07/09/2014 06:55 GMT+7

​Gần 30 năm nuôi vợ liệt giường

QUỐC NAM
QUỐC NAM

TT - Hơn 40 năm cưới vợ thì có gần 30 năm vợ ông nằm liệt giường. Gần như một mình ông chăm lo tất cả sinh hoạt hằng ngày của vợ trong suốt chừng ấy năm.

Suốt gần 30 năm qua, ông Vành đút từng muỗng cơm cho vợ - Ảnh: Quốc Nam
Suốt gần 30 năm qua, ông Vành đút từng muỗng cơm cho vợ - Ảnh: Quốc Nam

Ông coi đó là số phận và mỉm cười chấp nhận.

Ngôi nhà của hai vợ chồng già nằm giữa hai ngọn núi đá vôi cao sừng sững ở thôn Bàu 1, xã Tiến Hóa, huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình). Ông tên Nguyễn Xuân Vành, năm nay đã 73 tuổi. Vợ ông, bà Trần Thị Xuân, cũng 67 tuổi. Do nằm một chỗ mấy chục năm nay nên thân thể bà teo tóp, co quắp trên chiếc giường cũ kỹ.

Chúng tôi đến đúng lúc ông Vành đang cặm cụi dưới bếp nấu cơm trưa cho vợ. Như thường lệ, ông ngồi xuống bên cạnh giường bà đút từng muỗng cơm cho bà ăn.

Bà Xuân không cử động được, chỉ có thể nghiêng đầu qua một bên cho chồng đút từng muỗng cơm nhỏ. Vì thế, tay kia của ông Vành luôn cầm sẵn chiếc khăn để lau miệng cho bà khi cơm bị đổ ra ngoài.

Ông Vành cười nói rằng dù là vợ chồng nhưng gần 30 năm rồi hai ông bà chưa ngồi chung mâm cơm. Thường thì sau khi đút cho bà ăn xong bữa, ông Vành mới lủi thủi bưng cơm ra ăn một mình.

Ông bà cưới nhau từ năm 1972. Hai ông bà sinh đến tám người con nhưng mất hết chỉ còn ba chị em. Lớn lên họ lại đi xa không ở gần cha mẹ. Hơn chục năm sau ngày cưới, bà Xuân ngã bệnh.

“Buổi chiều hai vợ chồng tui còn ra đồng, nhưng đến tối đột nhiên vợ tui kêu đau khắp các khớp chân, khớp tay rồi cơn đau nặng dần. Vài hôm sau thì bà không đi được nữa, chỉ có thể nằm một chỗ” - ông Vành nhớ lại.

Ông cuống cuồng tìm cách đưa bà đi Bệnh viện tỉnh Quảng Bình cứu chữa. Nhưng thời điểm đó, các bác sĩ chỉ biết lắc đầu bởi căn bệnh viêm khớp của bà đã chuyển qua mãn tính. Bà Xuân nằm liệt giường từ đó.

Năm 1992, ông Vành xin nghỉ hưu sớm để có thời gian ở nhà chăm sóc vợ. “Tính ra là hơn 28 năm rồi bà ấy nằm một chỗ. Cũng chừng đó năm tui chưa khi mô dám đi xa quá nửa ngày” - ông nói.

Nhà ông cách không xa sông Gianh. Mùa lụt năm đó, nước đổ vào nhà ông đúng lúc nửa đêm. Không kịp kêu ai giúp, ông bắc thang cõng bà lên mái nhà tránh lũ. Lúc đó ông cũng đã 70 tuổi, chân tay không còn làm được việc nặng.

Ông gồng mình leo từng bậc thang cõng theo bà sau lưng. Vết thương mới mổ từ khối u ở bàng quang chưa lành hẳn nhưng ông cắn răng chịu đựng.

Thấy vậy, bà Xuân nói thôi ông thả tui xuống rồi có chết cũng nhẹ gánh cho ông. Ông không chịu mà quyết cõng bằng được. Lên được mái nhà thì ông ngất. Vết mổ rướm máu. Bà không cử động được, chỉ nằm một chỗ nhìn ông mà rơi nước mắt. 

Xế chiều, mặt trời thấp dần xuống hai đỉnh núi trước nhà cũng là lúc ông Vành vất vả nhất. Bởi lúc này thường là thời điểm bà lên cơn đau nhức các khớp xương.

Ông xoa bóp tay chân cho vợ, dù biết việc xoa bóp không có nhiều tác dụng nhưng ông vẫn kiên nhẫn làm. Ông nói chủ yếu để bà không có cảm giác chịu đựng cơn đau một mình: “Bà ấy đã nằm một chỗ gần 30 năm. Dù không khi nào than vãn nhưng tui biết bà ấy cô đơn lắm. Tui không kề cận thì sợ bà tủi”.

Không ít lần bà Xuân thấy tủi thân như thế. Nằm trong góc giường tối om, nhiều lần bà thút thít khóc. Bà vừa tủi phận mình vừa thương chồng con.

“Nhiều lần tui cũng muốn chết đi cho ông ấy được thư thả. Nhưng ông ấy gạt đi rằng hai vợ chồng sống với nhau mấy chục năm rồi, không có bà để chăm sóc tui cũng ở một mình, biết nói chuyện với ai” - bà Xuân kể.

QUỐC NAM
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên