Chính yếu tố tín ngưỡng làm nên sức mạnh của cộng đồng, người Lý Sơn luôn đoàn kết và thẳng tiến về phía biển - Ảnh: BÙI THANH TRUNG
Nghi lễ hầu thần, vọng người mở cõi
"Mùng bốn có hội đua ghe - cho đến mùng bảy bắt phe dồi bòng", câu ca lưu truyền trong cuộc sống của người Lý Sơn từ bao đời tự nói lên ý nghĩa to lớn của lễ hội đua thuyền diễn ra xuyên suốt trong 4 ngày (mùng 4 đến mùng 7 tết cổ truyền hằng năm).
Ông Dương Hữu Nghĩa - trưởng ban tổ chức Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa làng An Hải - cho biết: "Dịp đầu năm vừa rồi, tôi mở phổ hệ dòng tộc gồm 11 cuốn, trong đó có nhắc đến lễ hội đua thuyền ở Lý Sơn có từ năm 1827".
Dòng họ Dương là 1 trong 7 tộc họ tiền hiền dong thuyền từ đất liền ra Lý Sơn. Cuốn gia phả được đánh giá đồ sộ nhất còn tồn tại cho đến ngày nay tại Lý Sơn khiến nhiều nhà nghiên cứu ngỡ ngàng. Hiện Viện nghiên cứu Hán Nôm đang dịch cuốn gia phả này.
Ông Nghĩa hi vọng rằng "Những gì tiền nhân ghi lại sẽ làm sáng tỏ hơn lễ hội đua thuyền và lễ khao lề thế lính Hoàng Sa, hai di sản phi vật thể cấp quốc gia mà người Lý Sơn luôn tự hào".
Người khởi đầu hồ sơ đề nghị công nhận lễ hội đua thuyền Lý Sơn là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là tiến sĩ Nguyễn Đăng Vũ - nguyên giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch Quảng Ngãi.
Về thời điểm lễ hội ra đời, ông Vũ nói: "Từ thời tuân mệnh triều Nguyễn dong thuyền mở cõi Hoàng Sa, người Lý Sơn tại các làng đã chọn ra những chàng trai khỏe nhất và giỏi bơi lội nhất tham gia tranh đua giữa các làng.
Từ cuộc tranh đua này chọn ra những người giỏi nhất để đi Hoàng Sa, Trường Sa. Tôi cho rằng lễ hội này phải xuất hiện trước cả năm 1827 được ghi chép lại trong các dòng tộc ở Lý Sơn".
Trong cuốn sách Văn hóa dân gian của cư dân ven biển Quảng Ngãi, ông Nguyễn Đăng Vũ từng dành 20 trang đúc kết tầm vóc và ý nghĩa của lễ hội đua thuyền Lý Sơn, trong đó ông nhấn mạnh "chính yếu tố tín ngưỡng làm nên sức mạnh của cộng đồng, người Lý Sơn luôn đoàn kết và thẳng tiến về phía biển. Khát vọng chinh phục biển khơi, với niềm tin tín ngưỡng đã đưa người Lý Sơn đi xa hơn".
Lễ hội đua thuyền tứ linh ở đảo Lý Sơn luôn thu hút đông người dân và du khách theo dõi - Ảnh: BÙI THANH TRUNG
Nâng tầm di sản từ cộng đồng
Ông Vũ cho rằng sự công nhận di sản phi vật thể đối với lễ hội đua thuyền Lý Sơn là hoàn toàn xứng đáng, nhưng ông cũng bày tỏ trăn trở.
"Phải phát huy được di sản, chúng ta nên có tiêu chí công nhận được thì hủy bỏ được nếu sau thời gian công nhận, kiểm tra không thấy có sự bảo tồn, phát huy... Có như vậy thì may ra tất cả cùng ý thức nâng tầm di sản", tiến sĩ Vũ nói.
Nhiều đơn vị lữ hành cũng nhìn nhận ở Việt Nam nói chung và Lý Sơn nói riêng, việc nâng tầm di sản vẫn còn bỏ ngỏ. "Lý Sơn có quá nhiều di sản, chúng tôi muốn khai thác, nhưng không có sự chung tay của người dân thì chẳng thể làm được.
Nhiều khi dẫn du khách vào đình làng chẳng có người địa phương đủ am hiểu nói chuyện, hay xem lễ khao lề, lễ hội đua thuyền chỉ "đã" con mắt, còn chẳng có câu chuyện gì mang về, dẫn đến du khách không cảm nhận hết ý nghĩa của di sản", đại diện một đơn vị lữ hành thẳng thắn.
Nâng tầm di sản, câu chuyện cũng là nỗi trăn trở của chính quyền huyện Lý Sơn.
Theo ông Nguyễn Quốc Việt - chủ tịch UBND huyện Lý Sơn, huyện đảo chỉ có 10km2 nhưng trùng trùng di sản cả vật thể lẫn phi vật thể tuy nhiên việc kết nối giữa các di sản, di tích vẫn còn chưa được tốt.
"Chúng tôi sẽ làm hết mình để khi di sản được công nhận sẽ sống mãi trong cộng đồng và ngày một phát triển hơn", ông Việt nói.
Vẹn nguyên giá trị cổ xưa
Ngày 27-4, huyện đảo Lý Sơn đón nhận Lễ hội đua thuyền tứ linh ở Lý Sơn là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Lễ hội đua thuyền Lý Sơn diễn ra theo trình tự 3 giai đoạn: trước lễ hội, lễ hội và sau lễ hội. Trước lễ hội thì đóng thuyền mới, sửa sang thuyền cũ.
Theo quan niệm của người dân địa phương, con thuyền cũng có linh hồn và là yếu tố quyết định sự thành bại trong một cuộc đua. Việc đóng thuyền mới và sửa chữa thuyền cũ phải hoàn thành vào đầu tháng chạp, sau đó chọn ngày lành để làm lễ hạ thủy trang nghiêm với đầy đủ các nghi thức cổ xưa.
Trước khi tham dự hội đua thuyền, đại diện các tộc họ trong làng đến đình làng làm lễ cáo Thành hoàng và các vị tiền hiền, xin phép mở hội. Hội đua thuyền tứ linh ở Lý Sơn theo truyền thống gồm 2 cuộc đua, diễn ra tại làng An Hải và An Vĩnh. Trường đua thay vì trên sông như ở các nơi, ở Lý Sơn là đua thuyền trên biển trước mặt đình làng.
Đường đua là khoảng đường biển mà thuyền đua phải vượt qua trong một cuộc đua gồm 4 vòng (8 dạo), với tổng chiều dài khoảng hơn 4 hải lý. Cuộc đua bắt đầu sau phần nghi lễ dành cho các chủ thuyền và các tài công.
Đội đua thuyền là những chàng trai mạnh khỏe, giỏi nghề biển. Mỗi đội đua có 21-24 người, đều là nam giới, tuổi từ 18 đến 55, trong đó có 1 tổng lái, 1 tổng khoan (lo việc tát nước), 1 đập then và các tay chèo.
Một số hình ảnh chiều 26-4 ở huyện đảo Lý Sơn:
Nghi thức rửa thuyền, với người Lý Sơn, thuyền thể hiện khát vọng nên mỗi khi có lễ hội phải rửa sạch - Ảnh: TRẦN MAI
Trước mỗi cuộc đua chính trong lễ hội đua thuyền, các làng tập luyện sau đó mang thuyền vào lân thờ tự
Trước mỗi cuộc đua chính trong lễ hội đua thuyền, các làng tập luyện sau đó mang thuyền vào lân thờ tự
Sau khi tập luyện, thuyền được mang vào đình cúng tế
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận