Theo BBC, Trung Quốc có khoảng 37 triệu sinh viên - Ảnh: Getty Images
Theo đài BBC ngày 6-1, cô Luo Xixi, người từng lấy bằng thạc sĩ của đại học Beihang lên tiếng rằng đã bị một trong những giảng viên của mình quấy rối tình dục khi cô còn học ở trường cách đây 12 năm.
Không lâu sau cáo buộc của cô Luo, trường Beihang tuyên bố vị giảng viên bị nghi vấn đó đã bị đình chỉ công tác và vụ việc đang trong quá trình điều tra, dù người giảng viên này phủ nhận mọi cáo buộc.
Cô Luo, hiện đang sống ở Mỹ, đã nói với BBC rằng cô được thôi thúc bởi phong trào #MeToo lên tiếng vì nạn nhân quấy rối tình dục, được lan truyền mạnh mẽ sau khi hàng loạt diễn viên nổi tiếng cáo buộc nhà sản xuất phim Hollywood Harvey Weinstein quấy rối họ.
Gần 70% sinh viên bị quấy rối
Trong khi ở phương Tây, #MeToo khởi xướng từ làng giải trí, thì ở Trung Quốc, phong trào này bắt đầu trong trường đại học.
Trước khi cô Luo lên tiếng, cũng đã có nhiều phụ nữ tốt nghiệp đại học lên mạng kể chuyện mình bị giảng viên quấy rối hoặc tấn công, nhưng hầu hết đều chỉ dám lên tiếng khuyết danh.
"Ai cũng từng nghe đồn, hoặc thậm chí trải qua chuyện bị quấy rối tình dục trong trường đại học", một nhà hoạt động vì nữ giới tên Xiao Meili nói.
Tháng 4 năm nay, Global Times trích thông tin từ một khảo sát do Trung tâm giới tính và giáo dục giới tính Quảng Châu thực hiện trên hơn 6.500 sinh viên ở 34 tỉnh, cho thấy gần 70% sinh viên đều đã từng trải qua chuyện bị quấy rối tình dục, trong đó hơn một nữa số vụ là bạn học gây ra, 1% là do giảng viên hoặc cán bộ.
Tuy nhiên, chỉ chưa đến 4% số vụ quấy rối này được báo cáo với nhà trường hoặc cảnh sát.
Theo BBC, nhiều người nghĩ rằng làm vậy sẽ chẳng mang lại điều gì tốt đẹp. Một trong những nỗi lo sợ chính là quyền lực to lớn của giảng viên đối với sinh viên ở các trường đại học Trung Quốc, với hậu quả có thể là sinh viên không hoàn thành được dự án nghiên cứu và tốt ngiệp.
Điều đó có nghĩa là chọc giận giảng viên chỉ gây nguy hiểm cho sự nghiệp học hành của sinh viên mà thôi.
"Nạn nhân thường trong thế bị động bởi vì tấn công tình dục là kết quả của việc lạm dụng quyền lực. Một số sinh viên chọn cách không trình cáo vì sợ rằng nó sẽ ảnh hưởng đến việc tốt nghiệp của họ", giám đốc Trung tâm Dịch vụ và Nghiên cứu pháp lý cho phụ nữ Guo Jianmei nói với Global Times.
Nhà hoạt động vì nữ quyền Li Sipan cũng cho biết nhiều nữ sinh viên bị quấy rối bằng lời nói và cả thể xác, hoặc được yêu cầu là phải đi ăn hoặc đi uống với giảng viên nam.
"Quy tắc ngầm"
Sau vụ cô Luo Xixi, nhiều nhóm hoạt động vì nữ quyền Trung Quốc đã khuyến khích phụ nữ nước này tham gia #MeToo, tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng cho rằng sẽ không mấy dễ dàng để phụ nữ Trung Quốc có thể lên tiếng chuyện này.
Theo Feng Yuan, người đồng sáng lập Equality, một tổ chức phi chính phủ chống lại nạn bạo lực giới tính ở Bắc Kinh lưu ý rằng cô Luo đã lên kế hoạch rất cẩn thận và khéo léo trước khi cô mang sự việc của mình ra ánh sáng.
Cụ thể, cô đã liên hệ với những người phụ nữ khác cũng từng là nạn nhân vị giảng viên kia quấy rối, thu thập rất nhiều chứng cứ, trong đó có băng ghi âm, trước đi trình sự việc lên ban giám hiệu nhà trường.
Thậm chí cô còn đợi đến khi nhà trường đã quyết đình đình chỉ người giảng viên đó rồi mới đưa câu chuyện của mình lên mạng.
Theo cô Feng Yuan, sẽ không dễ những phụ nữ khác làm theo cô Luo, hoặc sẽ dễ dàng bị lơ đi, vì Trung Quốc không có luật quốc gia đối với quấy rối tình dục, đồng thời các trường học và văn phòng cũng thiếu cơ chế phù hợp để giải quyết.
Ngoài ra, ở Trung Quốc cũng có một khái niệm gọi là "quy tắc ngầm" về chuyện quấy rối tình dục.
Theo đó, nhiều người quan niệm rằng phụ nữ không phải bị quấy rối, mà là họ tự nguyện "tuân thủ" để đổi lại lợi ích cho mình. Điều này lại càng khiến cho nhiều người không dám lên tiếng khi bị quấy rối.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận