết khách hàng đều chọn cách trả thêm tiền để được dán tem. Nếu khách hàng muốn mua bình có tem kiểm định, chủ hàng dán tem ngay theo yêu cầu thay vì bình đã có tem từ trước. Tuy nhiên, đến 10g cùng ngày, cửa hàng này thông báo chỉ còn bình chứ hết tem, nếu mua bình có tem phải đợi. Trong khi đó, tại các cửa hàng trên phố Yết Kiêu, giá bán bình loại 1kg từ mức 140.000 đồng, sau đó được nâng lên 160.000 đồng. Ngoài các cửa hàng bán đồ bảo hộ lao động, các điểm rửa xe cũng làm thêm dịch vụ mời chào khách rửa xe mua bình, trong đó có nơi hét giá bán từ 250.000-300.000 đồng/bình loại 1kg. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận