29/02/2020 17:13 GMT+7

Gần 70 trận dịch bệnh ở Việt Nam thế kỷ 19, thi hào Nguyễn Du qua đời vì dịch

PHẠM HOÀNG QUÂN
PHẠM HOÀNG QUÂN

TTO - Chỉ riêng trong Đại Nam thực lục thấy chép gần 70 trận dịch lớn nhỏ trong thời gian 75 năm (từ năm 1820 đến 1895, trung bình hơn 1 năm xảy ra 1 trận).

Gần 70 trận dịch bệnh ở Việt Nam thế kỷ 19, thi hào Nguyễn Du qua đời vì dịch - Ảnh 1.

Những nhân viên kiểm tra trên đường phố Hong Kong trong đợt dịch hạch những năm 1890. Dịch hạch toàn cầu lần thứ ba bắt đầu năm 1855 ở Vân Nam, Trung Quốc, được cho là đã khiến hơn 12 triệu người thiệt mạng - Ảnh: CNN

Sử nước ta, do giới hạn về kiến thức khoa học cộng với quan niệm dịch bệnh do trời, nên hạn chế ở phần miêu thuật tình trạng cá nhân người bệnh cũng như những diễn biến dịch bệnh trong cộng đồng. Nhưng ở góc độ khác, công tác hành chánh khá tiến bộ qua việc thống kê tử vong rất sát sao, việc chẩn cấp ủy lạo trong những trận dịch, cho quân dân nghỉ ngơi hoặc miễn thuế sau dịch... có thể cho người thời nay phần nào thấy được sự quý trọng sinh mạng dân đen.

Dịch bệnh được ghi nhận trong lịch sử Việt Nam rất sơ lược, suốt trong Đại Việt sử ký toàn thư (từ khởi thủy đến năm 1789) chỉ đề cập 9 lần xảy ra dịch bệnh, lần đầu thấy chép vào năm 1100 (Lý Nhân Tông, năm Canh Thìn).

Cái chết của một thi hào

Trong số 9 lần ấy, với những ghi nhận tối giản của sử quan, người sau chỉ có thể biết được có 5 trận dịch với phạm vi lan rộng toàn quốc (toàn miền Bắc), 4 trận thuộc phạm vi địa phương như Lạng Sơn, Quốc Oai, Tam Đái, Sơn Tây, Nghệ An. Trận dịch trầm trọng nhất được biết là tại các huyện thuộc Sơn Tây hồi tháng 10-1757, dân chết do bệnh dịch và đói lên đến 8, 9 phần.

Đại Nam thực lục của nhà Nguyễn ghi chép có khá hơn những sách sử trước đó, không gian địa lý của thời này cũng tương ứng với nước ta ngày nay, nên những ghi nhận này có thể phản ánh bao quát tình hình dịch bệnh toàn quốc trong thế kỷ 19. Có thể còn thiếu sót do chưa rà soát kỹ nhiều nguồn sử liệu, trước mắt chỉ riêng trong Đại Nam thực lục thấy chép gần 70 trận dịch lớn nhỏ trong thời gian 75 năm (từ năm 1820 đến 1895, trung bình hơn 1 năm xảy ra 1 trận).

Tần suất kể trên khá dày nếu so với tình hình dịch bệnh ở Trung Quốc, theo thống kê của Trương Đại Khánh (Trung Quốc cận đại tật bệnh xã hội sử, NXB Giáo Dục Sơn Đông, 2006), dịch bệnh thời nhà Thanh (1644-1911) ghi nhận trong Thanh sử cảo là 98 trận lớn với cấp độ nguy hại nghiêm trọng (trong 267 năm, trung bình hai năm rưỡi 1 trận).

Tuy ghi chép vắn tắt nhưng Đại Nam thực lục đã cho biết cụ thể nhiều số liệu quan trọng, đó là những báo cáo tổng kết sau dịch từ các địa phương gửi về, hoặc sự tổng hợp báo cáo đối với những trận dịch phạm vi toàn quốc. Ba trận đại dịch đáng lưu ý là trận dịch tả năm 1820, trận dịch (chưa rõ tên) năm 1849 và trận dịch đậu mùa năm 1888.

Năm 1820 (Minh Mạng năm đầu), tháng 6 dịch khởi phát ở các trấn Hà Tiên, Vĩnh Thanh, Định Tường (ứng với khu vực Tây Nam Bộ) rồi lan ra toàn quốc, đến tháng 12 mới ngưng, quân và dân đều mắc, số tử vong thống kê được là 206.835 người (dân số lúc này khoảng 7 triệu), triều đình phát chẩn đến 73 vạn quan tiền. Tuy không chép rõ tên dịch bệnh nhưng qua câu "Vua lấy bạch đậu khấu trong kho và phương thuốc chữa dịch sai người ban cấp", có thể biết đây là trận dịch tả. Thi hào Nguyễn Du chết trong trận dịch này.

Sau Việt Nam, Trung Quốc phải hứng chịu trận dịch này suốt năm 1821, phần "Chí", mục "Tai dị" trong Thanh sử cảo ghi nhận dịch phát vào tháng 3 tại huyện Nhâm Khâu (Hà Bắc), sau đó bùng phát ở khoảng 30 địa phương của nhiều tỉnh, tuy không ghi con số thống kê tử vong cụ thể nhưng mô tả các nơi đều là đại dịch, người chết vô số, không đếm xuể.

Trên bình diện quốc tế, theo giới nghiên cứu lịch sử bệnh truyền nhiễm Trung Quốc thì nguồn cơn trận dịch tả này khởi phát ở Ấn Độ vào năm 1817, sau đó theo các thuyền buôn lan về phía đông đến khắp Đông Nam Á rồi Trung Quốc, lan về phía tây đến các xứ ven Địa Trung Hải. 

Thực lục chép "dịch phát ở Hà Tiên rồi lan ra toàn quốc", và trong khi vua Minh Mạng còn đang lo cầu đảo với tâm trí rối bời bảo các quan: "Theo sách vở chép thì bệnh dịch chẳng qua chỉ một châu một huyện, chưa có bao giờ theo mặt đất lan khắp như ngày nay", thì Phạm Đăng Hưng tâu rằng "thần nghe dịch bệnh từ Tây dương sang". 

Lời tâu của Phạm Đăng Hưng cho thấy triều thần đã có người biết dịch bệnh truyền nhiễm từ xa, mà nay thấy khế hợp với vấn đề nguồn gốc lây truyền dịch bệnh qua các thuyền buôn đến từ Ấn Độ mà các học giả Trung Quốc nêu ra.

Trận lớn hơn xảy ra vào năm 1849 (Tự Đức năm thứ 2), số người chết gấp 3 lần so với trận năm 1820. Tháng 7, kinh sư và nhiều tỉnh phát dịch, hoãn kỳ thi. Tháng 12, ghi nhận số người chết ở Vĩnh Long đến 43.400, ở Quảng Bình chết 23.300 người (còn ở nhiều tỉnh khác chưa báo cáo). Tháng 1-1850, thống kê của Bộ Hộ cho biết số tử vong trong năm 1849 là 589.460 người (dân số lúc này khoảng 8 triệu). Trận dịch này cực lớn nhưng thông tin rất ít, không nói tên dịch bệnh, chỉ nói dịch tràn lan do khí độc (癘氣/lệ khí) phát tán.

Những năm kế tiếp lại thêm nhiều trận rất lớn ở các tỉnh từ Quảng Trị ra Bắc, như năm 1851 ở Lạng Sơn dịch bệnh kéo dài từ tháng 4 đến tháng 11, tử vong đến 4.480 người; và thống kê trong hai năm 1852-1853 ở một số tỉnh Bắc Kỳ cho thấy số tử vong đến 9.074 người.

Những trận dịch phạm vi vùng miền hoặc tỉnh, huyện cấp độ khá lớn có thể kể vào các năm 1863, 1875, 1876, 1887, 1888. Từ tháng giêng đến tháng 5-1863, dịch bệnh ở Thừa Thiên, Quảng Trị, Định Tường nghiêm trọng: Quảng Trị chết 2.600 người, Định Tường chết 1.670 người, tháng 8 năm này dân Nam Kỳ lâm nạn đói. Tháng 11-1875, dịch bệnh cùng lúc phát ở nhiều tỉnh như Hà Nội, Ninh Bình, Hưng Yên, Bắc Ninh, Hưng Hóa, Hải Dương, Nam Định, Thái Nguyên, Sơn Tây, Tuyên Quang, Phú Yên, Bình Thuận, nặng nhất là ở Khánh Hòa. 

Địa bàn cấp huyện bị trận dịch nặng nề nhất là Triệu Phong (tỉnh Quảng Trị), trong 2 năm 1876-1877 số tử vong lên đến 4.326 người. Năm 1887, ba tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa dịch phát từ tháng 4 đến tháng 9 mới lắng, số liệu riêng tỉnh Thanh Hóa chết đến 9.500 người.

Những ghi chép quý về chủng ngừa

Từ tháng 11-1887 đến tháng 6-1888, trận dịch đậu mùa hoành hành dữ dội ở tỉnh Quảng Ngãi, thống kê thấy cả đàn ông và đàn bà chết 13.934 người. Triều đình Huế phải phối hợp với thầy thuốc Tây lo việc chủng ngừa đậu mùa diện rộng cho người dân. Bệnh đậu mùa trong ghi chép thấy xuất hiện năm 1801 qua cái chết của Đông cung Cảnh tại Gia Định, năm này không nói có dịch trong dân nhưng lại chép rõ tên bệnh làm chết Đông cung.

Tại Trung Quốc, trận dịch đậu mùa khủng khiếp được ghi nhận vào năm 1530 (Minh Gia Tĩnh thứ 9) trong sách Đậu chứng lý biện, với mô tả dân chết hơn nửa phần. Việc chủng đậu theo y thuật Tây phương được thực hiện lần đầu năm 1805 tại Áo Môn, cùng lúc với sự kiện xuất bản tài liệu Anh Cát Lợi quốc tân xuất chủng đậu kỳ thư (Phép chủng đậu mới lạ ở nước Anh) bằng tiếng Trung do bác sĩ của Công ty Đông Ấn Anh A. Pearson biên soạn. 

Việc này được tiếp tục vào những năm 1815 tại Quảng Châu, năm 1841 tại Thượng Hải, năm 1861 tại Triệu Khánh (Quảng Đông), năm 1863 tại Phật Sơn (Quảng Đông), 1864 tại Bắc Kinh, 1882 tại Cửu Giang (Giang Tây), 1883 tại Nghi Xương (Hồ Bắc), 1886 tại Trấn Giang (Giang Tô), 1890 tại Thành Đô (Tứ Xuyên) [theo Bành Trạch Ích, Tây Dương chủng đậu pháp sơ truyền Trung Quốc khảo, tạp chí Khoa Học, số 32, 7-1950].

Sử nước ta nói chung và Đại Nam thực lục nói riêng ghi chép dịch bệnh quá đỗi sơ lược, thi thoảng mới chép rõ tên dịch bệnh, còn phần lớn chỉ nói chung chung là "dịch" hoặc "đại dịch". Trận dịch lớn năm 1820 gián tiếp có thể nhận định là dịch tả, trận dịch năm 1888 ở Quảng Ngãi được chép rõ là dịch đậu mùa, còn trận cực lớn năm 1849 vẫn chưa rõ tên dịch. Ở Trung Quốc, Trương Đại Khánh thống kê trong 50 năm (1840-1910) có 3 loại dịch bệnh xảy ra nhiều nhất là: dịch tả (霍乱/hoắc loạn) 45 lần, dịch hạch (鼠疫/thử dịch) 34 lần, đậu mùa (天花/thiên hoa) 11 lần.

Sử nước ta, nói riêng trong Đại Nam thực lục, do giới hạn về kiến thức khoa học cộng với quan niệm dịch bệnh do trời, nên hạn chế ở phần miêu thuật tình trạng cá nhân người bệnh cũng như những diễn biến dịch bệnh trong cộng đồng. Nhưng ở góc độ khác, công tác hành chánh khá tiến bộ qua việc thống kê tử vong rất sát sao, việc chẩn cấp ủy lạo trong những trận dịch, cho quân dân nghỉ ngơi hoặc miễn thuế sau dịch... có thể cho người thời nay phần nào thấy được sự quý trọng sinh mạng dân đen của triều đình, có lẽ là điểm sáng đáng nói trong hoạt động xã hội thời nhà Nguyễn.

Tin nhảm về dịch bệnh

Viên Mai chép trong Tùy Viên thi thoại (quyển 2): "Danh y Tô Châu Tiết Sanh Bạch nói bừa rằng: Trước thời Tây Hán, không nghe nói trẻ con mắc bệnh đậu mùa. Từ lúc Mã Phục Ba (Viện) đi đánh Giao Chỉ, lính tráng mang bệnh về, gọi là lỗ sang (虜瘡/bệnh mụn rợ), không phải tên bệnh đậu (痘)".

Viên Mai (Tử Tài) nổi tiếng văn đàn thời Thanh, nhưng làm sách lại để lọt tin nhảm, hỏng biết Tiết danh y nghe vụ này ở đâu, bởi từ Tây Hán về trước không riêng đậu mùa mà nhiều chứng dịch khác cũng đều chưa rõ tên, sử chỉ chép chung là dịch tật, dịch bệnh. Mặt khác, Truyện Mã Viện trong Hậu Hán thư không thấy nói bệnh lỗ sang, mà chỉ nói: "Kiến Võ thứ 20, Giáp Thìn (44 sau CN), Mã Viện chinh Giao Chỉ, quan quân trải chướng dịch, mười phần chết hết bốn, năm". Chướng dịch (瘴疫) hay chướng lệ (瘴癘) là bệnh do nhiễm khí độc rừng núi, về sau cũng chỉ sốt rét.

Đừng để cuộc sống quá căng thẳng vì dịch bệnh Đừng để cuộc sống quá căng thẳng vì dịch bệnh

TTO - Không còn co cụm, 'tự cách ly' trong những lo lắng quá đáng, những ngày này nhiều người đã chọn một tâm thế khác, điều chỉnh lại nếp sống, thói quen sinh hoạt, xây dựng nền tảng hệ miễn dịch khỏe mạnh, sức đề kháng tốt để sống vui, khỏe hơn.

PHẠM HOÀNG QUÂN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên